• Zalo

Cá chết trắng bờ biển miền Trung: Giải đáp 5 câu hỏi lớn

Thời sựChủ Nhật, 24/04/2016 08:11:00 +07:00Google News

Nhiều người đặt câu hỏi về vụ việc cá chết hàng loạt ở miền Trung, nguyên nhân là gì, nguồn chất độc từ đâu, đường ống xả thải của Formosa có liên quan gì...

Nhiều người đặt câu hỏi về diễn biến vụ việc cá chết hàng loạt ở miền Trung, nguyên nhân là gì, nguồn chất độc từ đâu, đường ống xả thải của Formosa có liên quan gì...

Chiều 23/4, tại Hà Tĩnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với các địa phương xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Buổi làm việc do thứ trưởng Bộ này chủ trì.

Tham dự có lãnh đạo các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế cùng nhiều cơ quan chuyên môn.

Cá chết hàng loạt diễn ra thế nào?

Ngày 6/4, tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển một số xã, phường của thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), rồi tiếp diễn ở vùng biển xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).
Cá chết bất thường ở miền Trung khiến dư luận hoang mang.
Cá chết bất thường ở miền Trung khiến dư luận hoang mang.  
Những ngày sau đó, các vùng biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), Quang Phú và Bảo Ninh (TP Đồng Hới)... cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Tổng cục Thủy sản) ghi nhận các loài cá chết dạt vào bờ đều sống ở tầng đáy vùng biển gần bờ.

Đến ngày 19/4, tình trạng xảy ra diện rộng hơn, ghi nhận ở vùng biển Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

Từ 20 đến 23/4, các đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục nghiệp vụ Bộ Công an đã tới các địa phương để xác minh làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt.

Phó chủ tịch UBND Hà Tĩnh, ông Đặng Ngọc Sơn cho hay, mực ống, tôm hùm nuôi ở lồng nuôi vẫn sống bình thường. "Mực là loài nhạy cảm mà vẫn sống, vì thế, chúng tôi mong muốn có thông tin chính xác để không ảnh hưởng đến kinh doanh, buôn bán hải sản của bà con" - ông Sơn nói.

Theo ghi nhận từ các địa phương, đến ngày 22/4, tình trạng cá chết không còn xuất hiện.

Khu vực bị ảnh hưởng?

Ông Nguyễn Viết Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải Sản nhận định, khả năng nguyên nhân cá chết do độc chất là rất lớn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các địa phương có cá chết hàng loạt. Ảnh: Phạm Hòa
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các địa phương có cá chết hàng loạt. Ảnh: Phạm Hòa 
Ông Nghĩa đề nghị các địa phương khuyến cáo tàu cá dừng khai thác ven bờ. Những tàu khai tác xa bờ, ông Nghĩa cho rằng cần phân nhóm hoạt động.

Việc tác động của độc chất đối với cá nổi ít hơn so với loài sống ở tầng đáy. Các địa phương nên khuyến cáo ngư dân khai thác cá ở tầng đáy đánh bắt xa khu vực ảnh hưởng của độc tố.

Nguyên nhân cá chết là gì?

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân cá chết ở ven biển miền Trung là do độc chất mạnh. Hiện tại chưa xác định nguồn độc phát sinh từ tảo hay nhân tạo.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn loại trừ nguyên nhân cá chết do dịch bệnh, môi trường nước. Hiện các mẫu phân tích đã được thu và gửi đến các cơ quan chuyên môn để làm rõ.

Nguồn khởi phát độc chất từ đâu?

Ông Vũ Tuấn Nhân, thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, chưa xác định được tác nhân gây ra cá chết hàng loạt nhưng không loại trừ do độc chất được thải ra từ đất liền.

Nguyên nhân cá chết hàng loạt chưa được làm rõ, khi có kết quả Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ công bố công khai.

Đường ống xả thải của công ty Formosa liên quan gì?

Nói về nghi vấn đường ống ngầm của công ty Formosa Vũng Áng xả thải, thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết đây là đường ống được cho phép, nước thải đã được xử lý theo chuẩn mới được xả ra biển. Việc làm đường ống ngầm xả nước thải đã qua xử lý là bình thường, quy trình xử lý đã có máy giám sát tự động.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 16/7/2014, công ty Formosa có văn bản đề nghị được xây dựng đường ống xả nước làm mát ra vịnh Sơn Dương, dài khoảng 1.300 m, đường kính trong 1,2 m, nằm cách mặt biển 12m. Đường ống này có 9 lỗ xả dọc theo chiều dài, đường kính mỗi lỗ xả khoảng 0,3 m.

Hơn một tháng nhận đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chấp thuận.
 Diễn biến vụ việc

Tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển một số xã thuộc Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào ngày 6/4. Bốn ngày sau, hiện tượng tiếp diễn tại vùng biển xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).

Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) kết luận, cá chết ở Hà Tĩnh do “môi trường nước bị ô nhiễm, có yếu tố gây độc trong môi trường”. Những ngày sau đó, liên tiếp các vùng biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), Quang Phú và Bảo Ninh (TP Đồng Hới), xã Hải Ninh ghi nhận tình trạng cá chết đồng loạt dạt vào bờ biển.

Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ghi nhận các loài cá chết dạt vào bờ đều sống ở tầng đáy, vùng biển gần bờ. Sau khi có kết quả ban đầu, Sở Nông nghiệp Quảng Bình thống nhất ý kiến với cơ quan cùng cấp Hà Tĩnh xác nhận, nguyên nhân gây cá chết là nguồn nước biển ô nhiễm (có yếu tố gây độc) từ khu công nghiệp Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lây lan vào Quảng Bình theo dòng hải lưu Bắc Cực – Xích đạo.

Đến ngày 19/4, tình trạng được ghi nhận ở vùng biển Quảng Trị và tiếp tục lan rộng vào Thừa Thiên – Huế. Ngày 22/4, Đoàn công tác liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã trực tiếp vào làm việc, kiểm tra, lấy mẫu để phân tích nhằm tìm ra nguyên nhân.

Video: Xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung
Nguồn: Zing.vn
Bình luận
vtcnews.vn