• Zalo

Các ngân hàng nhỏ có đủ sức giảm lãi suất cho vay?

Kinh tếThứ Hai, 15/01/2018 07:27:00 +07:00Google News

Các ngân hàng lớn đồng loạt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp; thế nhưng, mặt bằng lãi suất chưa chắc đã hạ được khi mà nhiều ngân hàng nhỏ vẫn chịu áp lực lãi suất huy động cao.

"Ông lớn" tiên phong giảm lãi suất

Tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018 diễn ra ngày 8/1, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã đưa ra chủ trương các ngân hàng thương mại phải tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay. 

Sau đó một ngày, tại Hội nghị trực tuyến Triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2018, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, lãnh đạo 3 ngân hàng lớn là ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) và ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

vay tiêu dùng

Hàng loạt ngân hàng giảm lãi xuất. 

Vietcombank tiếp tục là ngân hàng tiên phong trong các đợt giảm lãi suất. Trong ngày 10/1, Vietcombank cho biết, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/01/2018 và định hướng điều hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, Vietcombank tiếp tục tiến hành giảm lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.

Theo đó, Vietcombank áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế được điều chỉnh giảm về mức tối đa 6%/năm. Thời gian thực hiện ưu đãi lãi suất là từ 15/01-31/12/2018.

Đối với các khoản cho vay hiện hữu có lãi suất 6,5%/năm sẽ được đồng loạt giảm 0,5% về mức 6%/năm. Đối với các khoản cho vay hiện hữu có lãi suất trên 6%/năm được điều chỉnh giảm về 6%/năm.

Các khoản giải ngân mới từ nay đến hết năm 2018 áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa là 6%/năm.

VietinBank chưa công bố chương trình giảm lãi suất rộng khắp nhưng trong ngày 8/1, ông lớn ngân hàng này đã tung ra chương trình “Hợp tác vươn xa” với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm cho các doanh nghiệp nhỏ. 

VietinBank cho biết, chương trình này đã được VietinBank triển khai liên tục từ năm 2016 và mang đến cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ.

Theo đó, VietinBank áp dụng lãi suất cho vay chỉ từ 5%/năm đối với khoản vay có thời hạn tối đa 1 tháng; lãi suất chỉ từ 6,0%/năm đối với khách hàng mới với thời gian ưu đãi ngắn hạn tối đa 3 tháng; cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm với thời gian ưu đãi lãi suất lên tới 12 tháng kể từ ngày giải ngân cho khách hàng.

Đối với nhóm khách hàng thông thường, VietinBank áp dụng mức lãi suất như sau: Cho vay ngắn hạn lãi suất chỉ từ 7,0%/năm với thời gian ưu đãi tối đa 3 tháng; cho vay trung, dài hạn từ 9,0%/năm và thời gian ưu đãi lãi suất lên tới 12 tháng kể từ ngày giải ngân cho khách hàng.

Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm?

TS Nguyên Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận xét, động thái giảm lãi suất của ngân hàng có tác động rất lớn tới nền kinh tế, hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp, giúp chi phí đầu vào của doanh nghiệp giảm, từ đó tăng lợi nhuận.

ttxvn_noxau 3

Các ngân hàng lớn đồng loạt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Thế nhưng, mặt bằng lãi suất chưa chắc đã hạ được khi mà nhiều ngân hàng nhỏ vẫn chịu áp lực lãi suất huy động cao. 

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu động thái giảm lãi suất cho vay của các ông lớn ngân hàng có lan tỏa sang các đơn vị còn lại, từ đó giảm mặt bằng lãi suất hay không, TS Hiếu khá dè dặt.

Ông Hiếu nói: "Tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay nói chung không dễ để đồng loạt giảm trong thời gian trước mắt vì các ông lớn ngân hàng có đủ dư địa giảm nhưng các ngân hàng nhỏ thì chưa chắc".

Ông Hiếu phân tích, hiện tại thanh khoản trên thị trường ngân hàng khá ổn nhưng không dư thừa. Vì vậy, theo quy luật thị trường, doanh nghiệp không cần giảm giá hàng hóa để đẩy mạnh tốc độ bán ra. Ông Hiếu cho rằng các ông lớn ngân hàng giảm lãi suất cho vay chủ yếu là thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/01/2018 và định hướng điều hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chứ không phải theo quy luật thị trường.

Ông Hiếu đánh giá Agribank, Vietcombank, VietinBank là những ngân hàng lớn, có nhiều dư địa giảm lãi suất.

Vì vậy, động thái lần này của các ông lớn kể trên sẽ có ảnh hưởng nhưng không quá lớn tới lợi nhuận của họ. Nhưng với các ngân hàng nhỏ thì khác.

"Nhiều ngân hàng nhỏ vẫn đang phải huy động vốn với lãi suất cao. Có những đơn vị niêm yết lãi suất tới 8,5%/năm. Vì vậy, sẽ rất khó cho họ để giảm lãi suất cho vay", Ông Hiếu phân tích.

Hiện tại, trên thị trường, nhiều ngân hàng đang duy trì chính sách lãi suất huy động cao. Trên website, ngân hàng Xây dựng (CB) thay đổi biểu lãi suất từ 1/1/2018 với mức cao nhất chỉ là 7,79%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng. Thế nhưng, nhiều chi nhánh, phòng giao dịch CB vẫn treo biển lãi suất 8,5%/năm.

Ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt cũng thường xuyên nằm trong danh sách các đơn vị có lãi suất huy động cao nhất với mức phổ biến 8,3%/năm. Kể từ ngày 2/1/2018, ngân hàng này tăng lãi suất lên 8,5%/năm ở kỳ hạn 18 tháng.

Video: Cảnh báo mã độc tấn công các ngân hàng

Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng vừa thay đổi bảng lãi suất kể từ ngày 10/1/2018. Theo đó, mức lãi suất cao nhất giảm từ 7,9%/năm xuống chỉ còn 7,5%/năm. Tuy nhiên, một số chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng này vẫn treo biển lãi suất từ 7,9% tới 8,5%/năm.

Một số ngân hàng khác niêm yết lãi suất ở mức cao có thể kể đến như ngân hàng thương mại cổ phần Bảo Việt (8%/năm), ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (8%/năm) ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (7,9%/năm).

Trước tình trạng nhiều ngân hàng nhỏ tiếp tục huy động vốn với lãi suất cao, ông Hiếu nhận định các ngân hàn nhỏ phải tiết giảm chi phí để có thể giảm lãi suất cho vay.

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn