Không riêng thị trấn Thuận An, loài cá nóc cực độc - được ví là cá “tử thần” gây chết người này - còn xuất hiện nhiều tại ven biển xã Phú Thuận, Phú Hải (Phú Vang) khiến người dân lao đao khi hoạt động nghề ngư trên biển.
Ngư dân cho biết, cá nóc nhiều đến mức, cứ khoảng 10 con cá mắc lưới thì 6-7 con là cá nóc. Trong 10 tấn hải sản đánh bắt trên biển (chủ yếu cá nục), có đến 1 tấn là cá nóc.
Không những vậy, mồi câu, lưỡi câu, cước chì, lưới vây của thuyền câu, thuyền vây đánh bắt trên biển thường xuyên bị cá nóc cắn đứt, phá nát, gây thiệt hại đáng kể về ngư cụ.
Theo ông Hoàng Phước, cá nóc xuất hiện nhiều bất thường khiến sản lượng đánh bắt hải sản ven biển giảm đáng kể. Toàn thị trấn Thuận An hiện có khoảng 400 phương tiện đánh bắt trên biển, trong đó, hành nghề câu và lưới vây chiếm khoảng 50%, nên thiệt hại do cá nóc gây ra rất lớn.
Tương tự, ngư dân các xã Phú Thuận, Phú Hải cũng chịu nhiều ảnh hưởng trong đánh bắt thủy sản do cá nóc gây ra. Cá nóc cực độc mắc lưới nhiều cũng gây nên nhiều quan ngại về an toàn thực phẩm.
Phía Chi cục Thủy sản TT-Huế đã ghi nhận hiện tượng bất thường này. Tuy nhiên, nguyên nhân cá nóc nhiều một cách đột biến hiện chưa được xác định, có khả năng là do biến đổi khí hậu, thời tiết.
Trước thói quen người dân ven biển thường dùng cá nóc làm thực phẩm, xem đây là món khoái khẩu, cùng với lượng cá nóc mắc lưới nhiều như hiện nay, Sở Y tế TT-Huế khuyến cáo bà con không được chế biến, sử dụng cá nóc làm thực phẩm dưới mọi hình thức, vì đây là loài thủy sản cực độc, dễ gây chết người.
Video: Cả làng ăn cá nóc 'tử thần' ở xứ Huế
Được biết, cá nóc độc thường sống ở tầng đáy, sát đáy biển hay vùng cửa sông, đầm phá nước lợ. Cá có thân chắc, chiều dài từ 4 - 40cm, vây ngắn, đầu to, mắt lồi, thịt trắng.
Trong cá nóc có thành phần độc tố chủ yếu là tetrodotoxins, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm; độc tố tập trung nhiều ở gan, thận, tụỵ, cơ quan sinh dục và độc tính tăng mạnh vào mùa sinh sản.
Bình luận