Trong khi lãnh đạo Thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) khẳng định loài cá 1 tấn bị ngư dân xẻ thịt vào chiều qua là loài cá mập hoa bình thường, không nằm trong danh mục bảo vệ, cũng không phải loài cá nhám voi quý hiếm, thì chuyên gia về sinh vật biển lại đưa ra ý kiến trái chiều.
"Dựa vào các tài liệu khoa học, chúng tôi xác định đây là loài nằm trong Sách đỏ, có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo vệ chứ không được phép đánh bắt, buôn bán bình thường", anh Đỗ Đình Thịnh, nghiên cứu sinh về sinh vật biển ở Hàn Quốc nói.
"Loài cá này cũng có trong danh mục Công ước CITES, nghiêm cấm mọi hành vi khai thác, buôn bán. Các hành vi đánh bắt, mua bán đều bị xử phạt", anh Thịnh nói thêm.
Nhiều chuyên gia khác cũng có cùng nhận định trên.
Theo ông Đặng Đỗ Hùng Việt, nghiên cứu sinh về sinh vật biển ở Đài Loan, cá nhám voi hay cá mập voi, mập hoa (danh pháp hai phần: Rhincodon typus) là một thành viên đặc biệt trong phân lớp Elasmobranchii (cá mập, cá đuối) của lớp Cá sụn (Chondrichthyes).
Nó là loài cá mập lớn nhất và cũng là một trong những loài cá hiện còn sống có kích thước lớn nhất. Chiều dài của cá nhám voi khoảng từ 9 đến 11 m, nặng từ 10 đến 15 tấn. Chiều dài tối đa được kiểm chứng là 12,45 m, và khối lượng tối đa là 21,5 tấn.
Loài này không gây nguy hiểm cho con người. Những người thợ lặn có thể bơi xung quanh loài cá khổng lồ này mà không gặp phải vấn đề gì.
Cá nhám voi có thể gặp tại các khu vực biển của Việt Nam, Thái Lan, Maldives, Hồng Hải, tây Úc (dải đá ngầm Ningaloo), khu bảo tồn hải dương Gladden Spit ở Belize, và tại quần đảo Galapagos. Những thợ lặn may mắn cũng có thể gặp chúng tại Seychelles, Puerto Rico và Philipin (Donsol).
Chiều 5/5, mạng xã hội lan truyền hình ảnh, clip ghi lại cảnh người dân xẻ thịt một con cá kích thước lớn tại khu vực cảng Hới (thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa). Sự việc ngay lập tức gây xôn xao dư luận, nhiều người cho rằng con cá bị giết chính là loài cá nhám voi, một trong những loài cá lớn nhất thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Nghị định 103/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản quy định, hành vi khai thác, mua bán, thu gom, nuôi, lưu giữ, sơ chế, chế biến các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (mức EN) có thể bị phạt tiền từ 10.000.000-50.000.000 đồng tùy khối lượng sinh vật.
Bình luận