Một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, kinh tế Iran đã sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là sự sụt giảm đáng kể trong xuất khẩu dầu của nước này.
Theo các báo cáo tài chính quốc tế, tỉ lệ lạm phát năm 2019 của Iran có thể lên tới 40% - mức cao nhất trong hai thập kỷ qua - và có khả năng tăng cao hơn nữa nếu xuất khẩu dầu tiếp tục giảm. Đồng riyal của Iran đã mất khoảng 60% giá trị so với đồng đô la Mỹ trên thị trường không chính thức kể từ khi Mỹ áp đặt lại lệnh trừng phạt đối với Tehran. Ngân hàng Thế giới cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Iran giảm 3,8% trong năm 2019, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nền kinh tế Iran đã giảm 6%. Con số này đánh dấu khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của Iran kể từ năm 2012.
Ngoài ra, các lệnh trừng phạt dầu khí mới được thắt chặt khiến Iran mất ít nhất 10 tỷ đô la doanh thu. Suy thoái kinh tế đang gây ra những bất ổn xã hội và làm gia tăng căng thẳng chính trị nội bộ. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến xuất khẩu dầu Iran – tuyến huyết mạch của nền kinh tế - giảm mạnh từ mức đỉnh 2,8 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 5 năm ngoái xuống còn khoảng 1,3 triệu thùng/ngày và sản lượng có khả năng giảm mạnh hơn sau khi Mỹ quyết định chấm dứt miễn trừ trừng phạt. Đây cũng là một lực cản đối với tăng trưởng trong khu vực.
Chính quyền Mỹ đang yêu cầu các nước không còn nhập khẩu dầu từ Iran như một phần trong nỗ lực leo thang nhằm gây áp lực cho Tehran và đưa xuất khẩu dầu thô của nước này về con số không.
Động thái này đã đưa giá dầu trên thị trường thế giới lên mức cao mới trong năm nay. Dù Mỹ cho biết Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đảm bảo có đủ nguồn cung để bù đắp cho việc mất hơn 2 triệu thùng dầu mỗi ngày xuất khẩu của Iran. Ả Rập Xê Út đã tuyên bố sẽ sản xuất dưới 10 triệu thùng mỗi ngày vào cuối tháng 5. Nhưng các chuyên gia nghi ngờ về khả năng Ả Rập Xê Út có thể lấp chỗ trống về dầu mỏ của Iran.
Các nhà phân tích tin rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ và bãi bỏ miễn giảm mua dầu từ Iran không có nghĩa là chấm dứt xuất khẩu dầu của Iran. Đồng thời, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua dầu từ Iran và một phần dầu của Iran sẽ được xuất khẩu sang Iraq.
Theo các chuyên gia, một số quốc gia sản xuất dầu có thể thay thế hai triệu thùng dầu của Iran được xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc nhưng điều này sẽ không xảy ra sớm và tình trạng thiếu dầu trong một thời gian hiện tại sẽ đẩy giá dầu sẽ tăng lên ít nhất 100 USD/thùng. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới trong đó có cả Mỹ.
Iran còn đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz nếu nước này không thể xuất khẩu dầu thô qua tuyến đường thủy chiến lược ở vùng Vịnh - kênh xuất khẩu dầu lớn nhất vùng Vịnh Ba Tư sang châu Á cũng sẽ làm tăng giá dầu. Đó là chưa kể những căng thẳng địa chính trị trong khu vực gia tăng, bùng phát các cuộc khủng hoảng.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế Iran bị thu hẹp chưa bao giờ là mục tiêu chính của Mỹ. Các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích là buộc Iran ngừng hỗ trợ các nhóm chiến binh trên khắp Trung Đông, chấp nhận các hạn chế do Mỹ áp đặt đối với sức mạnh quân sự của mình và chính phủ thân thiện kế nhiệm. Nhưng theo các chuyên gia, không có tiền lệ lịch sử nào cho các chính phủ sụp đổ do hậu quả trực tiếp của áp lực trừng phạt dài hạn.
Thực tế, còn quá sớm để nói xuất khẩu dầu của Iran sẽ giảm bao xa. Trung Quốc khẳng định rằng thương mại với Iran là hợp pháp và Mỹ không có quyền can thiệp. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không thể cắt đứt quan hệ với một quốc gia láng giềng. Iran có thể xuất khẩu dầu để đáp ứng nhu cầu nhân đạo của mình và có thể tránh các lệnh trừng phạt bằng cách xuất khẩu dầu theo cách riêng.
Một kịch bản khác có thể xảy ra, trong đó các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ có thể nhận được miễn trừ mới hoặc họ có thể không thực hiện các lệnh trừng phạt Iran của Mỹ. Bộ trưởng dầu mỏ của Iran Bogen Zanganeh cho biết Mỹ sẽ không thể giảm xuất khẩu dầu của Iran xuống mức không. Ông Bogen Zanganeh tin rằng, Iran có các giải pháp sáng tạo để đổi lấy việc bán 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Bình luận