(VTC News) – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng tài chính, Bộ Tư pháp và các đơn vị soạn thảo 2 Luật Ngân sách nhà nước và Luật tổ chức chính quyền phải 'ngồi lại với nhau'.
Chiều qua (26/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi).
Cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí giữ nguyên tên gọi là Luật ngân sách nhà nước để bảo đảm sự ngắn gọn, cô đọng, kế thừa tên gọi từ trước đến nay và phù hợp với quy định về ngân sách nhà nước trong Hiến pháp năm 2013.
Về vấn đề thưởng vượt thu, Cơ quan soạn thảo cho rằng cần bỏ quy định về thưởng vượt thu, như vậy sẽ tránh được tình trạng dự báo thu thấp để được thưởng vượt thu, không công bằng giữa các địa phương.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: 'Phân cấp lằng nhằng thì bố trí ngân sách rất khó khăn' |
Về quy trình ngân sách, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, việc quyết định ngân sách theo quy trình qua 2 kỳ họp sẽ giúp việc xây dựng dự toán được khoa học, chất lượng hơn, phát huy vị trí, vai trò, thẩm quyền của Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; nâng cao trách nhiệm của Chính phủ, Ủy ban nhân dân…
Đối với việc phân cấp quản lý ngân sách nhà nước giữa trung ương và địa phương, các ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ về phân cấp nguồn thu ngân sách nhà nước giữa trung ương và địa phương.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với báo cáo về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, vấn đề ngân sách thường đi theo nhiệm vụ chính quyền, nên Luật chính quyền địa phương phải phân cấp rõ nếu không sẽ không bố trí ngân sách được.
"Ví dụ như lĩnh vực giao thông, các tuyến đường trung ương chạy qua các huyện, các tỉnh nhưng lĩnh vực này vẫn chưa có sự phân cấp cụ thể, nên ngân sách thường lấy từ trung ương. Rồi cầu Nhật Tân cũng chưa rõ là thuộc trung ương hay Hà Nội. Sân bay là của quốc gia cả hay của các tỉnh?", ông Hùng nêu vấn đề.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học cũng cần có sự phân cấp rõ ràng để bố trí ngân sách.
"Nơi nào phân cấp nhiều việc thì chi nhiều tiền, ít việc thì ít tiền. Phân cấp lằng nhằng thì bố trí ngân sách rất khó khăn, nên Luật tổ chức chính quyền địa phương phải thông qua trước, từ đó mới tính đến việc thu chi phân cấp ngân sách”, Chủ tịch Quốc hội nói.
|
“Nếu không ngồi với nhau thì không biết chia tiền thế nào đâu. Các bên phải cùng nhau phối hợp, quan tâm để làm song hành hai luật này theo tinh thần Luật tổ chức chính quyền địa phương thông qua trước, Luật ngân sách thông qua sau”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì cho rằng, Hiến pháp có quy định khoản thu chi ngân sách nhà nước phải được dự toán theo luật định, nhưng Luật ngân sách nhà nước vẫn giữ như hiện hành.
Ông Uông Chu Lưu đề nghị cần phải lý giải thế nào cho phù hợp, chặt chẽ. Bên cạnh đó, nguồn thu từ xuất nhập khẩu tại các địa phương, hay nguyên tắc bình đẳng giới cũng cần phải quan tâm, cụ thể hóa trong luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu: Nếu Luật này được thông qua tại 2 kỳ họp thì có những tiến bộ gì? Có thông suốt hơn không? Quyền lực của Quốc hội có được khẳng định hơn không?
Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý cũng đề cập: Khi luật ra đời góp phần thế nào trong việc đảm bảo nguyên tắc tài chính chặt chẽ hơn? Vì trên thực tế những thứ ngoài ngân sách hiện vẫn còn nhiều lắm. Ngoài ra cũng cần phải làm rõ được mối quan hệ giữa Luật ngân sách và Luật tổ chức chính quyền địa phương để thực hiện cho hiệu quả.
Giải đáp những vấn đề nêu ra, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển hy vọng luật sửa đổi lần này sẽ khắc phục được những hạn chế trước đây. Theo ông Hiển, tới đây các kế hoạch thu chi buộc phải có dự toán, nếu không tất cả các khoản chi sẽ không được chấp nhận. Đây là một trong những điểm mới được quy định trong Luật sửa đổi.
Chủ trì phiên họp – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo cố gắng trình tại 2 kỳ họp, thông qua Luật sớm để có thể áp dụng từ năm 2016 – năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới.
Lan Uyên
Bình luận