Hôm nay 27/4, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, nắng nóng như thiêu như đốt bao trùm hàng loạt địa phương ở Bắc Bộ và Trung Bộ với nhiệt độ thực đo lúc 13h trên dưới 40 độ C, có nơi vượt 42 độ C.
Cụ thể, Yên Châu (Sơn La) 41,5 độ C, Tương Dương (Nghệ An) 41,6 độ C, Ba Đồn (Quảng Bình) 41,6 độ C, Đông Hà (Quảng Trị) 42,1 độ C, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) 41,4 độ C, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 41,3 độ C… Độ ẩm tương đối lúc 13h phổ biến 30-35%
Phố Ràng (Lào Cai) 38,8 độ C, Láng (Hà Nội) 39,4 độ C, Phủ Lý (Hà Nam) 40,6 độ C, Đồng Phú (Bình Phước) 39,2 độ C...
Khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận và Tây Nguyên nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Trong 24 đến 48 giờ tới, Sơn La, Hòa Bình và từ Thanh Hóa đến Phú Yên duy trì hình thái thời tiết nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến 38-41 độ C, có nơi trên 41 độ C.
Bắc Bộ và Nam Bộ nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất dao động 35-39 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Khánh Hòa đến Bình Thuận và Tây Nguyên nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên cả nước kéo dài đến khoảng 30/4, khả năng giảm dần cường độ từ 1-2/5.
Cơ quan khí tượng lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch 2-4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Bình luận