Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) khiến dư luận thất vọng khi lợi nhuận sụt giảm thê thảm trong những năm gần đây. Nhưng không chỉ có vậy, nhiều ông lớn thuộc tập đoàn cũng đang đi lùi.
Công ty cổ phần Than Núi Béo – Vinacomin vừa dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2017 với doanh thu đạt 1,519 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với thực hiện năm 2016.
Nhưng nghịch lý ở chỗ lợi nhuận trước thuế dự kiến của Núi Béo lại đi lùi gần một nửa giá trị, chỉ đạt hơn 24 tỷ đồng.
Trong 2016, kết quả kinh doanh của Than Núi Béo không thật sự tốt khi cả năm chỉ thu về 1,232 tỷ đồng, giảm 11% so với 2015, mới đạt 98% kế hoạch.
Dù tổng lợi nhuận trước thuế vượt 127% so với kế hoạch 49 tỷ đồng, nhưng lại giảm 27% so với con số 67 tỷ đồng năm trước.
Kết quả là lợi nhuận sau thuế tương ứng giảm hơn 23%, đạt 38 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong báo cáo trước đó, Than Núi Béo cho hay lợi nhuận sau thuế 2016 chỉ là 36,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại kết quả kiểm toán ngày 7/3 lại công bố con số lợi nhuận sau thuế 38,7 tỷ đồng. Than Núi Béo cho rằng chênh lệch hơn 1,9 tỷ đồng trên do tại thời điểm công ty lập báo cáo tài chính, TKV chưa kiểm tra kết quả thực hiện hợp đồng phối hợp kinh doanh với công ty, do đó khi hoạt động kiểm tra được tiến hành, quỹ lương của Than Núi Béo giảm 2,7 tỷ đồng khiến lợi nhuận tăng lên so báo cáo.
Video: Nhiều lãnh đạo thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam bị bắt
Tương tự Than Núi Béo, một “ông lớn” trong ngành than là Công ty cổ phần Than Vàng Danh – Vinacomin cũng có khoản lợi nhuận sau thuế 2016 giảm hơn một nửa so với 2015.
Cụ thể, trong khi lợi nhuận sau thuế của Than Vàng Danh năm 2016 chỉ là 29,8 tỷ đồng thì con số này của 2015 là 56,7 tỷ đồng (lợi nhuận năm 2016 so lợi nhuận 2015 của Than Vàng Danh bằng 52,7%).
Lý giải sụt giảm này, Than Vàng Danh cho rằng do tình hình tiêu thụ than của TKV khu vực Uông Bí gặp khó khăn, việc thực hiện vận chuyển chậm được triển khai, trong khi đó kho vận không còn chỗ chứa, tồn kho tăng cao khiến công ty phải giảm sản lượng khai thác.
Được biết, trong 2016, sản lượng khai thác than của Than Vàng Danh chỉ bằng 75,9% so với 2015.
Khó khăn cũng đang đeo bám một ông lớn khác của TKV là Công ty cổ phần Than Đèo Nai – Vinacomin. Tính đến 31/12/2016, Than Đèo Nai tồn kho hơn 127 tỷ đồng với khoản nợ phải trả lên tới 607 tỷ đồng (trong đó, nợ ngắn hạn là 468 tỷ đồng, nợ dài hạn là hơn 139 tỷ đồng, chủ yếu là vay và nợ tài chính).
Về kết quả kinh doanh 2016, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Than Đèo Nai đạt 2.078 tỷ đồng; doanh thu hoạt động tài chính đạt 1,9 tỷ đồng… Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế Than Đèo Nai chỉ đạt hơn 24,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là gần 19,1 tỷ đồng.
Kế hoạch 2017, mặc dù đặt chỉ tiêu tổng doanh thu 2.181 tỷ đồng song Than Đèo Nai dự kiến lợi nhuận khá thấp, chỉ 16,5 tỷ đồng.
Tại Công ty cổ phần Than Miền Trung – Vinacomin, nợ nần cũng đang là gánh nặng trong khi lợi nhuận đang giảm dần đều.
