Mặc cho cái nắng nóng buổi trưa 23/7, ông Trần Đăng Ninh (xã Xuân Lộc) vẫn đầu trần trên bè nuôi cá lăng của gia đình bà Thiều Thị Cúc, ông Đinh Tiến Dũng (thôn Hạ Bì) để vớt cá chết.
Sớm nay, ông đã vớt được mấy xe cải tiến về để làm thức ăn cho con lợn nái của nhà. Vì quá nhiều, ông ủ cá chết để làm phân tưới cây.
Toàn bộ số cá chết này đều là cá lăng đã đến tuổi thu hoạch, trọng lượng trung bình trên dưới 2kg/con.
Ông Ninh nói, đây là cá nuôi lồng của các hộ dân xã Xuân Lộc.
Trong căn lán dựng tạm bợ trên chiếc bè nuôi cá lồng, chị Thiều Thị Cúc (SN 1973) vừa lọc thịt mớ cá rô đơn tính, buồn bã nói: Đây là ngày thứ 4, cá lăng nuôi lồng của gia đình bị chết bất thường. Toàn bộ cá lăng nuôi lồng của nhà đã chết gần như toàn bộ.
“Hôm đầu tiên, khoảng ngày 20/7, buổi sớm ra thăm lồng thấy cá chết, tôi cứ nghĩ là bình thường. Sau đó, cá chết nhiều quá, vớt không xuể. Cuối cùng đành bỏ mặc cho hàng xóm đến vớt về làm thức ăn nuôi lợn, hoặc ủ làm phân bón cây” - chị chán nản.
Gia đình chị Cúc là một trong số gần 20 hộ dân nuôi cá lăng lồng. Ở thượng nguồn sông Đà, điều kiện tự nhiên phù hợp để nuôi cá lăng - loài cá nằm trong danh mục “cá tiến vua” của mảnh đất ngã ba sông Bạch Hạc - Phú Thọ.
Một con cá lăng giống, giá mua khoảng 2.500 - 3.500 đồng. Sau 2 năm nuôi lồng, nó đạt trọng lượng từ 2-3kg. Giá bán buôn là 70.000 đồng/kg, bán lẻ khoảng 120.000 đồng/kg.
“Nhà tôi có 15 lồng nuôi cá lăng giống. Một lồng, mật độ thả từ 3-5.000 đầu cá/lồng. Sau 2 năm, cá thành phẩm cho khai thác khoảng 80%/tổng số cá giống đầu vào”.
Chị Cúc cho biết, với mức giá bán buôn 70.000 đồng/kg, năm 2016, gia đình chị có mức doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng. Thế nhưng, gần một tuần qua, hầu hết số cá lăng đến tuổi thu hoạch của gia đình chị đã chết hết.
“Buổi sớm ra thăm lồng, cá chết nổi như lá khô. Vớt hết một đợt, đợt cá khác lại tiếp tục chết nổi. Cá lồng nuôi bè của các hộ dân đều rơi tình cảnh tương tự” - chị Cúc nói.
Chị Cúc cho hay, sự việc cá chết trùng hợp với thời điểm xả lũ của thủy điện Hòa Bình.
“Đây là lần đầu tiên sau khoảng chục năm thủy điện Hòa Bình xả lũ. Hàng năm, thủy điện xả lũ tầng nước mặt nên không xảy ra sự việc gì. Năm nay, thủy điện xả lũ tầng đáy nên chúng tôi có đặt giả thiết, các loại khoáng chất trầm tích nhiều năm là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt” - chị Cúc nói.
Hàng trăm tấn cá tiến vua chết bất thường
Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch huyện Thanh Thủy Nguyễn Mạnh Sơn cho biết, số lượng cá nuôi bè ở huyện bị chết lên tới hàng trăm tấn, ước tính thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng.
“Từ khi Hòa Bình xả lũ, hàng loạt các địa điểm nuôi cá lồng ở huyện bị chết hàng loạt. Huyện đã báo cáo lên các cơ quan chuyên môn để tìm hiểu, xác minh thông tin. Chúng tôi cũng tính đến khả năng do thủy điện xả lũ nên cá lồng của người dân bị chết” – ông Sơn cho hay.
Về phương án đền bù, hỗ trợ cho người dân nuôi cá bị chết, ông nói sẽ chờ đợi kết luận nguyên nhân của các cơ quan chức năng để từ đó đề xuất phương án hỗ trợ.
“Đây là đợt xả lũ bất thường chục năm mới diễn ra một lần. Hàng năm, vẫn xả lũ nhưng là xả lũ tầng mặt chứ không phải tầng đáy” – Chủ tịch Thanh Thủy cho hay.
Video: Cá chết hàng loạt, nghi bị đầu độc - Công an vào cuộc điều tra
Theo Chủ tịch xã Xuân Lộc Lý Vũ Kỳ, toàn xã có trên 70 tấn cá bị chết thuộc 170 lồng, bình quân mỗi lồng khoảng 5 tấn cá thu, cá giống khoảng hơn 1 tấn. Kiểm đếm sơ bộ đến sáng qua là trên 70 tấn, chủ yếu là cá lăng, cá nheo.
"Nhận định của chúng tôi là do xả lũ sông Đà, do tích tụ lâu năm ở tầng đáy. Bí thư tỉnh Phú Thọ đã lên kiểm tra hiện trạng và có ý kiến để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó sẽ có ý kiến chỉ đạo” - ông cho biết.
Thông tin với VietNamNet, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Hoàng Dân Mạc nói, tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra nguyên nhân cá bè chết hàng loạt.
Bình luận