Một tuần qua, TP.HCM đã đưa vào áp dụng phân tuyến điều trị sốt xuất huyết Dengue như thời điểm COVID-19, nhằm giảm tải áp lực cho các bệnh viện tuyến trên, giảm nguy cơ tử vong.
Nhiều ca sốt xuất huyết nặng
Sáng 10/10, một thai phụ thai 12 tuần, cơ địa dư cân, thiếu máu được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết vào ngày thứ 5 của bệnh, được đưa vào khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Bệnh nhân được chống sốc tích cực theo phác đồ.
Trong quá trình theo dõi và điều trị, bệnh nhân tái sốc và xuất huyết nên được chuyển vào Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn (ICU) để tiếp tục chống sốc và theo dõi tình trạng xuất huyết. Các bác sĩ cũng nhanh chóng hội chẩn với chuyên khoa sản Bệnh viện Từ Dũ để ổn định tình trạng động thai, dọa sinh non. Sau 3 ngày theo dõi và điều trị, tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi đã ổn định.
Khoa ICU người lớn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang điều trị 5 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, trong đó 2 ca rất nặng, phải thở máy, lọc máu và thay huyết tương. Các trường hợp nặng khác có biểu hiện sốc, tái sốc, tổn thương gan nặng, rối loạn đông máu, xuất huyết nặng.
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Thị Hải Đường, Phó khoa ICU cho biết, năm nay, bệnh sốt xuất huyết biểu hiện lâm sàng nặng hơn so với những năm trước. Bệnh nhân vào sốc sớm hơn, tái sốc nhiều hơn, số ca suy gan nặng, xuất huyết nặng cũng tăng.
Bên cạnh bệnh sốt xuất huyết, khoa còn tiếp nhận bệnh nhân sốc nhiễm trùng, viêm phổi, suy hô hấp, uốn ván. Đôi khi bệnh nhân vào đông cùng một lúc khiến khoa bị quá tải. Theo bác sĩ Hải Đường, hiện TP.HCM đang có dịch cúm và người lớn tuổi, người có bệnh nền, thai phụ, thường dễ mắc và có thể diễn tiến nặng.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo phân tầng điều trị sốt xuất huyết nên Khoa ICU chỉ tiếp nhận những ca nặng và rất nặng, với khoảng 50% trường hợp cần can thiệp hỗ trợ hô hấp và điều trị chuyên sâu. Bác sĩ Hải Đường cho rằng, việc phân tầng nói trên sẽ giúp phân rõ nhiệm vụ của từng tầng. Mỗi tầng sẽ có chức năng và giới hạn riêng trong theo dõi và điều trị. Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng có sự kết nối với các bệnh viện trong khu vực và các tỉnh thành lân cận, luôn sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn cho các tuyến trong trường hợp cần thiết.
“Sở Y tế cũng đã thành lập group hội chẩn sốt xuất huyết nặng. Những bệnh viện tuyến tỉnh nếu có những ca nặng có thể gọi trực tiếp cho khoa hồi sức luôn, hoặc xin ý kiến những ca nào có thể điều chuyển được, sẽ chuyển lên. Hoặc những ca nào không thể chuyển được, bắt buộc phải nằm điều trị tại chỗ thì sẽ cho ý kiến để điều trị tại chỗ. Có sự kết nối giữa các bệnh viện với nhau”, Bác sĩ Hải Đường cho biết thêm.
Tích cực hỗ trợ tuyến dưới
Trong 9 tháng của năm 2022, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ghi nhận 38.000 trường hợp đến khám bệnh sốt xuất huyết, trong đó 10.952 bệnh nhân phải nhập viện (gồm 8.922 người lớn và 2.030 trẻ em), trong đó có 38 phụ nữ có thai. Số ca chuyển nặng hơn 1.756 ca. Đến nay, 25 bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết, trong đó 3 trẻ em. Tại Khoa Nhiễm D của bệnh viện, trung bình mỗi ngày điều trị từ 20- 30 bệnh nhân, là những bệnh nhân sốt xuất huyết có yếu tố nguy cơ.
Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, thông thường, các bệnh nhân có cơ địa béo phì, người có thai, bệnh lý nền cao huyết áp, tiểu đường hoặc những bệnh lý về gan, thận thường sẽ có diễn tiến nặng. Do đó, bác sĩ khuyến cáo những người có các biểu hiện trên nên đi khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán và hướng dẫn cụ thể.
“Kế hoạch theo dõi cho bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue phải rất chặt chẽ, đặc biệt không thể chủ quan khi mắc sốt xuất huyết mà phải điều trị tại nhà được, mà phải đến các cơ sở y tế. Tùy cơ địa bệnh nhân, tùy người bệnh có bệnh lý nền hay không thì bác sĩ có thể chỉ định điều trị ở cơ sở y tế nào cho phù hợp theo sự phân tầng”, bác sĩ Phong thông tin thêm.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, số ca sốt xuất huyết nhập viện tích lũy giảm, nhưng số ca nặng chuyển đến vẫn tăng. Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc bệnh viện, có thể một mặt do độc lực virus gây bệnh sốt xuất huyết tăng, hoặc có thể do công tác truyền thông giáo dục sức khỏe phổ biến hơn, người dân nắm bắt các dấu hiệu chuyển nặng, đưa bé vào bệnh viện sớm hơn, không để tình huống xấu xảy ra ở nhà.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tiếp nhận hơn 500 ca sốt xuất huyết nặng, trong đó có 2 bệnh nhân tử vong. Người tử vong do nhập viện quá muộn và chuyển viện trong tình trạng rất nặng mà không có sự hội chẩn trước với tuyến trên. Hiện khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đang có 82 bệnh nhi sốt xuất huyết, trong đó có 25 em nặng, Khoa Hồi sức tích cực đang điều trị cho 8 ca, còn tại Khoa Cấp cứu có 6 ca.
Theo ông Tiến, bệnh viện vừa tiếp nhận nhiều ca nặng từ tuyến dưới lên nên phải tổ chức lực lượng bác sĩ giỏi để điều trị cho bệnh nhi, vừa tổ chức tập huấn cho tuyến dưới để các tỉnh tự tin giữ bệnh nhân điều trị với những ca chưa quá nặng. Đồng thời, tư vấn, hội chẩn chuyên môn từ xa qua điện thoại, camera nhằm giúp tuyến dưới giải quyết bệnh nhân tại chỗ, tránh quá tải cho tuyến trên.
Ông Nguyễn Minh Tiến nói: “Phải hỗ trợ bằng cách tăng cường tua trực lên. Ví dụ thông thường khoán tháng trực 6 tua đêm, bây giờ tăng cường lên 8-9 tua. Đặc biệt là chăm sóc trực tiếp chủ yếu tập trung là điều dưỡng, lấy máu đăng ký máu, truyền máu, truyền dịch. Điều dưỡng bị thiếu nên phải căng mình ra làm. Đây là một vấn đề nhức nhối, rất khó khăn”.
Từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận khoảng 60.000 ca sốt xuất huyết, tăng gấp nhiều lần năm trước. Những tháng gần đây, mỗi tuần, thành phố ghi nhận hơn 100 ổ dịch sốt xuất huyết ở các địa phương. Các chuyên gia nhận định dịch sốt xuất huyết năm nay khá căng thẳng, dự tính số ca mắc sẽ cao nhất trong 25 năm trở lại đây. Mới đây, Sở Y tế TP.HCM cũng đã có những buổi gặp gỡ các bác sĩ, chuyên gia để bàn phương án nhằm kéo giảm số ca tử vong do sốt xuất huyết.
Bình luận