Theo đó, tính đến 31/12, nợ phải trả của Than Miền Trung là 118 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với 1/1/2016 là 67,9 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 118,1 tỷ đồng, nợ dài hạn là 12 triệu đồng. Than Miền Trung cũng có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tương đối èo uột, chỉ 1,9 tỷ đồng trong 2016.
Lợi nhuận sau thuế các năm 2012, 2013, 2014 và 2015 lần lượt là 12,3 tỷ đồng, 8,2 tỷ đồng, 6,6 tỷ đồng và 4,7 tỷ đồng. Chỉ tiêu doanh thu cũng thê thảm tương tự. Doanh thu các năm 2012, 2013, 2014 và 2015 là 1.179,4 tỷ đồng, 727,5 tỷ đồng, 624,5 tỷ đồng và 528,3 tỷ đồng.
Kinh doanh khó khăn buộc nhiều công ty “con” của TKV điều chỉnh lợi nhuận trong 2016 và kế hoạch 2017.
Tổng công ty Khoáng Sản TKV mới đây đã phải điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất 2016, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ bị điều chỉnh giảm 90%, chỉ còn 4.2 tỷ đồng.
Theo đó, tổng giá trị đầu tư xây dựng cơ bản của công ty mẹ được điều chỉnh còn 822.3 tỷ đồng, giảm 290.5 tỷ đồng so với kế hoạch, trong đó xây lắp 57 tỷ đồng, thiết bị 524 tỷ đồng và khai thác cơ bản 241 tỷ đồng.
Việc công ty mẹ điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh khiến KSV điều chỉnh giảm 21 tỷ đồng (tương đương 2%) doanh thu kế hoạch công ty mẹ. Cụ thể, doanh thu khoáng sản và doanh thu khác được điều chỉnh lần lượt ở mức 1,784 tỷ đồng, giảm 16 tỷ đồng và 41 tỷ đồng, giảm 5 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm.
Theo kế hoạch đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn công ty đạt 61.5 tỷ đồng, nhưng sau điều chỉnh, chỉ tiêu này còn 0 đồng. Lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ giảm đến 90.7%, từ 45.3 tỷ đồng còn 4.2 tỷ đồng.
Không giống như những người anh em khác, Tổng công ty Điện lực TKV – đứa con mới thành lập 2009 của TKV lại đang ngập trong nợ nần và thua lỗ.
Trong 2015, Điện lực TKV lỗ sau thuế lên tới 512 tỷ đồng.
Năm 2016, Điện lực TKV đặt mục tiêu doanh thu thuần 6.957 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 135 tỷ. Tính đến 30/6, tổng tài sản của Điện lực TKV đạt 26.896 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả lên tới 21.310 tỷ đồng.
Tại báo cáo giải trình thua lỗ quý 4/2016, Điện lực TKV cho biết báo cáo hợp nhất ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 992,7 tỷ đồng do các công ty con như Nhiệt điện Cẩm Phả, Than điện Nông Sơn lỗ luỹ kế.
Cụ thể, Công ty cổ phần nhiệt điện Cẩm Phả lỗ luỹ kế 963,6 tỷ đồng (tính đến 14/1/2016), Công ty cổ phần Than điện Nông Sơn lỗ 71,1 tỷ đồng (tính đến 14/1/2016). Nguyên nhân chủ yếu do chênh lệch tỷ giá ngoại tệ đã hạch toán vào chi phí nhưng chưa đưa vào giá điện và do nhà máy mới hoàn thành đầu tư chưa đi vào hoạt động.
Ngoài những cái tên trên, Công ty cổ phần Than Cọc Sáu - Vinacomin, một doanh nghiệp thành lập lâu năm của TKV cũng đang có lợi nhuận đi lùi trong 3 năm trở lại đây.
Lợi nhuận sau thuế của Than Cọc Sáu trong các năm 2013, 2014 và 2015 lần lượt là 59,3 tỷ đồng, 43,2 tỷ đồng và 41,3 tỷ đồng.
Bình luận