Nhiều năm nay người dân xóm núi Eo Sơn ở xã Thanh Lâm, Thanh Chương (Nghệ An) đã phải sống chung với những tiếng cười man rợ, tiếng la hét, tiếng xích sắt khua loảng xoảng.
Rất dễ nhận ra xóm Eo Sơn, bởi cái địa thế đặc biệt: 34 nóc nhà nằm rải rác theo triền dốc của ngọn núi nhỏ mang tên Con Rò. Nó nằm tách biệt với các làng khác bởi một con suối nhỏ và dải đường đất.
Những bệnh nhân tâm thần trong xóm Con Rò |
Người dân nơi đây kể rằng: Trên ngọn núi Con Rò hiện có 2 ngôi chùa và một ngôi đền. Đền thì không có tên, còn chùa thì tên là chùa Anh và chùa Em. Ngày xưa, nơi đây có một đứa trẻ ăn mày (có người thì bảo là trẻ điên) bị chết nên người dân địa phương đã chôn xác lên núi Con Rò và gọi ngôi mộ này là mả ăn mày.
Nghe nói, ngôi mộ rất thiêng nên trước đây dân chúng trong xóm và các xóm lân cận hương khói rất đông. Về sau, trẻ chăn trâu đã đập phá hư hỏng các đền, chùa và cả ngôi mộ này. Cũng từ đó, xóm Eo Sơn và xóm Sơn Lĩnh gần bên liên tục gặp tai họa.
Bà Trần Thị T (năm nay 75 tuổi) kể: Có những người vì ức chế chuyện gia đình, chồng con rồi điên. Nhưng cũng có những đứa trẻ mới 15 - 17 tự nhiên lăn ra cười khóc bất thường.
Họ đã đi chữa nhiều nơi nhưng chưa thấy khỏi bệnh. Có người đã đi hết đền này, chùa khác để thuê thầy về giải hạn nhưng vẫn không có hiệu quả.
Bà Hồ Thị Tỵ (65 tuổi) bị điên hơn chục năm nay là do uất ức với chồng. Chỉ ít năm sau, cô con gái là Trần Thị H. đang xinh đẹp (vừa tốt nghiệp PTTH) đột nhiên ngây dại, cười nói suốt ngày. H còn đập phá đồ đạc, chửi bới rồi ném đá vào những người đi đường.
Ông chồng của bà Tỵ đã bỏ đi biệt tăm với người đàn bà khác. Vậy là hai mẹ con phải sống vất vưởng và cùng điên dại trong căn nhà xiêu vẹo, hoang phế nằm cuối làng.
Rời nhà bà Tỵ, chúng tôi đến nhà ông Trần Văn Q. Ông Q. cho biết: Con trai ông là Trần Văn B., thường ngày rất khoẻ mạnh và học giỏi nhưng sau khi học xong cấp 3 thi vào đại học không đậu thì bị điên. Sau khi bị bệnh, B. đã bỏ nhà ra đi không trở về.
Trần Hữu H, con trai ông Trần Đào cũng mới bị tâm thần cách đây ít năm. H không quậy phá, chỉ nói năng lảm nhảm. Lâu lâu, lại bỏ nhà đi ít ngày rồi quay về. Lần trở về nào, toàn thân H đều thâm tím vì bị người khác đánh đập.
Trưởng xóm Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Con số người bị bệnh tâm thần ở Eo Sơn tăng một cách đột biến. Năm 2003 mới chỉ có 4 trường hợp thì đến nay đã có hơn 10 người đổ bệnh”.
Bất hạnh nhất là gia đình ông Trần Thanh X. Cô con gái Trần Thị H (SN 1984) đang học năm thứ 2 Trường ĐH Kinh tế Quốc dân bỗng nhiên phát bệnh phải bỏ học. Chưa được bao lâu thì cô em gái của H sinh năm 1986 vốn xinh đẹp, thông minh đang học lớp 10 cũng tự nhiên bỏ nhà đi lang thang vì chứng tâm thần.
Theo lời kể của người dân thì khu vực Cầu Kho đầu xóm Eo Sơn trong những năm 1967 - 1968 của thế kỷ trước bị giặc Mỹ ném bom dữ dội. Các nhà khảo sát cũng cho biết, trên núi Con Rò có mỏ sắt lộ thiên và rất nhiều mangan. Trước đây, thực dân Pháp đã từng khai thác nhưng trữ lượng vẫn còn tương đối lớn.
Ông Trần Văn Giáp, một cựu cán bộ xóm kể: “Vừa rồi, trong khi đào giếng lấy nước, chúng tôi đã phát hiện có rất nhiều than đá ở độ sâu khoảng 10m. Chất này khi đưa lên đổ đến đâu cây cối chết đến đó”. Một số người nghi ngại do nguồn nước.
Năm 2007, kết quả điều tra của Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho thấy, trong xã có 17 người tâm thần, riêng xóm Eo Sơn có 8 người (1 người đã chết). Độ tuổi người mắc bệnh tâm thần ở xóm Eo Sơn là 5 - 70; 6/8 người mắc bệnh là nữ; 5 hộ gia đình có người mắc bệnh có quan hệ dòng tộc.
Đoàn công tác đã lấy 4 mẫu nước của 4 hộ gia đình (2 hộ có người bị bệnh; 2 hộ không có người bệnh) để xét nghiệm. Kết quả cả 4 mẫu không đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt vì chỉ số vi khuẩn Coliorm vượt quá mức cho phép; độ PH thấp dưới mức cho phép.
Theo Người đưa tin
Bình luận