• Zalo

Cả nước có 150.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH cho người lao động

Kinh tếThứ Ba, 30/01/2018 16:25:00 +07:00Google News

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, cả nước vẫn còn có 150.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH cho người lao động, với khoảng trên 5 triệu lao động chưa được doanh nghiệp đóng BHXH…

Thông tin của BHXH cung cấp cho thấy, trong những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH có những diễn biến phức tạp. Tình hình vi phạm pháp luật, trốn đóng BHXH là rất nghiêm trọng, cần sớm được giải quyết.

Theo thống kê, từ năm 2007 - 2016, qua kiểm tra, BHXH Việt Nam phát hiện và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính tới hơn 7.700 vụ, đề nghị truy thu về Quỹ BHXH hơn 330 tỷ đồng tại BHXH các tỉnh, thành phố.

Theo BHXH Việt Nam, có được kết quả trên là nhờ công tác thanh tra, kiểm tra được toàn Ngành BHXH chú trọng, triển khai sâu rộng từ Trung ương đến địa phương, qua đó phát hiện nhiều thủ đoạn trục lợi BHXH.

1

 Ảnh minh họa.

Trong năm 2017, qua công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, đã phát hiện 42.263 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 88,2 tỷ đồng; 50.734 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 47,3 tỷ đồng.

Tổng số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ là trên 2.776 tỷ đồng; xử lý vi phạm hành chính, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 505 đơn vị sử dụng lao động…

Cũng trong năm 2017, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ hoàn thiện các quy định về thực hiện thanh tra chuyên ngành; quy định về việc cấp, quản lý và sử dụng thẻ, trang phục thanh tra chuyên ngành; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho đối tượng là công chức, viên chức và trưởng đoàn thanh tra.

Đồng thời chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố kiện toàn bộ máy thanh tra tại BHXH tỉnh; thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành do BHXH Việt Nam làm trưởng đoàn tại một số tỉnh, thành phố.

Tại các tỉnh, thành phố, BHXH cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi trục lợi BHXH…

2-11265310

 

Số liệu thống kê chưa đầy đủ của BHXH cũng cho thấy, tính đến hết năm 2016, số tiền nợ BHXH của doanh nghiệp là 7.795 tỷ đồng, chiếm 3,30% so với tổng số tiền phải thu.

Ngoài ra, cả nước còn có 150.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH cho người lao động. Như vậy, còn khoảng trên 5 triệu lao động chưa được doanh nghiệp đóng BHXH…

Về vấn đề này, đại diện Vụ Thanh tra - Kiểm tra, BHXH Việt Nam cho biết: Có rất nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi trong hoạt động tội phạm nhằm chiếm đoạt, trục lợi BHXH như các tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật và một số quy định chưa chặt chẽ về BHXH để thực hiện những hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH; Lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của chính quyền địa phương trong việc chứng thực các văn bản, giấy tờ để làm giả giấy khai sinh, hoặc giấy chứng sinh bản sao và thực hiện lập hồ sơ giả mạo đề nghị cơ quan BHXH thanh toán tiền trợ cấp thai sản.

Tình trạng thu gom sổ BHXH của người tham gia BHXH đã nghỉ việc mà không nhận lại sổ, sau đó lập hồ sơ BHXH khống, chiếm đoạt tiền BHXH...

Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp cố tình lập và sử dụng hai hệ thống thang bảng lương khác nhau: Một hệ thống lương dùng để chi trả lương thực tế cho người lao động; một hệ thống lương dùng để đăng ký tham gia và làm cơ sở tính mức đóng BHXH.

Với thủ đoạn này, các doanh nghiệp đã trốn đóng một khoản tiền BHXH mà theo quy định pháp luật họ phải đóng cho cơ quan BHXH…

Để khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới, một số biện pháp đã được cơ quan chức năng đề xuất như: Tăng mức phạt tiền và mức phạt tiền tối đa đối với các vi phạm hành chính về BHXH cho phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Chuẩn hóa các quy định, quy trình nghiệp vụ bảo hiểm thống nhất, đồng bộ, liên thông, liên kết cơ sở dữ liệu; sử dụng thẻ BHXH điện tử thay sổ BHXH…

Song, để thực sự nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, cần tăng cường phối hợp trong công tác thanh kiểm tra liên ngành về đóng BHXH nhằm chủ động phát hiện sớm các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH để có biện pháp xử lý kịp thời.

Video: Doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho công nhân sẽ bị xử lý nặng

Từ ngày 1/1/2018, mọi doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng BHXH cho người lao động bị xử lý hình sự, phạt tiền tỷ, thậm chí phạt tù tới 7 năm nếu vi phạm nghiêm trọng.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi gồm 9 chương, 125 điều chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Nhiều khung hình phạt được quy định chi tiết, rõ ràng trong luật từ phạt tiền, xử lý hình sự và phạt tù tới 7 năm.

Theo đó, người sử dụng lao động gian dối, dùng thủ đoạn để không đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn cho người lao động hoặc đóng không đầy đủ từ 6 tháng trở lên, ngoài việc bị phạt hành chính sẽ còn bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Luật mới cũng quy định phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng năm đến 3 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động; nếu pháp nhân phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng.

Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm nếu phạm tội thuộc các trường hợp: Trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động…

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Việc hình sự hóa hành vi trốn đóng BHXH, lần đầu tiên người lao động được pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

PV
Bình luận
vtcnews.vn