Ca sĩ Vũ Thắng Lợi vừa ra mắt đĩa nhạc có tựa đề Quê, trong đó ngoài sáng tác mới của nhạc sĩ Đức Trí, những bài còn lại đều thuộc hàng kinh điển và gắn bó, thân thuộc với thính giả suốt mấy thập kỷ. Sản phẩm được xuất bản trên đĩa than thay vì ra CD thông thường.
- Vì sao anh quyết định làm “Quê” trên đĩa than, vốn được coi là cuộc chơi tốn kém và sang chảnh? Phải chăng ca sĩ Vũ Thắng Lợi không phải lo lắng gì về khía cạnh kinh tế?
Thực ra trước đây tôi cũng làm một vài sản phẩm rồi. Ngoài nhạc số thì theo thống kê mấy năm gần đây, nhu cầu nghe đĩa than khá nở rộ. Việc làm đĩa than mất nhiều công sức, từ thu âm đến mix và master, nhất là giai đoạn in đĩa. Khi cầm đĩa than trên tay, tôi nghĩ khán giả sẽ trân trọng hơn sản phẩm âm nhạc ấy. Nó như hiện vật thực sự chứ không phải chỉ là âm thanh trên môi trường số. Vì vậy tôi muốn và cố gắng từ giờ trở đi sẽ làm nhiều hơn những sản phẩm âm nhạc chất lượng như vậy.
Đúng là làm đĩa than thì tốn kém. Tôi cũng không có gì dư dả. Dòng nhạc chính thống vì khá kén người nghe, chủ yếu phục vụ chính trị, những chương trình chính thống nên so với nhạc thị trường, người hát dòng nhạc này khá khó khăn. Tôi có thể nghèo một chút nhưng lúc nào cũng muốn cầu toàn hết mức cho sản phẩm của mình. Dù không có nhiều điều kiện, tôi muốn những sản phẩm mà mình cho ra mắt đều được đầu tư chỉn chu, trau chuốt, thứ nhất là để tôn vinh dòng nhạc này. Đây là di sản mà thế hệ trước để lại, chứa những giá trị cốt lõi về văn hoá, tư tưởng; tôi muốn ngày càng nâng tầm những bài hát ấy để thế hệ trẻ hiểu và trân trọng những giá trị đó. Thứ hai, tôi muốn các nghệ sĩ, công chúng của những dòng nhạc khác biết rằng dòng nhạc chính thống có những sản phẩm được đầu tư như vậy.
- Làm đĩa than có gì khó khăn so với các sản phẩm thông thường, thưa anh?
Thực ra đĩa than không phải nhà sản xuất nào cũng làm được, phải có chuẩn mực nhất định. Thường thì sau khi làm phần thu và mix thì phần hậu kỳ (gồm master và in đĩa) chúng tôi phải gửi qua nước ngoài mới đủ công nghệ để làm.
Ở Việt Nam hiện nay tôi thấy có nhạc sĩ Đức Trí là một trong những nhà sản xuất đĩa than uy tín, có thương hiệu. May mắn tôi được nhạc sĩ nhận lời hợp tác và anh em bắt tay làm sản phẩm này để kịp phát hành trước Tết. Lúc thu, hầu như nhạc công và ca sĩ phải làm việc cùng lúc với nhau và thu trực tiếp. Phải đảm bảo không có lỗi gì trong lúc thu, nếu sai thì phải thu lại cho đến lúc chất lượng đạt mức tốt nhất có thể. Có những bài phải thu 7-8 lần mới xong. Quá trình thu đĩa than đòi hỏi rất cao về kỹ thuật, cảm xúc, đặc biệt kỹ thuật thanh nhạc của nghệ sĩ phải thật bản lĩnh. Bù lại, nó đem đến tinh thần rất tốt, tất cả mọi người đều tập trung cao độ để có bản thu tốt. Đây là yêu cầu của nhạc sĩ Đức Trí là chúng tôi muốn làm việc với nhau như thế.
- Lần đầu ra mắt đĩa than về dòng nhạc quê hương, truyền thống, anh có lo lắng về hiệu ứng của sản phẩm?
Tôi nghĩ đây đơn giản là một cuộc chơi thôi. Quan điểm đầu tiên của tôi khi làm sản phẩm này là làm cho mình, cho nghề, cho dòng nhạc của mình. Có thể tôi cũng hơi ngông, tôi dám làm và muốn đưa khán giả vào chính “cuộc chơi” của mình. Vì vậy tôi cứ làm thôi, hy vọng là sẽ thành công.
- Hầu hết các ca khúc trong “Quê” đều là tác phẩm quen thuộc, gắn với tên tuổi nhiều ca sĩ nổi tiếng thế hệ trước. Điều gì đặc biệt ở sản phẩm này khiến anh tự tin rằng người nghe sẽ đón nhận nó?
