Ông Trần Đình Liệu (Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam) cho biết: Hiện nay, chúng ta có khoảng hơn 600.000 doanh nghiệp, mới có khoảng 250.000 doanh nghiệp tham gia BHXH.
Năm 2017, BHXH Việt Nam thực hiện kiểm tra gần 100.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 60.000 doanh nghiệp gần như không còn trên địa bàn, địa chỉ sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp chỉ có 2 người, 3 người hoặc 5 người. Thực ra, nếu nhìn tổng số doanh nghiệp rất lớn, nhưng số lao động lại rất nhỏ.
Cũng theo ông Liệu, mới đây, Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ và đưa 3 Điều 214, 215, 216. Như vậy, việc vi phạm hành vi đóng và hưởng được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự thể hiện tính nghiêm trọng của các hành vi vi phạm.
Các hành vi vi phạm như chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng…
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 500 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Điều 215 quy định tội gian lận bảo hiểm y tế. Điều 216 quy định tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Còn theo ông Lê Quân (Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH), chúng ta đã có xử phạt vi phạm hành chính và cũng không hình sự hóa tất cả các hành vi trốn đóng.
Tuy nhiên, công cụ của Bộ luật Hình sự đưa vào xử phạt tù là đối với những trường hợp mà trong Luật quy định rõ. Đó là đối với trường hợp gian lận, gian dối, dùng thủ đoạn. Để triển khai, chúng ta đang chờ Nghị quyết hướng dẫn thế nào là gian dối, thế nào là gian lận, dùng thủ đoạn.
Video: Trốn đóng BHXH cho công nhân, doanh nghiệp sẽ bị xử nặng
Như vậy, chúng ta sẽ có căn cứ pháp lý giải thích rõ hơn. Giải pháp hình sự để xử lý những trường hợp để làm gương và đòi hỏi những biện pháp mạnh hơn trong việc tuân thủ pháp luật.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc xử lý hình sự để bảo đảm công bằng trong kinh doanh của các doanh nghiệp, bình bẳng trước pháp luật.
Chúng ta tiến tới nền hành chính thực hiện theo thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật. Các doanh nghiệp cần làm tròn nghĩa vụ của mình.
Một doanh nghiệp trốn đóng BHXH chứng tỏ mối quan hệ với người lao động không tốt và không tạo niềm tin để người lao động muố đóng góp, xây dựng, phát triển doanh nghiệp. Dứt khoát 3 điều luật này ra đời thì việc tuân thủ của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn.
Phần đóng của doanh nghiệp là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động. Thứ nhất, người lao động cố gắng tuân thủ pháp luật, tạo mối quan hệ hài hòa, tiến bộ. Thứ hai, doanh nghiệp phải tăng cường đối thoại, trách nhiệm này của công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Bình luận