Những người ở lại vẫn kể, hôm đi tìm phi công Trần Quang Khải, thời tiết rất xấu, phi đội bay trên chiếc Casa-212 hoàn toàn có thể được phép ở lại. Nhưng vì một đồng đội còn đâu đó ngoài kia, các anh không an lòng, vẫn xuất kích bay trên vùng biển động. Và chiếc máy bay đi tìm anh Khải hôm đó, đã mãi mãi không trở về.
Chắc chắn, mỗi khi nhận nhiệm vụ cất cánh, các anh đều chuẩn bị sẵn tinh thần để trở về, hoặc không. Nhưng không một ai trong số ấy, mảy may suy nghĩ rằng mình sẽ ở lại chọn sự bình an, bởi trước tiếng gọi vào những giờ phút của thử thách, chỉ còn lòng quả cảm bừng sáng.
Và đến giờ, sau 8 ngày kể từ giây phút cuối cùng trên bầu trời ấy, có người đã trở về với lòng đất mẹ, có người vẫn đâu đó giữa bốn bề sóng vỗ lời quê hương, mặn mòi vị biển quê hương, nhưng người viết tin, tất cả các anh đều thanh thản.
Bởi với người lính, sự sống hay cái chết, khi chao nghiêng đôi cánh trên bầu trời hay trút hơi thở cuối cùng bên đồng đội, điều lớn lao hơn tất thảy còn lại, là sự bình yên của Tổ quốc mà các anh đang gìn giữ.
Anh Chính ngày về, chắc hẳn đã thấy những giọt mặn chát của nước mắt, của mồ hôi sau nhiều ngày lênh đênh vật lộn với sóng gió của biết bao đồng đội.
Anh Hảo, anh Toàn, anh Mạnh, anh Chu, anh Thái, anh Thế… các anh còn chưa xác định danh tính giữa những sự trở về, hay dù đâu đó ngoài khơi xa, có nghe rõ trong tiếng rì rào của biển nỗi nhớ, niềm thương, lòng thao thức của triệu triệu trái tim từng ngày mong ngóng.
Giờ này, vợ trung úy Lam, sau nỗi đau đớn khôn nguôi sẽ là niềm tự hào lớn lao và niềm tin mãnh liệt, người con sắp chào đời của anh sẽ thừa hưởng lòng quả cảm, trắc ẩn của bố.
Con anh sẽ mang theo cả cuộc đời số tiền 1,5 triệu bố dành dụm từ tiền ăn sáng suốt 6 tháng trời, như lời nhắc nhở nhất định phải sống cao đẹp và nhân ái.
Nhân dân và Tổ quốc của chàng trai “thật thà như cái cây giữa rừng” ấy, sẽ nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách con anh trưởng thành, để ở một nơi nào đó, anh có thể mỉm cười mãn nguyện. Dù đã trút hơi thở cuối cùng, anh vẫn gửi lại cuộc đời một mầm ươm đẹp đẽ.
Video: Tìm thấy 2 thi thể ở khu vực máy bay Casa-212 gặp nạn
Và anh Đình, anh có thấy người vợ giấu đi giọt nước mắt, đinh ninh niềm tin “anh sẽ trở về” không? Chị ấy đã cùng anh đi qua những năm tháng cơ cực nhất, đã thay anh chăm sóc cô con gái lên 2 và cậu nhóc mới tròn 3 tháng tuổi suốt thời gian anh xa nhà đi làm nhiệm vụ. Giờ người phụ nữ ấy vừa làm mẹ, vừa phải thay anh làm cha.
Còn nhớ, khi đặt tên hai con, anh từng nói: "Cháu lớn ra đời vào mùa hè, là con gái, anh đặt tên Hạ Bình, với mong muốn con sẽ là mùa hè bình yên cho ba mẹ. Cháu thứ hai, con trai, anh đặt tên Bình Minh, nghĩa là giây phút bình an khi mặt trời mọc, cũng là khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày”.
Hai con anh rồi sẽ sống đúng như ý nghĩa cái tên mà anh mong mỏi. Nhân dân sẽ bao bọc cho hai niềm thương ấy lớn lên, trở thành những người lương thiện, bao dung.
Sự hy sinh của tất cả 9 chiến sĩ trên chiếc Casa-212 khi đi tìm đồng đội giữa biển khơi sẽ không vô nghĩa. Nói như tiến sỹ Trần Bắc Hải, các anh đã viết nên “hành khúc ngày bình yên”. Nhân dân và Tổ quốc kính cẩn nghiêng mình trước tượng đài về lòng dũng cảm mà các anh dựng lên cho những người con sống.
Còn nhớ, khi gấp lại những trang cuối cùng của “Mãi mãi tuổi 20” Nguyễn Văn Thạc từng viết: “Nếu như tôi không trở lại - Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc….”
Anh Chính, anh Hảo, anh Toàn, anh Mạnh, anh Chu, anh Thái, anh Thế, anh Lam, anh Đình, các anh hãy tin rằng, những dòng vui vẻ và đông đúc sau, sẽ được người ở lại viết tiếp...
Video: Những cánh chim không mỏi - Phim tài liệu về Casa-212
Bình luận