(VTC News) – Mặc dù theo chỉ đạo của NHNN lãi suất cho vay đã bắt đầu giảm, nhưng theo ý kiến của các Sở Công Thương tại cuộc họp sơ kết trực tuyến của Bộ Công Thương diễn ra sáng 9/7, mức lãi suất này vẫn chưa hợp lý.
Còn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong các tháng cuối năm là đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho.
Doanh nghiệp khốn đốn vì lãi suất chưa hợp lý
Theo ông Nguyễn Tiến Vị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp 6 tháng đã có mức tăng trưởng thấp, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm 2011 do nhu cầu tiêu dùng nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, sức mua trên thị trường thấp. Vì vậy, tuy các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động nhưng hầu như trong trạng thái cầm chừng do gặp khó khăn về đầu ra.
Xuất khẩu cho dù là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm nhưng việc thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm 2012 là 109,5 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2011 sẽ cực kỳ khó khăn do không chỉ giá xuất khẩu giảm mà thị trường xuất khẩu cũng bị thu hẹp khi các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Hàng tồn kho tăng cao trong 6 tháng đầu năm |
Theo ông Vị, do khó khăn của các nền kinh tế thế giới và việc hạn chế tiêu dùng, giá cả hàng hóa xuất khẩu, nhất là giá hàng nông sản đã giảm sút mạnh khiến kim ngạch nhóm hàng hóa này giảm 916 triệu USD, xuất khẩu than đá giảm 61 triệu USD.
Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Trương Đình Hòe cho biết, chưa bao giờ, xuất khẩu thủy sản gặp thách thức lớn như hiện nay bởi ngoài khó khăn về vốn, về thị trường, việc xuất khẩu nhóm hàng này, nhất là xuất khẩu tôm, cá tra đang phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng gia tăng tại nhiều thị trường.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang các nước thuộc khối EU sụt giảm mạnh, trong đó Đức giảm 26,4%, Hà Lan giảm 10,9%, Italy giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2011.
Đáng chú ý, việc xuất khẩu tôm vào Nhật Bản - thị trường xuất khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam , chiếm đến 27% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đang phải đối diện với nhiều rào cản nhất. Hiện Nhật Bản đang tăng tần suất kiểm tra chất Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam . Trong khi đó, hàm lượng chất Ethoxyquin trong tôm bị chủ yếu đến từ nguồn thức ăn nuôi tôm nhập khẩu nên doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thủy sản khó lòng kiểm soát.
“Ngoài ra, do bị cắt giảm ngân sách so với năm 2011, hoạt động xúc tiến thương mại không mang lại được hiệu quả như mong muốn giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và quảng bá hình ảnh”, ông Hòe cho biết.
Một trong những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu chung cả nước là dệt may, giày dép, mức tăng trưởng cũng thấp so với cùng kỳ 2011 do quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu chính như EU.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm, dẫn đến hàng tồn kho rất lớn. Tính đến tháng 6/2012, mức độ hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng bình quân 26%, đã khiến cho chỉ số phát triển công nghiệp chỉ còn 4,6%, đây là con số thấp nhất trong 6 tháng cùng kỳ của nhiều năm gần đây.
Cụ thể, hàng tồn kho của đồ uống không cồn tăng 23,8%, bột giấy, giấy và bìa tăng 15,6%, giấy và bao bì tăng 130%, xi măng tăng 29,3%, đáng chú ý sản xuất xe có động cơ tăng 116,7%...
Trong các ngành sản xuất, ngành công nghiệp chế biến gặp nhiều khó khăn nhất, chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm của ngành này thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm trước
Điều đáng nói, mặc dù theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước lãi suất cho vay đã bắt đầu giảm, nhưng theo ý kiến của các Sở Công Thương, mức lãi suất vẫn chưa thực sự hợp lý. Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết không có doanh nghiệp nào trên địa bàn thành phố tiếp cận được lãi suất cho vay ở mức 14%/năm, phần lớn là 17-18%/năm.
Bộ trưởng: “Phải xử lý hàng tồn kho”
Tại cuộc họp sơ kết trực tuyến của Bộ Công Thương diễn ra sáng 9/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, phải xử lý hàng tồn kho để giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Trước mắt, các doanh nghiệp sản xuất tính toán các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí, khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng việc củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất, giảm tồn kho sản phẩm.
Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để xảy ra thiếu hàng sốt giá cũng như phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông, bảo đảm cung cầu, an sinh xã hội.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hiện Bộ Công Thương đã ban hành danh mục thiết bị sản xuất trong nước, vì vậy Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu hợp lý của các thiết bị thuộc danh mục này để kích thích tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước.
Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế VAT xuống 5% cho doanh nghiệp bởi việc giảm thuế VAT này sẽ trực tiếp tác động đến việc hạ cơ cấu giá thành sản phẩm, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm giá bán, tăng lượng tiêu thụ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước mở rộng đối tượng được vay cho tất cả các doanh nghiệp, không hạn chế đối tượng như Thông tư số 14 quy định bởi có rất nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng bị hạn chế đang có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội thì đề xuất: Luật Thuế môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể với sản phẩm túi nilon thuộc diện chịu thuế và túi nilon thân thiện môi trường; đồng thời việc áp dụng thuế môi trường này cũng chưa có lộ trình cụ thể khiến các doanh nghiệp ngành sản xuất bao bì nhựa gặp khó khăn lớn trong sản xuất kinh doanh, còn các doanh nghiệp cần bao bì nhựa lại tăng nhập khẩu bao bì túi ni lon, càng làm cho đầu ra của sản xuất trong nước đã khó lại càng khó thêm.
“Vì vậy, Chính phủ cần tạm dừng việc áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon cho đến khi có văn bản hướng dẫn và điều chỉnh cụ thể”, vị đại diện Bộ Công thương cho biết.
Ngọc Vy
Bình luận