Một bệnh nhân bị nhiễm khuẩn mô mềm lan toả vùng đầu cổ vừa được cấp cứu trong tình trạng mặt sưng bên trái rồi lan sang phải và sưng phồng xuống cổ chỉ trong 5-10 phút.
TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội gọi đây là "ca cấp cứu kinh hoàng!".
Theo thông tin của BS Hải, nam bệnh nhân 55 tuổi có tiền sử bị bệnh gút, uống rượu thường xuyên. Gần đây bệnh nhân thấy mệt mỏi, đến sáng 6/4, bắt đầu có biểu hiện sưng một bên mặt, thở khó nên tối cùng ngày được đưa vào Bệnh viện Đại học Y cấp cứu.
Các bác sĩ đang tiến hành ca phẫu thuật cho bệnh nhân |
“Tuy nhiên, vừa vào viện, mặt bệnh nhân bất ngờ biến chuyển nhanh chóng. Từ sưng mặt trái lan nhanh sang phải rồi sưng phồng xuống cổ, phình to như quả bóng chỉ trong vòng 5-10 phút”- TS Hải kể lại.
Ngay lập tức, kíp cấp cứu gồm các bác sĩ Cấp cứu, Tai mũi họng, Răng hàm mặt đã quyết định bóp bóng ambu oxy, đặt nội khí quản 1-2 lần không được đã nhanh chóng mở khí quản cấp cứu ngay tại giường cho bệnh nhân để lưu thông đường thở (rạch một đường ngang giữa cổ để bộc lộ khí quản, đặt một ống thở vào).
Bệnh nhân được dùng kháng sinh ngay và đẩy thẳng lên phòng mổ để dẫn lưu áp xe, tránh lan xuống cổ và ngực. Dịch được lấy ra toàn màu đen và nặng mùi.
Bệnh nhân sau đó nằm trong phòng hậu phẫu, thở máy và dùng thuốc vận mạch.
Theo BS Hoàng Bùi Hải, trường hợp hoại thư sinh hơi do viêm mô mềm lan tỏa vùng đầu mặt cổ không quá hiếm, mỗi năm bệnh viện vẫn tiếp nhận khoảng 3-4 trường hợp nhưng đều đặt được nội khí quản còn diễn tiến nhanh như trường hợp này rất hiếm.
“Nhờ có kinh nghiệm từ những ca trước và nhờ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa cấp cứu, tai mũi họng, răng hàm mặt nên bệnh nhân may mắn được cứu sống”- TS Hải cho biết
Theo các bác sĩ, hoại thư sinh hơi là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, thường là Streptococcus hoặc Taphylococcus, xảy ra khi miệng có tổn thương, nhiễm trùng, áp xe. Việc vệ sinh răng miệng kém, để các vết rách trong miệng, nhổ răng cũng có thể là nguyên nhân gây ra hoại thư sinh hơi.
Các triệu chứng dễ thấy của bệnh bao gồm: Khó nuốt, đau phía dưới lưỡi, khó nói, đau cổ, sưng cổ, đau tai, sốt, ớn lạnh...
Được biết, thông thường bệnh có thể chữa khỏi bằng kháng sinh, tuy nhiên có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn đường thở hoặc nhiễm trùng huyết.
Để dự phòng bệnh rất đơn giản bằng việc vệ sinh răng miệng tốt, khám nha khoa định kỳ, điều trị kịp thời các tổn thương, nhiễm trùng răng miệng.
Nguồn: Suckhoedoisong
Bình luận