Tối 9/5, trả lời PV VTC News, lãnh đạo huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) xác nhận, trên sông Đáy đoạn chảy dọc theo địa bàn huyện xuất hiện cá, tôm chết trôi dạt vào bờ.
"Theo phản ánh của người dân, đây là hiện tượng bất thường. Mọi năm có thể xảy ra hiện tượng này nhưng không đáng kể, năm nay nhiều hơn", lãnh đạo huyện Nghĩa Hưng thông tin.
Từ sáng 8/5, nhiều người phát hiện các loài cá, tôm trên sông Đáy chết và trôi dạt vào bờ.
Chính quyền địa phương đã thành lập đoàn kiểm tra khảo sát, ghi nhận thực trạng để cùng các cơ quan chức năng lấy mẫu nước, mẫu cá phân tích, làm rõ nguyên nhân. Đồng thời, lãnh đạo huyện Nghĩa Hưng cũng chỉ đạo các xã nếu cá chết dạt vào nhiều gây ô nhiễm môi trường thì có biện pháp thu gom, chôn lấp.
Lãnh đạo UBND thị trấn Quỹ Nhất (huyện Nghĩa Hưng) cho biết, cá chết trên sông Đáy qua địa bàn thị trấn là cá chết từ trước bị trôi dạt theo mảng bèo dạt vào bờ.
Tại Hải Dương, từ 28/3 - 8/4, tại các điểm nuôi cá lồng ở tỉnh này xuất hiện tình trạng cá chết, ước thiệt hại gần 1.000 tấn, chiếm gần 1% sản lượng toàn tỉnh. Số lượng cá chết của khoảng 400 hộ với hơn 4.000 lồng. Trong đó, khoảng 30 hộ có lượng cá chết hơn 30% sản lượng, tập trung ở xã Tiền Tiến, phường Nam Đồng (TP Hải Dương).
Từ 9/4 trở đi, tình trạng cá chết giảm, chỉ còn rải rác. Cơ quan chức năng bước đầu xác định, cá nuôi lồng bị chết không phải do dịch bệnh và cũng không phải do hậu quả của thiên tai mà do thiếu oxy hoà tan trong nước.
Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu oxy hoà tan trong nước là do thời điểm giao mùa năm nay, thời tiết thay đổi bất thường, nhiệt độ tăng đột ngột trùng với thời gian mực nước sông xuống thấp, dòng chảy chậm.
Trong khi đó, đa số các hộ nuôi cá lồng với mật độ cao, phân cá thải ra nhiều, cộng với lượng thức ăn dư thừa không được đẩy đi kịp thời do dòng chảy chậm đã phân hủy tại chỗ. Các yếu tố cộng hưởng khiến oxy hoà tan trong nước thấp.
Bình luận