Video: Chân dài Top Model cãi vã, suýt lao vào đánh nhau
Mang danh là những cuộc thi tìm kiếm người mẫu, tìm kiếm gương mặt đại diện cho các nhãn hàng nhưng một số show truyền hình thực tế chiếu sóng giờ vàng đang vấp phải sự chỉ trích lớn từ phía dư luận. Nhiều người trong nghề cho rằng, các show này đang làm xấu đi hình ảnh của người mẫu Việt và không đóng góp gì cho ngành công nghiệp thời trang Việt Nam.
Thậm chí khán giả còn gay gắt đặt câu hỏi, đưa lên sóng cảnh những chân dài sống với nhau trong sự ích kỉ hẹp hỏi, toan tính thủ đoạn, suốt ngày cãi vã, lao vào đánh nhau nhằm mục đích gì, truyền tải điều gì đến khán giả?
Phóng viên VTC News đã có cuộc trò chuyện với Nhà biên kịch Chu Thơm - nguyên Phó Trường phòng nghệ thuật - Cục Nghệ thuật biểu diễn về các show truyền hình thực tế tìm kiếm người mẫu ở Việt Nam.
- Gần đây, một số show truyền hình thực tế về tìm kiếm người mẫu như “Vietnam's Next Top Model”, “The Face” khai thác một cách quá sâu vào những mâu thuẫn của giám khảo, thí sinh. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Tôi không hiểu, những chương trình này mang lại lợi ích gì cho xã hội hay chỉ cho một nhóm nhà sản xuất và phát sóng?
Những chương trình ấy có tác động tích cực tới nghề người mẫu, tới sự phát triển của thời trang Việt Nam hay không, hay chỉ khai thác những khía cạnh u ám của nó để kiếm tiền?
Không giống như nhiều nghề nghiệp khác, nghề người mẫu vốn luôn gắn liền với thị phi. Có bao nhiêu người mượn danh người mẫu để lấy chồng đại gia? Có bao nhiêu người mượn danh người mẫu để bán dâm với giá cao và đã bị đưa ra ánh sáng? Và có bao nhiêu người bị gọi là "chân dài não ngắn"?
Vậy thì, những show truyền hình về người mẫu cần phải cân nhắc. Tôi không ủng hộ việc tô hồng nghề nghiệp này, bỏ qua những góc khuất của nó, nhưng cũng muốn phải làm thế nào để khán giả có một cái nhìn chân thực, rõ ràng và chính xác về nó.
Chứ xem mấy show truyền hình đó, tôi chỉ thấy mấy vị giám khảo mỉa mai, xỉa xói nhau, những cô người mẫu chỉ tay vào mặt nhau chửi bới, thậm chí là suýt lao vào đánh nhau. Họ cãi nhau như hàng tôm, hàng cá ngoài chợ.
- Thưa ông, để xảy ra chuyện này, nguyên nhân là do đâu?
Trước tiên là do phông văn hóa của người chơi. Hãy xem những người ngồi ở vị trí giám khảo, họ có xứng đáng không? Có những người cuộc sống riêng thì ồn ào, làm nghệ thuật thì bôi bác, ăn nói thì bốp chốp, cay độc.
Những người đó, chưa xứng đáng với danh xưng nghệ sĩ, thế mà lại được làm giám khảo, dạy dỗ người khác trên sóng truyền hình như dân gian vẫn thường mỉa mai “Chưa tập bắt chuột đã tập ỉa bếp” khi lên án những kẻ chưa có tài năng gì mà đã tập thói làm bậy.
Chỉ những 'nghệ sĩ' nhố nhăng, tào lao mới sẵn sàng tham gia mấy cuộc cãi vã trên truyền hình
Nhà biên kịch Chu Thơm
Chỉ những "nghệ sĩ" nhố nhăng, tào lao mới sẵn sàng tham gia mấy cuộc cãi vã trên truyền hình, chứ những người hoạt động nghệ thuật chân chính luôn bận rộn, luôn cố gắng làm tốt công việc của mình, không có thói quen xét nét, soi mói và nhục mạ người khác.
Người ta nói, "thày nào thì trò nấy". Giám khảo mà sẵn sàng cãi vã nhau thì thí sinh chẳng tội gì không học theo. Học theo để được nổi tiếng, được danh xưng này danh xưng kia theo kiểu “Càng tai tiếng, càng nổi tiếng”.
Thế nên mới có chuyện, các show truyền hình thực tế trở thành cuộc đấu khẩu. Một chương trình được phát sóng trên đài quốc gia trở thành cái chợ.
Ai thích nói gì thì nói, càng gay gắt, càng cay nghiệt, càng được cho là cá tính, càng được nhắc đến nhiều, càng nổi tiếng, càng có nhiều người xem và bình luận.
- Theo ông, để xảy ra tình trạng như hiện nay, trách nhiệm thuộc về ai?
