Kinh doanh trong các lĩnh vực truyền thống, bốn tỷ phú USD hiện tại của Việt Nam phải mất tới hàng chục năm để sở hữu khối tài sản ròng 1 tỷ USD và có tên trong danh sách tỷ phú thế giới. Trong khi đó, với sự phát triển của các "đế chế" công nghệ, nhiều đại gia trên thế giới chỉ mất 1-2 năm để đạt được khối tài sản khổng lồ này.
Đại gia Việt mất bao lâu để trở thành tỷ phú USD?
Đứng đầu danh sách tỷ phú USD Việt Nam hiện nay là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC) với khối tài sản 6,4 tỷ USD. Số này đã tăng hơn 4 tỷ USD so với đầu năm 2017 trước đó. Tuy nhiên, để có được một tỷ USD đầu tiên ông Vượng đã phải mất tới hàng chục năm kinh doanh.
Cụ thể, khởi nghiệp tại Ukraine trong lĩnh vực thực phẩm với công ty sản xuất mỳ gói Mivina từ năm 1993, đến năm 2000, ông Vượng chính thức trở về đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản du lịch với doanh nghiệp Vinpearl Land và Công ty cổ phần Vincom (tiền thân của Vingroup hiện nay).
Sau khi niêm yết cổ phiếu doanh nghiệp của mình lên sàn chứng khoán năm 2007, ông là đại gia giàu thứ 2 Việt Nam (trên sàn chứng khoán) và chính thức giàu nhất Việt từ năm 2010 với số khối tài sản gần 15.800 tỷ đồng.
Năm 2013, lần đầu tiên ông Vượng được Tạp chí Forbes nêu tên trong danh sách các tỷ phú USD thế giới với khối tài sản 1,5 tỷ USD và xếp thứ 974 thế giới. Như vậy, kể từ khi khởi nghiệp tại Ukraine, vị đại gia họ Phạm này phải mất tới 25 năm để có tên trong danh sách tỷ phú USD.
Cũng khởi nghiệp tại Đông Âu là nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air (VJC). Theo Bloomberg, bà Thảo đã kiếm được 1 triệu USD đầu tiên vào năm 1991 khi mới chỉ 21 tuổi nhờ bán máy fax và nhựa cao su. Tuy nhiên phải tới gần 26 năm sau, khi hãng hàng không tư nhân Vietjet Air chính thức IPO, bà mới được nhắc tới như một tỷ phú USD tại Việt Nam.
Sau khi Vietjet Air IPO và niêm yết trên sàn chứng khoán đầu năm 2017, bà Thảo đã được Forbes công bố là nữ tỷ phú USD tự thân đầu tiên của Việt Nam với khối tài sản sở hữu khi đó vào khoảng 1,2 tỷ USD. Theo tính toán, phần lớn tài sản của bà đến từ cổ phần ở Vietjet và Sovico Holdings.
Ngoài ra, bà còn có vốn góp tại 3 khu nghỉ dưỡng cao cấp Furama Resort ở Đà Nẵng, Ana Mandara ở Nha Trang và An Lam Ninh Van Bay Villas… Nhóm liên quan tới bà Thảo và Sovico hiện cũng là cổ đông lớn nhất tại HDBank, ngân hàng với vốn điều lệ 9.810 tỷ đồng và tổng tài sản trên 191.000 tỷ đồng. Hiện tại, khối tài sản ròng của bà ước tính vào khoảng 2,7 tỷ USD.
Mới có tên trong danh sách tỷ phú USD vào đầu tháng 3 vừa qua, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thaco (THA), hiện sở hữu khối tài sản ròng lên tới 1,7 tỷ USD chủ yếu đến từ số cổ phần nắm giữ tại doanh nghiệp của mình.
Để gây dựng được số tài sản ròng như hiện nay ông đã bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực ôtô từ 21 năm trước. Theo đó, ông thành lập Trường Hải từ năm 1997, khởi đầu trong lĩnh vực phân phối xe, sau đó chuyển dần sang lắp ráp. Hiện nay, Trường Hải là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường ôtô Việt với 3 thương hiệu xe lắp ráp là Kia, Mazda và Peugeot.
Cũng được xếp hạng tỷ phú cùng thời điểm ông Dương, ông Trần Đình Long hiện sở hữu 1,2 tỷ USD tài sản ròng. Ông là Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn nhất sở hữu 25,15% vốn Tập đoàn Hòa Phát (HPG), doanh nghiệp chiếm thị phần thép lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Tính từ khi bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực thép, ông Long cũng mất tới 26 năm để được điền tên vào bảng xếp hạng các tỷ phú USD giàu nhất thế giới.
