Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022, Bộ GD&ĐT sẽ giữ vai trò chủ chốt trong việc lọc ảo chung cho tất cả 20 phương thức trong đợt 1 xét tuyển. Tuy nhiên, việc này khiến các trường lo lắng sẽ mất quyền tự chủ trong tuyển sinh, họ sẽ không được quyết định thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức như các năm trước.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, những năm trước xuất hiện tình trạng một số cơ sở đào tạo xét tuyển bằng các phương thức khác (không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển) yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học ngay, làm thí sinh mất cơ hội nhập học ở các trường có mức ưu tiên cao hơn, hoặc phải nộp tiền để giữ chỗ gây bức xúc cho thí sinh và xã hội.
Mặt khác, nếu thí sinh chọn phương thức xét tuyển học bạ vào nhiều trường thì phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ, các trường THPT cũng mất thời gian sao in chứng thực kết quả học tập cho thí sinh gây tốn kém. Cùng với đó, các cơ sở đào tạo mất thêm thời gian cập nhật kết quả học tập của thí sinh để xét tuyển, một số cơ sở đào tạo sử dụng kết quả học tập để sơ tuyển không có dữ liệu chính xác dẫn đến còn tồn tại khá nhiều sai sót trong xét tuyển.
PGS Thuỷ cũng cho biết, khi thí sinh xét tuyển và trúng tuyển bằng nhiều phương thức vào các trường khiến tỷ lệ thí sinh ảo rất cao. Hệ quả thí sinh này “giữ chỗ” làm mất cơ hội của nhiều thí sinh khác, các trường không xác định được tỷ lệ thí sinh nhập học dẫn đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu, chất lượng tuyển không đảm bảo do không xét tuyển cùng một thời điểm (trường không có điều kiện để lựa chọn các thí sinh chất lượng tốt hơn).
Đặc biệt, một số cơ sở đào tạo xét thí sinh trúng tuyển nhưng không đưa lên hệ thống để loại các thí sinh này ra khỏi danh sách dự tuyển, điều này làm ảnh hưởng đến kết quả lọc ảo chung của toàn hệ thống.
Để khắc phục những bất cập trên, dự thảo Quy chế tuyển sinh 2022 điều chỉnh thực hiện lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển trong xét tuyển đợt 1.
“Việc này không làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo, các trường vẫn có thể xét tuyển sớm và thông báo danh sách đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) cho thí sinh. Các trường tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc xét tuyển, quyết định điểm trúng tuyển và đưa lên hệ thống để lọc ảo. Thí sinh vẫn có thể xét tuyển và biết được khả năng mình trúng tuyển vào nhiều trường (không làm giảm cơ hội trúng tuyển của thí sinh)”, Vụ trưởng nhấn mạnh.
Thực chất, hệ thống của Bộ không xét tuyển mà chỉ hỗ trợ sắp xếp nguyện vọng của các thí sinh dựa trên các ưu tiên của các em, để lựa chọn ra nguyện vọng cao nhất có thể trúng tuyển. Thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn về số nguyện vọng, và các em được trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất. Đồng thời giúp các trường dự báo được chính xác số lượng trúng tuyển do số lượng thí sinh ảo giảm tối đa.
Các trường hoàn toàn chủ động tổ chức xét tuyển sớm với các phương thức khác nhau (trước khi thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT), tuy nhiên phải chờ tới khi thí sinh có kết quả xét tốt nghiệp mới được công bố thí sinh trúng tuyển và yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học.
Với quy định về hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo chung như trong dự thảo quy chế năm nay, lịch xét tuyển chung đợt 1 cơ bản không thay đổi so với các năm trước.
Vụ trưởng cho biết thêm, chủ trương xây dựng và áp dụng một phần mềm đăng ký nguyện vọng xét tuyển để có thể lọc ảo chung của Bộ GD&ĐT được hầu hết các trường đại học ủng hộ.
Giải pháp này được đánh giá là tốt nhất để có thể khắc phục, giảm thiểu được tình trạng thí sinh ảo. Đây vốn là vấn đề “đau đầu” với các trường mỗi mùa tuyển sinh, bởi nếu không tính toán được số lượng thí sinh ảo chính xác thì nhà trường sẽ có nguy cơ tuyển sinh thiếu hoặc thừa chỉ tiêu, từ đó có thể gây ra các hệ lụy không mong muốn.
Tuy nhiên, bà Thuỷ cũng khẳng định: "Hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo chung không thể loại bỏ hoàn toàn tình trạng thí sinh ảo do việc thí sinh đi du học hay chọn học các trường nghề không nằm trong hệ thống, nhưng đó chỉ là tỷ lệ rất nhỏ".
Mục tiêu của Bộ GD&ĐT trong đợt tuyển sinh 2022 sẽ lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển. Về mặt kỹ thuật hầu như không phức tạp hơn các năm trước. Thời gian tới, Bộ sẽ ban hành văn bản, xây dựng tài liệu, clip hướng dẫn thí sinh trong đăng ký dự thi và xét tuyển tạo điều kiện để thí sinh được tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác nhất.
Bình luận