Đúng là tôi có áp lực, nhưng nếu nghệ sĩ sợ áp lực thì không nên làm. Mặc dù thế hệ trước có nhiều giọng ca đã in sâu vào tâm trí khán giả nhưng chúng tôi có thể làm mới bằng cách phối khí, thu âm để tiếp cận gần hơn với người nghe hiện nay. Tôi tự tin vào cảm xúc của mình bởi thời của tôi khác với thời xưa, nên sẽ mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho người nghe. Đĩa này chúng tôi làm theo hướng mộc và acoustic là chủ yếu, rất đơn giản, không cầu kỳ về âm nhạc; hoà âm rất nhiều màu sắc và chủ yếu tôn vinh giọng hát. Những bài này có phần “nặng đô”, đặc biệt là với các bạn trẻ nên tôi muốn làm nó trở nên mộc mạc, trẻ trung, gần gũi hơn, để họ thấy thích thú khi nghe.
Một điểm đặc biệt của sản phẩm này là cách khai thác chất liệu nhạc cụ cổ truyền kết hợp với nhạc cụ Tây phương. Thường khi nói về nhạc dân gian, người ta thường nghĩ ngay đến “tranh - bầu - sáo - nhị”nhưng ở các bản phối trong đĩa “Quê”, tiếng guitar là chủ đạo, và có nhiều nhạc cụ phương Tây khác như saxophone, piano, violin, cello … Mặc dù vậy, khi nghe, khán giả vẫn cảm nhận được chất dân gian độc đáo của âm nhạc truyền thống Việt Nam.
- Anh là người cầu toàn, khó tính trong công việc, còn trong đời thường thì sao?
Thực ra tôi khó tính trong tôn chỉ của mình, với những gì mình đã được học, được trải nghiệm. Tôi nghĩ làm nghề thì nên có chính kiến, thậm chí là hơi “bảo thủ”, nhưng bảo thủ theo nghĩa là giữ những cái đúng, cái tốt đã được học hỏi từ những thế hệ đi trước. Tôi rất khắt khe trong các sản phẩm của mình. Còn trong cuộc sống thường ngày thì tôi cũng đơn giản thôi, không cầu kỳ lắm.
Tôi sinh ra ở quê, xuất phát điểm không có nhiều thuận lợi, khá vất vả nên tôi cảm nhận và trải nghiệm được rất nhiều cuộc sống đời thường. Nhờ đó mà khi hát, tôi hiểu được ca từ mà các nhạc sĩ ngày xưa viết, đôi khi chỉ là 1- 2 từ nhưng gói gọn rất nhiều hàm ý, nếu như không có trải nghiệm cuộc sống thì sẽ khó để hiểu và hát hay được. Lang thang phố phường, ngồi vỉa hè, ăn quán cóc… là những trải nghiệm tôi đều có. Đó chính là chất xúc tác nuôi dưỡng tâm hồn, đặc biệt là tâm hồn nghệ thuật của tôi, vì nghệ thuật bao giờ cũng hướng chúng ta đến sự bình yên, sự giản dị nhất.
- Là người bền bỉ theo đuổi nhạc đỏ, theo anh, nên làm gì để tăng sức cạnh tranh của dòng nhạc này?
Tôi nghĩ mỗi thời điểm, giai đoạn sẽ có những giải pháp khác nhau. Rất hy vọng các cơ quan quản lý sẽ có cơ chế “để ý” nhiều hơn đến dòng nhạc này, quan tâm đến những nghệ sĩ đang hoạt động tích cực cho dòng nhạc đỏ nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung để tạo ra những sự thay đổi. Hy vọng sẽ có thêm những chương trình như Giai điệu tự hào, Những bài hát còn xanh… để nhạc đỏ tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ. Đó là những bước đi để duy trì cũng như bảo tồn dòng nhạc này. Ngoài ra, bản thân mỗi nghệ sĩ cũng phải xây dựng cho mình những sản phẩm, chương trình riêng, làm sao để sản phẩm của mình có màu sắc mới mẻ hơn, quan trọng là tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ.
Sản phẩm âm nhạc Quê của ca sĩ Vũ Thắng Lợi gồm 9 ca khúc: Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (Nguyễn Văn Tý), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp), Tiếng đàn bầu (Nguyễn Đình Phúc), Tình yêu của đất và nước (Hoàng Vân), Tùy hứng lý qua cầu (Trần Tiến), Neo đậu bến quê (An Thuyên), Quê nghèo (Phạm Duy), Về với quê (Đức Trí). Người phối khí là nhạc sĩ Đức Trí.
Bình luận