• Zalo

Cà chua lạ hết thời hoàng kim, giá giảm 5 lần không ai mua

Kinh tếThứ Ba, 04/12/2018 11:52:00 +07:00Google News

Cà chua đen, cà thân gỗ, cà chua trái cây... khi mới xuất hiện giá vài trăm nghìn đồng một kg nhưng nay giảm mạnh, thậm chí không có người mua.

Vào năm 2015, cà chua đen nổi lên trong cơn sốt các loại giống lạ tại Đà Lạt. Loại này được chị Phạm Thị Thanh Thủy ở thôn K'Long C, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng đem từ nước ngoài về nhân giống.

Ban đầu chị trồng thử nghiệm 200 cây nhưng khi đăng bán được khách hưởng ứng nhiệt tình nên đã nhân rộng ra 1.000 m2 đất với số lượng khoảng 3.000 gốc cà chua đen, mỗi gốc cho sản lượng từ 5 đến 7 kg.

Chị bán tại vườn với giá 50.000-70.000 đồng một kg. Lúc đó, loại này lên cơn sốt và được bán trên thị trường tới 200.000 đồng một kg.

Tuy nhiên, hai năm sau đó, người dân nhân rộng và trồng ở nhiều vùng tại Việt Nam như Đà Lạt, Đồng Nai, Bình Dương nên giá của chúng giảm mạnh chỉ còn 30.000-50.000 đồng một kg.

cachua

Cà chua đen một thời không có hàng để bán nhưng nay ít khách mua.

Nhiều hộ trồng cà chua ở Bình Dương cho biết cũng phải giảm diện tích trồng vì tiêu thụ khó. "Nếu trước đây tôi trồng khoảng 0,5 ha theo trào lưu thì nay chỉ còn trồng khoảng một phần năm", ông Anh ở Đồng Nai chia sẻ.

Không chỉ cà chua đen, sau một năm, loại cà chua trái cây thơm mùi trứng sữa cũng rớt giá mạnh. Trồng bằng giống cà chua vàng nhưng nhờ sử dụng phương pháp bón phân làm bằng trứng, sữa, mật mía nên chất lượng của sản phẩm được đánh giá cao. Cà trái cây có vị ngọt chứ không chua như cà thường, khi ăn có mùi thơm trứng sữa và không tanh.

Lúc đầu cà chua trái cây được bán trên thị trường giá 200.000 đồng một kg và không còn để bán sau khi lên cơn sốt nhưng nay đã hạ nhiệt chỉ còn 60.000 -120.000 đồng.

cachua1

Cà chua thân gỗ khi mới xuất hiện giá cả triệu đồng.

Tương tự, năm ngoái giống cà chua thân gỗ (Magic-S) được người dân Lâm Đồng săn lùng với giá 100.000-350.000 đồng mỗi cây. Giá quả ở mức một triệu đồng một kg (hàng xách tay) nhưng hiện tại người trồng lâm cảnh bán không ai mua, cho không ai lấy.

Theo ông Nguyễn Bá Tôn, thành viên Hợp tác xã Rạng Đông, từ tháng 6 đến 10/2018 đã bán 4 đợt, gần 2.900 kg cà chua thân gỗ. Hai đợt đầu tiên (hơn 1.100 kg), doanh nghiệp này thu mua với giá 150.000 đồng một kg. Nhưng các đợt sau chỉ còn 50.000 đồng một kg. Thậm chí, trong hai đợt bán quả sau, hợp tác xã còn chưa nhận được tiền. Lãnh đạo hợp tác xã đã cố gắng liên hệ với một số nơi để bán nhưng không đơn vị nào nhận mua.

Một doanh nghiệp khá nổi tiếng chuyên kinh doanh, cung cấp rau củ quả Đà Lạt cũng đầu tư trồng gần một ha Magic-S tại huyện Lạc Dương. Đơn vị này cho biết, ban đầu ngoài việc đầu tư trồng trực tiếp còn tính tới thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, nhưng nay thật sự bế tắc. Sản phẩm của công ty cũng không tiêu thụ được. Số diện tích đã lỡ trồng, công ty vẫn duy trì nhưng hướng tới khai thác du lịch canh nông.

Theo giới buôn, sở dĩ loại này hạ nhiệt là vì nhiều nơi trồng nhân giống. Mặt khác, đa phần sản phẩm được khách mua ăn chơi chứ không sử dụng thường xuyên như cà chua thông thường.

Trao đổi với VnExpress, ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, cà chua lạ khi mới trồng thử nghiệm thì số lượng ít, lại lạ lẫm nên bán được với giá cao vì nhiều người có nhu cầu dùng thử. Tuy nhiên, khi được nhân rộng nhiều mà nhu cầu thấp nên giá giảm.

Hiện các loại giống mới này được người dân tự ý mang về trồng và nhân giống chứ chưa qua kiểm định và kiểm soát của cơ quan chức năng. Do đó, ông Hưng khuyên người dân chỉ nên mở rộng đầu tư khi có đầu ra ổn định và nhu cầu có thật thay vì trồng ồ ạt theo trào lưu.

(Nguồn: Vnexpress)
Bình luận
vtcnews.vn