• Zalo

Cà phê chín rộ, nhà vườn Tây Nguyên vật vã tìm thuê người hái

Đời sốngThứ Bảy, 04/12/2021 08:38:05 +07:00Google News
(VTC News) -

Thiếu nhân công là vấn đề diễn ra thường niên tại vùng cà phê lớn nhất cả nước, song năm nay vì dịch COVID-19, việc tìm kiếm người thu hái lại khó khăn gấp bội.

Với hơn 500.000 ha cà phê đang bước vào giai đoạn chín rộ, hầu hết các hộ trồng tại khu vực Tây Nguyên thời gian gần đây đang phải chật vật tìm lao động thu hái mặc dù giá thuê đã tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. 

“Đỏ mắt” tìm nhân công

Toàn tỉnh Gia Lai có hơn 98 nghìn ha cà phê đang vào mùa thu hoạch. Như mọi năm, thời điểm này đã có hàng nghìn lượt người miền Trung nối đuôi nhau lên tỉnh này để thu hái cà phê. Song năm nay vì dịch COVID-19 nên nguồn nhân công ngoại tỉnh gặp khó khăn khi vào địa phương, kéo theo việc khan hiếm nhân công. 

Là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất nhì tỉnh với hơn 17 nghìn ha cà phê, hầu hết các hộ dân ở huyện Ia Grai đang phải chật vật với bài toán tìm người thu hái cà phê thuê.

Cà phê chín rộ, nhà vườn Tây Nguyên vật vã tìm thuê người hái - 1

Các hộ dân ở huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đang chật vật tìm người thu hái cà phê.

Sở hữu vườn cà phê hơn 1.000 cây, gia đình ông Trần Văn Can (63 tuổi, thôn Tân Lập, xã la Sao, huyện Ia Grai) mọi năm phải thuê 6 đến 10 nhân công từ các tỉnh Quảng Bình, Huế vào thu hái. Thế nhưng năm nay vì dịch bệnh nên không ai vào, gia đình ông những ngày gần đây phải tất bật tìm kiếm nhân công tại chỗ, vậy mà vẫn lực bất tòng tâm.

"Nhân công tại chỗ không đủ, hầu hết đều đi làm công nhân nhà máy ở các tỉnh thành xa và mắc dịch nên không về, cứ tới mùa vụ là lại thiếu người. Hầu hết bà con ở đây đều phải thuê nhân công lao động từ miền Trung đến làm thời vụ. Tuy nhiên, hiện giờ lại vướng dịch COVID-19, không thể gọi họ vào nên trước mắt nhà tôi kêu gọi họ hàng xúm vào chọn hái những quả cà phê chín, sau đó sẽ tính tiếp. Nếu để lâu ngày, cà phê chín quá sẽ rụng, chưa kể nếu thời tiết xấu còn làm giảm năng suất nữa”, ông Can cho biết.

Đó là đối với hộ có diện tích ít, còn những hộ diện tích trồng cà phê nhiều từ 3 đến 5 ha trở lên thì vấn đề thuê lao động thu hoạch trong thời điểm này rất khó. Lường trước được điều này, nhiều hộ đã cẩn thận tìm lao động từ nhiều tháng trước nhưng vẫn không tìm ra, nhân công tại chỗ đã không có, nay nhân công chủ lực từ các tỉnh miền Trung lại càng khan hiếm hơn.

Cà phê chín rộ, nhà vườn Tây Nguyên vật vã tìm thuê người hái - 2

Với những hộ có diện tích cà phê từ 5 ha trở lên thì vấn đề thuê lao động thu hoạch trong thời điểm này rất khó.

Ông Vương Đình Danh (Tổ dân phố 6, thị trấn Ia Kha, Ia Grai, Gia Lai) có hơn 3 ha cà phê tại xã Ia Hrung (huyện Ia Grai). Với 3 ha cà phê, theo tính toán, gia đình ông Danh cần tới 20 người để thu hái. Thế nhưng hơn một tháng nay, ông vẫn chưa tìm được người. Ông cho biết những năm trước, nhân công hái cà phê cho nhà ông chủ yếu từ tỉnh Hà Tĩnh vào, song năm nay ai cũng lắc đầu từ chối. 

“Cà phê đã vào vụ hái nhưng không có người làm. Trước đây, lao động từ Quảng Ngãi lên làm, năm nay dịch bệnh khiến nhân công thiếu dù giá thuê cao hơn so với mọi năm. Nếu quả chín, không hái kịp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây, năng suất cho niên vụ tới", ông Danh rầu rĩ.

Tương tự, tại tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh có hơn 25 nghìn ha cà phê đang vào vụ, trong đó “thủ phủ” cà phê là huyện Đăk Hà có diện tích cao nhất với trên 12.000 ha. Với diện tích lớn như vậy đồng nghĩa với việc địa phương này cần hơn 10 nghìn lao động phục phụ cho việc thu hái cà phê niên vụ này.

Mọi năm, phần lớn nhân công hái cà phê đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk. Tuy nhiên hiện do ảnh hưởng dịch, số nhân công này những ngày gần đây cũng vắng bóng.

Nhiều lần gọi điện cho mối cũ lên hái cà phê nhưng bất thành, anh Hoàng Văn Hạnh (xã Đăk La, huyện huyện Đăk Hà) nhờ đến các hội, nhóm Facebook chuyên làm dịch vụ giới thiệu nhân công, tuy nhiên vẫn chưa tìm được ai. Anh Hạnh cho rằng, họ đưa ra mức giá 2.000-2.500 đồng/kg tươi cho hình thức hái khoán là quá cao trong khi vườn cây sai quả, rất dễ hái.

Cà phê chín rộ, nhà vườn Tây Nguyên vật vã tìm thuê người hái - 3

Nhiều hộ dân đăng tải bài viết lên các hội nhóm trên mạng xã hội với hy vọng tìm được nhân công hái cà phê thuê.

Năm ngoái, anh Hạnh khoán trắng vườn cây cho 5 người Quảng Ngãi với giá 1.000 đồng/kg cà phê tươi. Thu xong cà phê, họ còn ở lại làm thêm việc dọn bồn cây, tỉa cành đến gần Tết mới về. Song năm nay vì dịch COVID-19, nhân công cũ không vào nên anh Hạnh phải nhờ cậy nhân công tại chỗ nhưng hiệu quả hái cũng không cao như mong đợi.

Hỗ trợ người dân

Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, không có lao động ở địa phương khác đến nên thời gian thu hái cà phê phải kéo dài hơn so năm trước. Huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum) yêu cầu phải có sự phối hợp chặt giữa các địa phương, đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động và địa phương cung ứng lao động trong việc thu hái cà phê. 

Theo lãnh đạo huyện Đắk Hà, để giải quyết nạn thiếu lao động hỗ trợ người dân, huyện đã thành lập các tổ hái cà phê ở các xã, tận dụng hết lao động địa phương. Bên cạnh đó, huy động các công dân về từ vùng dịch đã hoàn thành cách ly hỗ trợ bà con thu hái cà phê, đây cũng là cách tạo điều kiện để họ có thu nhập. Ngoài ra, chính quyền cũng chủ động liên hệ với các đơn vị quân đội huy động lực lượng giúp dân thu hái cà phê.

Cà phê chín rộ, nhà vườn Tây Nguyên vật vã tìm thuê người hái - 4

Mỗi tỉnh thành có một giải pháp căn cơ đối phó trước tình trạng "khát" nhân công.

Với khoảng hơn 170 nghìn ha cà phê, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tình hình thực tế cho thấy, lực lượng lao động thu hái cà phê tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 40 – 50%, số còn lại chủ yếu là lao động đến từ ngoại tỉnh. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc thuê lao động từ ngoài tình về Lâm Đồng để thu hoạch cà phê là rất khó thực hiện. 

Trước những khó khăn nêu trên, Sở này đã đề xuất các địa phương rà soát, thống kê diện tích, dự báo sản lượng cà phê thu hoạch. Trên cơ sở đó sẽ thành lập các tổ, đội, nhóm hộ để thực hiện đổi công. Mặt khác, các địa phương cũng cần rà soát lực lượng lao động tại chỗ có nhu cầu thu hái cà phê để giới thiệu cho nông dân thỏa thuận, thuê mướn hợp lý.

Tại tỉnh Đắk Lắk, ngoài việc tạo điều kiện cho lao động ngoại tỉnh đến địa phương thu hoạch cà phê, UBND tỉnh này cũng giao các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thu hoạch, chế biến cà phê trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là nguồn nhân công thu hái đang khan hiếm.

Cà phê chín rộ, nhà vườn Tây Nguyên vật vã tìm thuê người hái - 5

Hơn 500 nghìn ha cà phê là bài toán khó cho các địa phương khi phải tìm nhân công thu hái cà phê trong thời điểm dịch bệnh.

Các địa phương cần tận dụng tối đa lượng người từ các tỉnh thành phía Nam về (34.000 người) để huy động thu hái cà phê, tạo công ăn việc làm trong thời điểm dịch bệnh. Trường hợp vẫn thiếu nhân công, đặc biệt ở vùng nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm cao, UBND tỉnh đề nghị chính quyền rà soát, báo cáo cụ thể, nhờ lực lượng quân đội hỗ trợ.

Trong khi đó tại tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh này yêu cầu ngành y tế ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho những người thu hoạch nông sản, đồng thời đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho người từ địa phương khác đến thu hoạch nông sản để giải quyết vấn đề thiếu nhân công thu hái cà phê tại địa phương.

HIỀN MAI
Bình luận
vtcnews.vn