Trước tiên là ở chính những người tham gia vào các gameshow đó. Tôi không biết, ngoài đời họ là những người như thế nào, nhưng họ đã thể hiện những hành động, những lời nói phản cảm, thiếu văn hóa ngay trên sóng quốc gia. Nếu đó là tính cách thật của họ, tôi quá thất vọng.
Còn nếu, họ đồng ý bán mình cho quỷ dữ, thỏa hiệp với nhà sản xuất, thì chẳng đáng được coi là nghệ sĩ và chắc chắn, con đường nghệ thuật của họ không thể dài.
Tiếp đến là nhà sản xuất. Họ đã bất chấp mọi thứ, chỉ miễn làm sao thu về lợi nhuận tối đa. Họ biết, xu hướng chung của đám đông là dễ bị cuốn vào những cuộc cãi vã, càng căng thẳng, càng kịch liệt, càng hấp dẫn. Vì thế, họ chẳng tội gì không khuyến khích khán giả, người chơi nhảy vào chửi bới nhau rồi sau đó, tung hết lên sóng, thu tiền quảng cáo.
Tôi được biết, với mỗi chương trình như thế, cứ 30s quảng cáo, họ thu về hàng trăm triệu đồng.
Nhưng trách nhiệm lớn nhất là thuộc về các Đài truyền hình, những người quản sóng. Họ đã mắt nhắm mắt mở cho các nhà sản xuất gameshow lũng đoạn sóng truyền hình, rồi chìa tay ra đếm tiền.
Họ quên mất rằng, những người đang ngồi trên sóng truyền hình kia, lời nói, hành động, phát ngôn của họ đập vào mắt, vào nhận thức của hàng chục triệu khán giả khắp cả nước, trong số đó, có không ít những bạn còn rất trẻ, chưa đủ khả năng để suy nghĩ độc lập và sẽ dễ dàng bắt chước vì thấy đó mới là hay, là cá tính, là được lên truyền hình, là được nổi tiếng. Điều này rất nguy hiểm.
- Thưa ông, để hạn chế các gamshow bẩn làm ô nhiễm sóng truyền hình, chúng ta phải làm gì?
Với những người chơi, tôi mong họ biết rằng, càng có danh thì càng phải biết giữ. Nói cái gì thì phải nghĩ, phải biết nó tác động tới người khác như thế nào, phải đặt mình vào địa vị của người đối thoại để biết cảm nhận của họ sẽ ra sao.
Người ta nói "đa khẩu hạ lưu tình" là muốn nhắc nhở người đời phải “tu khẩu đức”, tránh “tạo nghiệp”, bởi vì, “Lời nói như tên, không nên bắn bậy”, "Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng", hà cớ gì phải ném về phía nhau những lời cay nghiệt?
Ai cũng có ý kiến riêng của mình. Ai cũng có quyền bày tỏ quan điểm riêng, phản bác lại điều mà họ cho là chưa đúng lại nhưng hãy thể hiện nó một cách có văn hóa, tôn trọng mình và tôn trọng người khác.
Còn với nhà sản xuất, với các đài truyền hình, cần phải đắn đo, cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn người lên sóng. Hãy chọn người mà tiếng nói, phát ngôn, hành động của họ trở thành nguồn cảm hứng cho hàng chục triệu khán giả noi gương chứ không phải khiến người ta đua đòi theo cái xấu.
- Cách đây mấy năm, Bộ Thông tin Truyền thông có ra văn bản xử lý các Đài truyền hình, các đơn vị sản xuất các gameshow khai thác chi tiết phản cảm. Ông nghĩ sao khi sau quyết định đó, tình hình không được cải thiện là bao?
Khán giả có tâm cả nước đã nức lòng trước xử lý của Bộ Thông tin và truyền thông và hy vọng rằng từ nay sóng truyền hình sẽ không còn bị vấy bẩn. Nhưng mức phạt quá nhẹ chưa đủ răn đe và sau phạt không có kiểm tra để chống tái chiếm vấy bẩn, vì vậy, các gameshow nhảm lại ồ ạt lên sóng như cái chợ tự phát lấn chiếm lòng đường, làm cản trở và rối loạn giao thông văn hoá, bôi bẩn thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Một lần nữa, tôi khẩn thiết đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông cần phải có những hành động mạnh tay hơn, để khán giả không bị đầu độc bởi những gameshow phản cảm, thiếu giáo dục.
Mặt khác, công chúng, những nghệ sĩ, những người làm nghề cũng cần phải lên tiếng một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Chúng ta không thể làm ngơ trước việc các show truyền hình thực tế vô tư thả chất thải văn hoá độc hại ra công chúng một cách vô tội vạ. Im lặng là dung túng cho cái ác, tiếp tay cho cái xấu lan truyền trong xã hội!
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện!
Bình luận