(VTC News) - NHNN sẽ thu hẹp đối tượng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng, không khuyến khích hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trường tự do.
Đây là 1 trong các biện pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong dự thảo Nghị định Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức trình Chính phủ.Các doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên mới được kinh doanh vàng miếng (Ảnh minh họa internet)
Theo đó, các doanh nghiệp muốn kinh doanh vàng miếng phải có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên...
Như vậy, với các điều kiện chặt chẽ như trên, dự kiến số lượng doanh nghiệp được phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ thu hẹp đáng kể từ trên 10 ngàn doanh nghiệp như hiện nay xuống chỉ còn một số doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có khả năng tài chính, kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực kinh doanh vàng được phép tiếp tục thực hiện mua bán vàng miếng.
Tuy nhiên, để bảo đảm quyền tích trữ, mua bán vàng của người dân, dự thảo Nghị định quy định các điều kiện kinh doanh mua bán vàng miếng của TCTD tương đối thuận lợi để dựa vào mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của TCTD thực hiện mua bán vàng với người dân. Việc này giúp NHNN quản lý tốt hơn thị trường vàng miếng do các TCTD do NHNN trực tiếp quản lý.
Đồng thời, để tăng cường hiệu quả quản lý, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định: Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng”.
Như vậy, việc kinh doanh vàng miếng không có giấy phép của NHNN và hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trường tự do là hoạt động bất hợp pháp và sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của Nghị định 95/2011/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.
Cũng theo Dự thảo Nghị định vừa trình Chính phủ của NHNN thì doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng phải đáp ứng các điều kiện như có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên; Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng miếng; Chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất...
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định về kinh doanh vàng lần này còn đưa ra các biện pháp khác nhau về quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu; Quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh vàng khác;Tạo cơ chế cho phép NHNN thực hiện các biện pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng khi có diễn biến bất thường; Nhà nước thực hiện điều tiết thị trường vàng thông qua chính sách thuế.
Theo NHNN, cùng với các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật về ngoại hối, vàng vừa được Chính phủ ban hành tại Nghị định 95/2011/NĐ-CP, các biện pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ tại dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã tạo thành cơ chế đồng bộ, hiệu quả xử lý cơ bản các vấn đề bất cập của thị trường vàng.
Ngân hàng Nhà nước tin rằng việc thực hiện nghiêm các biện pháp nêu trên sẽ giúp thị trường vàng bình ổn, qua đó từng bước hạn chế tình trạng "vàng hóa”, hạn chế ảnh hưởng của thị trường vàng đến việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.
Hiếu Anh
Bình luận