Triển lãm ô tô Việt Nam bắt đầu diễn ra trong năm ngày tại TP.HCM với chủ đề "Công nghệ cho tương lai xanh". Thương hiệu hàng đầu Toyota ra mắt xe Camry hybrid và nói với Nikkei Asia rằng họ vẫn đang quyết định thời điểm đưa một mẫu xe hoàn toàn chạy bằng điện đến Việt Nam.
Trong khi đó, các đơn vị khác tại hội chợ áp dụng cách tiếp cận từng bước. Họ bắt đầu thêm một mẫu xe điện hoặc xe hybrid vào kho hàng cho đến khi các trạm sạc phát triển đầy đủ. "Chúng tôi không thể thay đổi tất cả xe ICE (động cơ đốt trong) sang các giải pháp khác trong một sớm một chiều. Điều đó là không thể", Nakano Keita, chủ tịch Toyota Việt Nam nói.
Toyota kỳ vọng đến năm 2025 sẽ là công ty đầu tiên đạt doanh số bán ô tô tích lũy 1 triệu chiếc tại Việt Nam. Trong khi đó doanh số của ngành có thể đạt 30.000 xe mỗi tháng tại Việt Nam, nơi thị trường xe hybrid còn đang trong giai đoạn sơ khai. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đơn vị bắt đầu theo dõi các số liệu vào năm 2024, doanh số bán xe hybrid vượt quá 1.000 xe lần đầu tiên vào tháng 9.
Trong khi triển lãm tập trung vào công nghệ xanh, VinFast, nhà sản xuất xe điện được niêm yết trên Nasdaq, vắng mặt một cách đáng chú ý. Công ty từng giao 9.300 xe điện vào tháng 9, so sánh với 7.000 xe của Toyota, và VinFast cho biết đây là lần đầu tiên đánh dấu lượng xe điện bán chạy nhất tại Việt Nam.
Nhưng cơn sốt dường như chỉ diễn ra trong thời gian ngắn dù các chính sách thúc đẩy doanh số được chính phủ đưa ra, như giảm một nửa thuế trước bạ đối với các mẫu xe lắp ráp trong nước từ tháng 9.
Doanh thu của các thành viên VAMA vẫn giảm 2% trong năm nay, và tổng doanh số bán ô tô sản xuất trong nước đã giảm 7,5%.
Ông Nakano cho rằng sự sụt giảm này là do các điều kiện kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sự suy thoái của bất động sản khiến người Việt Nam thu được ít tiền hơn từ việc tăng giá tài sản. "Doanh số bán xe và bất động sản có mối liên hệ chặt chẽ", ông nói.
Suzuki cũng tung ra một chiếc XL7 hybrid tại triển lãm và cho biết họ sẽ chờ xem cơ sở hạ tầng và nhu cầu phát triển sẽ diễn ra như thế nào trước khi cung cấp xe điện. "Xe hybrid giúp khách hàng giảm lượng carbon tiêu thụ", giám đốc truyền thông Le Truong nói với Nikkei. Bà cho biết người lái xe "không cần phải thay đổi hành vi và tìm các trạm sạc".
Theo Reuters, Việt Nam hiện có hơn 150.000 trạm xe điện, phần lớn trong số đó do VinFast sở hữu và vận hành, nằm trong các tòa nhà chung cư và trung tâm mua sắm. Sẽ mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để đưa xe điện đến các vùng nông thôn. HSBC ước tính rằng Việt Nam sẽ cần khoảng 12,3 tỷ USD đầu tư vào năm 2040 để thiết lập đủ số lượng trạm sạc cho xe điện, theo tờ Hanoi Times.
Trong khi đó, các đối thủ Trung Quốc đang đổ xô vào Việt Nam, từ Hongguang Mini dưới 5.000 USD, đến BYD, nơi cung cấp nhiều loại xe hybrid và xe điện nhất. Các công ty này đang đe dọa giành thị phần từ VinFast, nhưng nhà sản xuất Việt Nam không chỉ là một đối thủ cạnh tranh, theo đại diện của MG Motor tại Việt Nam.
"VinFast là một công ty tiên phong - công ty này khiến mọi người cởi mở hơn và nâng cao nhận thức", giám đốc bán hàng của MG, Nguyễn Đức Duy, nói với Nikkei. Ông cho biết điều đó mở đường cho các lựa chọn xe điện như mẫu xe mà công ty ông trưng bày, xe hatchback MG4.
Nhưng ông cũng thừa nhận sự suy thoái của năm nay, nói rằng khách hàng cảm thấy "kém tự tin" hơn về một giao dịch mua lớn như vậy. MG, Suzuki và các công ty khác cho biết họ phản ứng bằng cách giảm giá cho người mua để phù hợp với mức trợ cấp của chính phủ cho các xe sản xuất trong nước.
Skoda, một nhà sản xuất đến từ Cộng hòa Séc mà hầu hết người Việt Nam chưa biết, cũng đang nỗ lực nâng cao nhận thức về thương hiệu. Họ đang chuẩn bị giới thiệu xe điện nhưng đội xe vẫn chủ yếu là xe xăng."Tại Việt Nam, mọi người sẽ mất thời gian để có được trải nghiệm với Skoda", Giám đốc tiếp thị Vũ Mạnh Cường nói với Nikkei. "Chúng tôi muốn sản phẩm của mình thu hút khách hàng từng bước một".
Bình luận