• Zalo

Cá chết hàng loạt ở biển miền Trung: 'Nếu là chất độc, thì nó phải cực độc'

Thời sựThứ Năm, 21/04/2016 08:00:00 +07:00Google News

Hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung được chuyên gia nhận định do một loại độc tố cực mạnh. Ở nước ta, hiện tượng này chưa từng xảy ra.

(VTC News) – Hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung được chuyên gia nhận định do một loại độc tố cực mạnh.

Do một loại độc tố cực mạnh


Liên quan đến việc cá chết hàng loạt, bất thường xảy ra liên tiếp ở các tỉnh miền Trung nước ta những ngày qua.

Trả lời PV VTC News, ông Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) nhận định, nguyên nhân nhiều khả năng do ô nhiễm.

Trước đó, sau khi xảy ra sự việc, nhiều ý kiến cho rằng ngoài nguyên nhân cao nhất là ô nhiễm thì có thể do một loài tảo biển độc hại, hay do ảnh hưởng của động đất xảy ra liên tiếp ở Myanmar và Nhật Bản trong hơn 2 tuần qua.

Ông Lựu phân tích, theo như thông tin trên các báo đăng tải, thì trong số những loài cá bị chết có cá mú. Đây là loại cá sống ở vùng san hô, vùng đá, môi trường sinh thái rất sạch.

Khi loài này chết hàng loạt như vậy, thì phải có một dòng ô nhiễm rất nặng hoặc một loại chất kịch độc chảy ra và lan ra dưới đáy biển.
Cá chết từ Hà Tĩnh rồi lan vào đến Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Trần Anh).
Cá chết từ Hà Tĩnh rồi lan vào đến Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: Trần Anh). 

“Được biết cá bắt đầu chết ở Hà Tĩnh lan đến Quảng Bình rồi Quảng Trị; Huế… như vậy đây là một dòng chảy lớn. Và độc tố đi theo dòng chảy nên gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt với số lượng lớn như thế. Và nếu là chất độc, thì nó phải cực độc” – ông Lựu nhận định.

Theo ông Lựu, nguyên nhân cá chết do tảo trong tự nhiên thì có thể loại bỏ. Thực tế, loài tảo đỏ cũng đã từng gây nên cái chết cho loài cá. Tuy nhiên, nguyên nhân do loài tảo thì có thể dễ dàng thấy bằng mắt thường.

Người ta gọi là thủy chiều đỏ, loài tảo này sẽ tụ lại rất nhiều ở một bờ biển, nó gây mất oxy và khiến cá chết. Nhưng hiện tượng này dễ dàng thấy được và không gây chết hàng loạt, trải dài như hiện tượng trong miền Trung.

Còn về nguyên nhân do động đất. Nhiều ý kiến cho rằng có thể các mảng địa chất dịch chuyển, va đập khiến nhiều loại khí trong lòng đất, dưới đáy biển thoát ra ngoài nên gây ra cái chết cho nhiều loài cá.

Ông Lựu phủ nhận luôn nhận định này. Theo ông, với trình độ khoa học kỹ thuật hiện tại, nếu nguyên nhân do động đất thì người ta có thể đo được ngay bằng máy đo dư chấn. Vì thế nguyên nhân này cũng có thể loại bỏ.

“Tôi nghĩ là do ô nhiễm một loài độc tố nào thôi. Có thể là một dòng chất độc rất là mạnh, nặng và chảy theo dòng chảy ven bờ, đi đến đâu gây chết cá đến đấy” – ông Lựu nhắc lại nhận định.

Ông cho biết thêm, trước đó, hiện tượng cá chết hàng loạt ở sông thì thường xuyên gặp do nước ô nhiễm. Còn ở biển thì hiện tượng này hầu như không có. Nếu không nói là rất hiếm xảy ra.
Nhận định cá nhân ông Lựu cho rằng nguyên nhân cá chết do ô nhiễm nước bởi một chất kịch độc.
Nhận định cá nhân ông Lựu cho rằng nguyên nhân cá chết do ô nhiễm nước bởi một chất kịch độc. 

Ông cho biết, tất cả những ý kiến trên đều là nhận định cá nhân. Nguyên nhân cuối cùng và cụ thể phải chờ cơ quan chức năng.

Ngoài ra, ông Lựu còn khuyến cáo người dân rằng cá chết trong trường hợp không rõ nguyên nhân thì tuyệt đối không nên ăn. Vì nhiều khả năng có độc tố. Nếu có độc tố thì độc tố ở đây rất cao mới gây chết hàng loạt. Ngay cả động vật cũng không nên cho ăn. Biện pháp xử lý tốt nhất là diệt khuẩn, đem chôn ở nơi các xa dân cư.

Kiểm tra khu công nghiệp Vũng Áng

Trong một diễn biến liên quan, Tổng cục Môi trường đã có văn bản thành lập đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng làm Trưởng đoàn  kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở khu vực Vũng Áng.

Tiếp đến, ngày 19/4/2016, Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường đã có Kế hoạch về việc khảo sát hiện trạng môi trường ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình để tiến hành khảo sát từ ngày 20/4.

Sau khi xảy ra sự việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp khẩn với các đơn vị chức năng của Bộ để khẩn trương đẩy nhanh tiến độ làm rõ nguyên nhân.
Cá chết được ngư dân Quảng Trị thu gom về. (Ảnh: Đình Thành).
Cá chết được ngư dân Quảng Trị thu gom về. (Ảnh: Đình Thành). 

Ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Tổng cục đã cử đoàn công tác gồm: Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm và Trung tâm Quan trắc môi trường vào phối hợp đến các địa phương phối hợp với Sở TN&MT các tỉnh trên để lấy mẫu nước, khảo sát hiện trường…

Hiện các chuyên gia, cán bộ chuyên ngành quản lý môi trường, biển và hải đảo của Bộ TN&MT đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng này.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng đã giao Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì việc xác định nguyên nhân, đánh giá đúng nguyên nhân và tìm ra giải pháp lâu dài đối với tổ chức và cá nhân để xảy ra sự cố (nếu có) đồng thời cung cấp thông tin về sự việc với các phương tiện thông tin đại chúng.


Đức Thuận

Bình luận
vtcnews.vn