Đợt dịch lần thứ 4 tại TP.HCM khiến hàng loạt nhà máy đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, thêm làn sóng rời TP.HCM về quê của hàng trăm nghìn người lao động khiến các doanh nghiệp đang thiếu hụt nhân lực.
Tìm việc làm sau dịch
Chị Phương Trinh, (26 tuổi, quê Sóc Trăng, nhân viên kinh doanh một công ty mỹ phẩm tại TP.HCM) cho biết, trong đợt dịch vừa qua chị phải nghỉ làm hơn một tháng, mặc dù rất muốn về quê nhưng bị mắc kẹt tại TP.HCM do lệnh giãn cách.
Hiện nay, khi tình hình đã được kiểm soát, chị Trinh mong muốn tìm một công việc mới phù hợp với chuyên môn, nên đã đăng thông tin giới thiệu bản thân lên nhiều hội, nhóm, diễn đàn để tìm việc nhưng chưa có kết quả.
"Sau khi mình đăng lên thì nhận được rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi của các bên tuyển dụng nhưng chủ yếu là lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, nhân viên tài chính, bán hàng... mình thấy không phù hợp nên cũng chưa nhận lời", chị Trinh nói.
Giống như chị Trinh, tại nhiều diễn đàn về việc làm TP.HCM trên mạng xã hội, có rất nhiều lao động đăng thông tin tìm việc sau dịch.
Anh Nguyễn Quang Huy (23 tuổi, quê Hà Nội) cho biết, bản thân mới đi xuất khẩu lao động bên Nhật Bản về được 3 tuần. Anh đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ khí điện tử. Hiện anh mong muốn có được công việc tại TP.HCM liên quan đến ngành nghề đã học hoặc lĩnh vực kinh doanh có sử dụng tiếng Nhật.
"Hiện tại mình vẫn chưa tìm được công ty tuyển dụng do nguồn thông tin ít với lại nhiều địa chỉ tuyển dụng mình cũng chưa tin tưởng lắm", anh Huy nói.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FAMIL), nhu cầu nhân lực quý 4/2021 của TP.HCM sẽ ở mức 43.654 - 56.869 chỗ làm việc.
Theo FAMIL, thời điểm cuối năm các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động hoàn thành chỉ tiêu đề ra và tuyển dụng nhân lực phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp Tết Nguyên đán.
Xu hướng tuyển dụng tập trung ở các nhóm nghề như: Kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; công nghệ thông tin; cơ khí, tự động hoá; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng; du lịch, nhà hàng, khách sạn; kỹ thuật điện, điện lạnh, điện công nghiệp, điện tử; Công nghệ lương thực, thực phẩm; kiến trúc, kỹ thuật công trình xây dựng…
Mặt khác, trong những tháng cuối năm ngoài tuyển dụng lao động làm việc toàn thời gian, doanh nghiệp cũng có nhu cầu ở một lượng lớn lao động bán thời gian phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết.
Tuy nhiên hiện nay, nhiều lao động ngoại tỉnh gặp không ít khó khăn khi có mong muốn quay trở lại TP.HCM để làm việc. Nhiều người chưa tiêm vaccine và vẫn bị mắc kẹt tại tỉnh, ngoài ra, xe khách dừng hoạt động nhiều tuyến cũng cũng khiến việc di chuyển của người lao động rất khó khăn.
Hỗ trợ tối đa cho người lao động quay trở lại TP.HCM
Trong chương trình livestream "Dân hỏi - thành phố trả lời" với chủ đề "Lao động - việc làm trong phục hồi sản xuất, kinh doanh" tối 22/10, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, nhu cầu cần tuyển lao động của các doanh nghiệp hiện nay khá lớn vì việc phục hồi sản xuất tăng theo từng ngày.
TP.HCM đã gửi công văn cũng như làm việc với các tỉnh, thành khác nhằm tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc.
Theo ông Lâm, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên và các doanh nghiệp có chức năng giới thiệu việc làm sẽ tiếp nhận người lao động. Các trung tâm đào tạo việc làm cũng chuẩn bị các lớp sơ cấp nghề ngắn hạn để đào tạo, tái hòa nhập, để cuộc sống của họ được ổn định.
TP.HCM cũng có những chính sách chăm lo an sinh xã hội, cũng như tiêm vaccine cho người lao động khi quay trở lại làm việc.
Chia sẻ tại buổi livetreams, ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên thuộc Thành Đoàn TP.HCM cho biết, khi người lao động quay trở lại TP.HCM, có rất nhiều kênh tiếp cận tìm việc như qua phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội các trang web tuyển dụng của các doanh nghiệp...
“Do ảnh hưởng dịch bệnh, đi lại khó khăn, nếu người lao động còn ở dưới quê thì có thể liên hệ trực tiếp đến các trung tâm để được hướng dẫn cách thức, thủ tục... trung tâm sẽ kết nối trước với bên tuyển dụng, phỏng vấn trực tuyến. Sau khi thống nhất việc làm thì người lao động mới lên đi làm. Việc này nhằm giúp người lao động đỡ tốn chi phí đi lại, hạn chế nguy cơ rủi ro lây nhiễm dịch bệnh”, ông Cường nói.
Ông Cường cho hay, hiện trung tâm có chương trình "combo việc làm 3 trong 1" triển khai từ ngày 1/10 đến ngày 30/11. Khi tìm việc, người lao động được hỗ trợ như nhà trọ 0 đồng, xét nghiệm nhanh COVID-19 miễn phí và giới thiệu việc làm ngay lập tức.
Hiện trung tâm cũng đã kết nối với 21 quận, huyện đoàn và TP Thủ Đức để cập nhật đầy đủ các nhà trọ 0 đồng và nhà trọ miễn phí trước mắt trong tháng đầu. Ngoài ra, số nhà trọ đăng ký giảm tiền từ 30 - 40% cho người lao động quay trở lại TP.HCM làm việc rất nhiều.
Ông Cường cho biết thêm, đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên, người lao động có thể gọi tổng đài 1088 - nhấn số 155 hoặc truy cập website: sieuthivieclam.vn để được tư vấn, giới thiệu việc làm.
Bình luận