Mặt Trăng hoang sơ và thường bị xem chỉ là tảng đá ở gần Trái Đất không hơn kém. Thế nhưng vệ tinh tự nhiên này lại chứa nhiều tài nguyên quan trọng mà các cơ quan hàng không vũ trụ trên thế giới đang nhòm ngó.
Trong tuần này, cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) cho hay sẽ hợp tác với Ariane Group để chuẩn bị cho một nhiệm vụ nghiên cứu Mặt Trăng vào năm 2025. Khác với việc chỉ đổ bộ ở phía gần hay xa, ESA muốn khai thác tài nguyên trên bề mặt hành tinh. Cơ quan này cũng tuyển dụng PTScientist cung cấp tàu đổ bộ cho sứ mệnh trên.
PTScientists là nhóm các nhà khoa học và kĩ sư Đức đã tham gia Google X Lunar, giải thưởng dành cho công ty, tổ chức phi chính phủ có khả năng đáp tàu thăm dò, đi được 500m lên Mặt trăng và gửi hình ảnh cũng như video có độ phân giải cao về mặt đất.
Giải thưởng trị giá 20 triệu USD này đã không có người chiến thắng. Điều này chỉ ra rằng sứ mệnh nghiên cứu Mặt Trăng rõ ràng chỉ dành cho các tổ chức chính phủ với nguồn kinh phí dồi dào, tiềm lực mạnh mẽ.
Cái bắt tay này cho thấy ESA đang muốn một cuộc kết hợp giữa năng lực khoa học của nhóm nghiên cứu tư nhân, với tiềm lực kinh tế dồi dào của tổ chức chính phủ. Việc này sẽ đẩy nhanh tiến độ hơn cho ESA vì cơ quan này vẫn chưa thể đổ bộ lên Mặt trăng.
Mặt Trăng có gì quý giá?
Thứ mà cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu đang nhắm đến chính là regolith có trong đất cát ở đây. Khác với Trái Đất, tài nguyên này ở Mặt trăng chứa cả oxy và nước. Khi được trích xuất ra từ đất cát, nó sẽ là nguồn cung quan trọng cho các hệ thống hỗ trợ sự sống ngoài không gian.
Các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ lại thèm muốn Helium-3. Nguyên tố này cực hiếm trên Trái Đất nhưng lại rất dồi dào trên Mặt Trăng. Helium-3 có thể được sử dụng làm nhiên liệu hạt nhân cho các tàu không gian.
Helium-3 tại Mặt trăng được tạo ra từ các cơn gió mặt trời. Do Mặt Trăng không có khí quyển, các cơn gió mặt trời là tác nhân chính ảnh hưởng đến bề mặt hành tinh. Tuy nhiên chúng cũng đem đến các nguyên tố cho phản ứng nhiệt hạch sạch. Nếu sử dụng Helium-3 làm nhiên liệu cho lò phản ứng, các tàu thăm dò của Trái Đất có thể du hành khắp hệ mặt trời mà không lo hết nhiên liệu.
Những lò phản ứng này cũng không thải ra sản phẩm thừa độc hại. Tuy vậy, chưa có quốc gia nào thực sự thành công trong việc khai thác phản ứng nhiệt hạch để tạo ra năng lượng do chúng chỉ diễn ra ở nhiệt độ hàng triệu độ C.
Nhiều cố gắng gần đây của Trung Quốc cho thấy họ đã tiến gần tới việc kiểm soát phản ứng nhiệt hạch. Do đó, rất có thể Helium-3 sẽ đóng vai trò nguồn năng lượng chính nếu xảy ra khủng hoảng năng lượng trên Trái Đất.
Một cuộc chạy đua vũ trụ mới sắp diễn ra?
Trong bối cảnh Trung Quốc vừa đổ bộ thành công tàu thăm dò, trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới đủ năng lực chinh phục Mặt Trăng, động thái của ESA rõ ràng cho thấy họ đang muốn trở thành lực lượng thứ 4 làm điều đó.
Tuy nhiên cơ quan châu Âu có lẽ vẫn còn một chặng đường dài, bởi việc khai thác tài nguyên phức tạp hơn rất nhiều so với chỉ “chạm” vào Mặt Trăng. Sứ mệnh của ESA có thể kéo dài tới nhiều thập niên và chưa chắc thành công.
Tuy là người đến sau trong cuộc đua, ESA đang tỏ ra rất tham vọng. Hiện tại tổ chức này đang nghiên cứu tính khả thi của sứ mệnh khai thác, để nhận được khoản tài trợ đầy đủ vào năm 2025.
Nếu thành công, ESA sẽ tiến một bước rất xa, bởi vận chuyển oxy, nước từ Trái Đất tốn kém hơn rất nhiều so với lấy từ Mặt Trăng. Với lợi thế có trạm trung chuyển, các tàu của ESA có thể là những người tiên phong trong việc khai phá vùng không gian lân cận.
Cuối cùng, nếu có được kinh nghiệm khai mỏ trên Mặt trăng, họ có thể sẽ tiên phong khai thác các vệ tinh của sao Mộc, với trữ lượng Helium-3 lớn gấp nhiều lần Mặt trăng.
Bình luận