Các tỷ phú nổi tiếng thế giới mất bao lâu để kiếm được 1 tỷ USD đầu tiên?
Trong khi các đại gia Việt mất hàng chục năm để sở hữu khối tài sản tỷ USD thì trên thế giới nhiều nhân vật trở thành tỷ phú chỉ trong thời gian rất ngắn.
Ông chủ của mạng xã hội Facebook, Mark Zuckerberg đang là vị đại gia trở thành tỷ phú nhanh nhất thế giới với chỉ vỏn vẹn 1 năm. Cụ thể, là đồng sáng lập kiêm CEO của mạng xã hội lớn nhất toàn cầu này, Mark đã trở thành triệu phú USD từ năm 2006 khi với 22 tuổi, và chỉ mất chưa tới 1 năm sau, anh đã sở hữu khối tài sản tỷ USD đầu tiên khi mạng xã hội này phát triển với tốc độ chóng mặt cùng mức định giá từ các nhà đầu tư cũng tăng lên.
Hiện Mark sở hữu khối tài sản lên tới 59,1 tỷ USD chủ yếu đến từ cổ phần sở hữu tại Facebook, đứng thứ 8 trong danh sách người giàu nhất thế giới.
Một tỷ phú trẻ tuổi khác là Evan Spiegel, ông chủ của Snapchat, cũng là một trong những doanh nhân trẻ thành đạt bậc nhất thế giới, trở thành triệu phú khi chỉ mới 23 tuổi. Hai năm sau, Snapchat mang về cho Evan Spiegel những khoản thu nhập khổng lồ và anh chính thức sở hữu 1 tỷ USD đầu tiên vào năm 25 tuổi. Giá trị tài sản ước tính hiện nay của Evan Spiegel cũng vào khoảng 1,7 tỷ USD.
Tương tự, là ông chủ của tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất đồng thời là người giàu nhất thế giới hiện nay, Jeff Bezos, đồng sáng lập kiêm CEO Amazon hiện sở hữu khối tài sản lên tới 153,7 tỷ USD, bỏ xa người xếp thứ 2 là tỷ phú Bill Gates tới gần 60 tỷ USD.
Thành công từ Amazon giúp vị đại gia này trở thành triệu phú vào năm 33 tuổi và cũng chỉ 2 năm sau chính Amazon đã đưa Jeff Bezos đặt chân vào danh sách tỷ phú USD thế giới danh giá.
Vị tỷ phú nổi tiếng Bill Gates với thành công từ "đế chế" Microsoft của mình đã trở thành triệu phú từ năm 1981, khi ông mới 26 tuổi. Sự phát triển vượt bậc của nền công nghệ thông tin toàn cầu đã nhanh chóng giúp khối tài sản của Bill Gates gia tăng không ngừng, và ông chính thức trở thành tỷ phú USD khi mới 31 tuổi, tức chỉ sau 5 năm.
Tuy hiện nay Bill Gates không còn là tỷ phú giàu nhất thế giới nhưng với 97,7 tỷ USD tài sản ròng, ông vẫn là một tượng đài trong giới doanh nhân thế giới.
Cũng khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử nhưng con đường trở thành tỷ phú USD của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma, người sáng lập và Chủ tịch của Tập đoàn Alibaba lại khó khăn hơn rất nhiều so với ông chủ Amazon.
Cụ thể, Jack Ma trở thành triệu phú từ năm 1994 khi bước qua tuổi 35 tuổi, và phải mất tới 10 năm sau, vào năm 45 tuổi ông mới sở hữu cho mình 1 tỷ USD đầu tiên và chính thức có tên trong bảng xếp hạng các tỷ phú thế giới. Hiện tại, Jack Ma đang sở hữu 34,7 tỷ USD tài sản ròng và xếp thứ 20 trong danh sách người giàu nhất thế giới.
Riêng tại Trung Quốc ông vẫn là vị đại gia giàu có nhất xếp trên ông Ma Huateng Chủ tịch và CEO của Tencent Holdings với 32,7 tỷ USD tài sản. Tuy nhiên, ông Ma Huateng lại chỉ mất có 3 năm từ khi sở hữu 1 triệu USD đầu tiên để phát triển khối tài sản của mình thành tỷ USD.
Bình luận