Một nửa thế giới đã bước sang ngày đầu tiên của năm 2023. Trong bài phát biểu năm mới, các nhà lãnh đạo đưa ra những thông điệp quan trọng trước một năm nhiều thách thức.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gửi thông điệp mong người dân "chuẩn bị tinh thần cho những điều không chắc chắn phía trước", trong đó, "nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng".
Singapore, quốc gia chủ yếu phụ thuộc vào thương mại, dự kiến có tỷ lệ tăng trưởng 3,5% vào năm 2022. Ông Lý nhận định tốc độ này sẽ giảm xuống còn 0,5% đến 2,5% vào năm tới khi nhiều nền kinh tế tiến tới suy thoái. Chính phủ Singapore cũng dự báo xuất khẩu giảm 2% vào năm 2023 trong trường hợp xấu nhất và không tăng trưởng trong trường hợp tốt nhất.
Thủ tướng Singapore nhận định thêm, các yếu tố như xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng Mỹ-Trung sẽ làm tăng thêm rủi ro. Ông nói thêm: “Trung Quốc phục hồi nhanh như thế nào sau COVID-19 là điều vẫn còn phải chờ thêm, trong khi Mỹ và EU rất có thể sẽ rơi vào suy thoái".
Singapore đã thắt chặt chính sách tiền tệ 5 lần kể từ tháng 10/2021 để kiềm chế lạm phát, và công bố một số biện pháp giảm lạm phát cho đến năm 2022 để giảm bớt sự gia tăng chi phí sinh hoạt đối với các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp.
“Ngay cả những đám mây đen tối nhất cũng có tia chớp bạc, nhưng chỉ dành cho những người đủ táo bạo để nắm bắt cơ hội”, Thủ tướng Singapore nhấn mạnh.
Trong khi đó, trong thông điệp năm mới, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi người dân tiếp tục nỗ lực tiết kiệm năng lượng và cho biết các kho cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới của Đức sẽ giúp châu Âu giảm phụ thuộc với khí đốt Nga trong thời gian dài.
Ông Scholz thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến sự Nga - Ukraine là một “bài kiểm tra khó khăn” đối với nền kinh tế lớn nhất lục địa già. Nhưng ông cho biết Đức đã từ chối khuất phục trước điều này và với các kho khí đốt mới, nước Đức sẽ vượt qua mùa đông .
Thủ tướng Đức cũng chỉ ra “các cơ sở lưu trữ khí đốt được dự trữ đầy đủ và nỗ lực chung mà chúng ta đã thực hiện để tiết kiệm năng lượng trong những tháng gần đây”, nhấn mạnh "điều đó sẽ vẫn quan trọng trong những tháng tới".
Cùng với thông điệp về năng lượng, ông Scholz nhắc lại sự ủng hộ cho Ukraine, nói rằng NATO và Liên minh châu Âu đang đoàn kết hơn bao giờ hết.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cảnh báo các vấn đề của nước này sẽ không "biến mất" vào năm 2023 sau 12 tháng "khó khăn".
Dù vậy, trong thông điệp Năm mới của mình, thủ tướng cũng hứa hẹn "những điều tốt đẹp nhất của nước Anh" sẽ được thể hiện trong những tháng tới.
Nhà vua Thái Lan ca ngợi nước này đã đoàn kết trong giờ phút cần thiết để vượt qua đại dịch và thiên tai.
Trong bài phát biểu mừng năm mới trên truyền hình, Nhà vua nói người Thái Lan luôn thể hiện lòng tốt, sự quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau khi đối mặt với những tình huống không hay.
Trong bài phát biểu năm mới được ghi hình trước, Thủ tướng Thái Lan Prayut mời người dân Thái Lan gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới Nhà vua. Ông mô tả năm 2022 là "năm chiến thắng" đối với Thái Lan khi đất nước này đã vượt qua hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, bao gồm cả đại dịch COVID-19.
Theo ông, chiến thắng trước COVID-19 là kết quả của sự đoàn kết, tuân thủ các biện pháp y tế công cộng của người Thái Lan.
Trên Twitter, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chúc mừng năm mới 2023, mong năm mới đến với nhiều hy vọng, hạnh phúc, sức khỏe và thành công.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cam kết trong bài phát biểu mừng năm mới rằng nước này sẽ đóng vai trò hàng đầu trong lĩnh vực ngoại giao vào năm 2023, với tư cách là nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G7 và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ông Kishida mô tả năm 2022 là một “năm đầy biến động”, chứng kiến những sự kiện làm nên lịch sử, đề cập đến biến thể omicron dễ lây lan của virus SARS-CoV-2, chiến sự tại Ukraine và vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe Shinzo.
Ông Kishida cho biết Nhật Bản đang “đối mặt với tình hình an ninh nghiêm trọng nhất” trong thời kỳ hậu Thế chiến II, đồng thời cho biết quốc gia châu Á này sẽ “sẵn sàng từ chối mạnh mẽ các nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực” và ứng phó với “các mối đe dọa hạt nhân”.
Thủ tướng Kishida cũng bày tỏ sự mong chờ được thực hiện các biện pháp cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản, sau thời gian nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi giá lương thực, năng lượng toàn cầu tăng cao và tỷ lệ sinh giảm mạnh.
Bình luận