• Zalo

Các sếp lớn ngành GTVT bị ông Đinh La Thăng 'trảm' giờ ra sao?

Kinh tếThứ Sáu, 15/09/2017 07:54:00 +07:00Google News

Hàng loạt Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc “mất ghế” dưới thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ GTVT, trong những sếp doanh nghiệp đó, người bị giáng chức, người thì chuyển công tác nhưng có nhân sự chỉ 1 năm sau lại trở về vị trí cũ.

Huỷ quyết định cha bổ nhiệm con trai

Trong thời gian làm Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT), ông Đinh La Thăng nổi tiếng với nhiều phát ngôn ấn tượng, chỉ đạo quyết liệt trong việc “trảm tướng” vì những sai phạm, ì ạch trong thi công dự án.

Còn nhớ, năm 2014, ông Đinh La Thăng đã yêu cầu Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam (BĐATHHMN) thu hồi Quyết định bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc sai quy định đối với ông Phạm Tuấn Anh.

Cụ thể, tháng 2/2014, Tổng công ty BĐATHHMN có nhiều biến động về nhân sự. Ngày 21/2, sau khi Tổng giám đốc Phạm Đình Vận nhận quyết định nghỉ hưu, em trai ông là Phạm Quốc Súy nhận quyết định thay chức của anh trai.

Điều đáng nói, trước thời điểm ông Vận nhận quyết định nghỉ hưu 2 ngày (ngày 19/2), ông Vận đã ký quyết định bổ nhiệm con trai là Phạm Tuấn Anh (đang là Trưởng phòng an toàn hàng hải) làm Phó Tổng giám đốc.

photo-1-1470885625885-68-158-304-480-crop-1470888620602

Ông Phạm Quốc Súy (bên phải) trao quyết định bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc cho ông Phạm Tuấn Anh hồi tháng 2/2014 

 

Tuy nhiên, theo quy định, quyết định bổ nhiệm ông Phạm Tuấn Anh làm Phó Tổng giám đốc là vượt thẩm quyền và trái quy định hiện hành về trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ.

Cụ thể, theo Khoản 2 và Khoản 4, Điều 1, Quyết định số 80/2004/QĐ-TTg ngày 12/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về quy định số lượng Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc doanh nghiệp nhà nước, Tổng công ty nhà nước không thuộc hạng đặc biệt; doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty mẹ được bố trí tối đa 4 Phó Tổng giám đốc.

Trong khi đó, tại thời điểm bổ nhiệm ông Phạm Tuấn Anh giữ chức Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty BĐATHHMN đã có 4 Phó Tổng nên đủ số lượng theo quy định.

Vụ bổ nhiệm thừa cán bộ trên đã không “lọt” qua mắt của Bộ trưởng Đinh La Thăng lúc bấy giờ. Và tháng 6/2014, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã hủy quyết định bổ nhiệm con trai ông Vận.

Sau đó, ông Phạm Tuấn Anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu. Tuy nhiên, 1 năm sau, ông Phạm Tuấn Anh đã trở lại chức vụ từng bị Bộ trưởng GTVT cách chức.

Nhiều "tướng" ngành GTVT cũng bị "trảm"

Ngoài trường hợp ông Phạm Tuấn Anh, thời còn làm Bộ trưởng GTVT, ông Đinh La Thăng còn mạnh tay “trảm” hàng loạt tướng trong ngành. Cụ thể:

Tháng 10/2011, sau khi thị sát thực trạng xây dựng công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng, ông Đinh La Thăng đã yêu cầu thay ngay tổng chỉ huy công trình vì để việc thi công ì ạch đã khiến dự án chậm tiến độ gần 2 năm.

Ngày 3/6/2014, Bộ GTVT đã chính thức công bố quyết định cho thôi chức vụ Tổng Giám đốc Đường sắt Việt Nam đối với ông Nguyễn Đạt Tường. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, điều mà ông quan tâm là năng lực công tác và hiệu quả công việc.

Sự trì trệ, yếu kém của ngành đường sắt, mà cụ thể là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lâu nay ai cũng nhìn thấy và việc đổi mới ngành này là một yêu cầu cấp bách. Vì thế, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đi tới quyết định thay đổi nhân sự, đặc biệt là các chức vụ cấp cao của ngành Đường sắt.

Video: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về việc kỷ luật ông Đinh La Thăng

Ngày 29/12/2014, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã ký quyết định kỷ luật đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt với hình thức “giáng chức” xuống làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Tháng 2/2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế, nhận định việc thi công ở các dự án thi công quốc lộ 1 qua Bình Định - Phú Yên ì ạch, nhà thầu kém. Trong cuộc họp về việc xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án trên, ông Thăng quyết định thay giám đốc điều hành dự án.

Và ngày 3/2/2016, ông Thăng yêu cầu Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo cách chức ông Nguyễn Viết Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội vì liên quan đến việc đề xuất mua 160 toa xe cũ (từ 12 - 20 năm) của Trung Quốc. Ông Hiệp sau đó được điều động, bố trí làm Phó trưởng ban Ban Vận tải của Đường sắt Việt Nam.

Đây cũng là “tướng” cuối cùng bị ông Đinh La Thăng cách chức trong giai đoạn đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ GTVT của mình.

Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn