• Zalo

Buổi thiền trà đặc biệt với tỷ phú Bill Gates trên đỉnh Bàn Cờ

Tin tức 24h quaThứ Sáu, 08/03/2024 11:12:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Buổi thiền trà đặc biệt được nghệ nhân Hoàng Anh Sướng chuẩn bị cho tỷ phú Bill Gate và bạn gái - bà Paula Hurd trên đỉnh núi Bàn Cờ ở Đà Nẵng chiều tối 6/3.

Dưới đây là chia sẻ của nghệ nhân Hoàng Anh Sướng về việc tổ chức buổi thiền trà cho tỷ phú Bill Gates trên đỉnh Bàn Cờ ở bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng vào hoàng hôn ngày 6/3.

Hơn 20 năm làm trà và truyền bá văn hóa trà Việt Nam, tôi đã đi hầu khắp các tỉnh thành và nhiều nước trên thế giới, tổ chức hàng nghìn buổi thiền trà. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi tổ chức buổi thiền trà cho vị khách là tỷ phú Mỹ và cũng là lần đầu tiên, không gian thưởng trà diễn ra trên một đỉnh núi tràn ngập mây bay, gió thổi, ráng chiều hoàng hôn và tiếng sóng biển rì rầm khi gần, khi xa.

Buổi thiền trà được chuẩn bị 2 ngày

17h ngày 6/3/2024, trên đỉnh núi Bàn Cờ ở bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng, tôi rất vui được tổ chức buổi thiền trà cho tỷ phú Bill Gates và bạn gái của ông, bà Paula Hurd.

Trước đó 2 ngày, hai trợ lý của ông Bill Gates đã bay ra Hà Nội, đến tận nhà tôi để trao đổi cụ thể, chi tiết về việc buổi thiền trà sẽ diễn ra thế nào, trong bao lâu; tôi sẽ chia sẻ những điều gì với ông Bill Gates và bà Paula Hurd, sẽ mời họ thưởng thức những sản phẩm trà gì, pha bằng bộ đồ trà nào...

Theo sự chọn lựa của 2 trợ lý, tôi sẽ dùng bộ đồ trà cổ, truyền thống của tầng lớp phong lưu quyền quý thời xưa gồm hỏa lò, cấp siêu đồng, than hoa, ấm pha trà, thuyền trà, chén tống, chén quân, khay trạm khảm.

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng chuẩn bị buổi thiền trà trên đỉnh Bàn Cờ trong chiều 6/3.

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng chuẩn bị buổi thiền trà trên đỉnh Bàn Cờ trong chiều 6/3.

Khung cảnh thiên nhiên trên đỉnh núi Bàn Cờ vốn đã quá đẹp nên tôi và các cộng sự chỉ việc kê một bộ trường kỷ cổ mượn ở một ngôi chùa trên đó, bày các trà cụ và một bình hoa nhỏ là không gian thưởng trà đã trở nên hoàn mỹ. Để góp thêm năng lượng bình an cho buổi thiền trà, chúng tôi mời một sư cô cùng tham dự.

Đúng 17h, đoàn xe chở 2 vị khách quý đỗ ở chân núi. Ông Bill Gates và bà Paula Hurd cùng một thành viên ban tổ chức bước xuống xe, bước từng bước chậm rãi lên núi. Tôi và sư cô đứng chắp tay búp sen, đón chào ông bà bằng nụ cười rạng rỡ. Ông bà cũng đáp lại bằng nụ cười thân thiện.

Sau khi gửi lời chào và lời chúc sức khỏe, bình an, hạnh phúc, tôi mời ông bà ngồi thiền cùng tôi. Tiếng chiếc chuông nhỏ trên tay tôi ngân lên giữa không gian thanh tịnh như tiếng gọi của Đức Phật, gọi tâm của chúng tôi trở về với thân trong giây phút hiện tại.

Tôi hướng dẫn thiền cho ông bà. Bắt đầu bằng việc quan sát hơi thở, buông thư những cơ bắp trên mặt, trên vai, trên lưng, buông thư những căng thẳng, lo âu trong tâm, rồi mỉm cười với hình hài của mình, mỉm cười với sự sống của mình... Chừng vài phút sau, tất cả trở nên tĩnh lặng. Thời gian, không gian như ngưng đọng. Tôi nghe rõ âm thanh phát ra từ đôi cánh của một chú ong bay gần đó.

Ngồi thiền chừng 10 phút, chúng tôi tạm dừng lại. Bà Paula Hurd thốt lên: “Tôi thấy bình an quá”. Khuôn mặt bà thật tươi mát.

Bill Gates hỏi tôi: “Tôi đã từng sang Thái Lan và uống trà ở đó. Vậy trà Thái Lan xuất hiện sớm hơn ở Việt Nam hay muộn hơn?”. Tôi cười bảo: “Cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Srilanka, Việt Nam là một trong những cái nôi trà cổ nhất của thế giới. Hiện nay, Việt Nam chúng tôi sở hữu rất nhiều cánh rừng trà cổ thụ bạt ngàn trên núi cao ở tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái…

Riêng ở Suối Giàng có một cánh rừng trà cổ thụ khoảng 40.000 cây, trong đó có 3 cây chiều cao 8m, đường kính 3 người ôm không xuể. Tuổi đời của những cây trà này khoảng 500-600 năm. Đây là niềm tự hào rất lớn của người dân đất Việt về trà, bởi những cây chè cổ thụ như vậy trên thế giới hiện có thể đếm hết trên mấy đầu ngón tay. Đây là một minh chứng sinh động nhất cho thấy Việt Nam chúng tôi là cái nôi trà cổ của thế giới”.

Tôi mở iPad, cho họ xem những bức ảnh mình chụp về những cây trà cổ thụ ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), Tủa Chùa (Lai Châu), Suối Giàng (Yên Bái). Những cây trà to đến 2 người ôm, cao đến 5-6 m. Hai người rất ngạc nhiên.

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng: "Đây là lần đầu tiên tôi tổ chức buổi thiền trà cho vị khách là tỷ phú Mỹ".

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng: "Đây là lần đầu tiên tôi tổ chức buổi thiền trà cho vị khách là tỷ phú Mỹ".

Tỷ phú Mỹ thưởng trà Việt 

"Một trong những nghi thức bất thành văn của người Việt Nam là khi khách đến chơi nhà, đầu tiên phải pha trà mời khách. Và theo đúng nghi thức đó, tôi xin mời ông bà thưởng thức chén trà sen, loại trà quý nhất của người Việt Nam. Mời ông bà hãy uống trà theo cách mà hằng ngày ông bà vẫn thưởng thức. Và lát nữa, sau khi xem tôi trình bày, biểu diễn về nghệ thuật pha trà và thưởng trà của người Việt Nam, ông bà sẽ có sự đối chiếu, so sánh rất thú vị về những tương đồng và khác biệt giữa nghệ thuật thưởng trà Việt Nam với nghệ thuật thưởng trà của nước Mỹ", tôi giới thiệu với hai vị khách đặc biệt.

Chén trà đầu tiên tôi dâng mời, Bill Gates và Paula Hurd uống cạn rất nhanh. Tôi hỏi: “Trà có quá đậm với ông bà quá?”. Bà Paula cười, đáp: “Không. Tôi thấy rất ngon”. Câu trả lời khiến tôi hơi ngạc nhiên, vì hầu hết người phương Tây quen uống trà đen, vị nhạt nên khi uống trà Tân Cương (tôi thường ướp hoa sen với trà Tân Cương), họ thường kêu chát.

Như đọc được suy nghĩ của tôi, bà Paula Hurd giải thích: “Vì ở nhà tôi cũng hay uống trà xanh mà”.

Vừa thưởng trà, tôi vừa chia sẻ về nghệ thuật ướp trà sen cầu kỳ, tinh tế, công phu của người Hà Nội. Muốn có một cân trà sen thơm ngon phải ướp từ 5-7 lần, mỗi lần dùng khoảng 200 bông sen Hồ Tây, tổng cộng cần đến 1.000 - 1.400 bông. Điều này khiến họ ồ lên ngạc nhiên.

Bà Paula Hurd bảo: “Bây giờ tôi mới hiểu vì sao trà sen lại quý như vậy, và vì sao loại trà này ngày xưa ở Việt Nam lại chỉ dành cho các bậc vua chúa”. Quay sang Bill Gates, bà đùa: “Em với anh bây giờ trở thành ông hoàng, bà chúa rồi đấy”. Cả hai cười rất tươi.

Tôi chuyển sang phần quan trọng nhất của buổi thiền trà. Đó là cách pha và thưởng trà của tầng lớp phong lưu quyền quý thời xưa. Tôi giới thiệu về các dụng cụ pha trà, hướng dẫn cách chọn ấm, chọn chén, cách chọn nước, cách pha, cách rót, cách mời, cách thưởng thức… Lần này, tôi pha mời họ loại trà shan tuyết cổ thụ của Hà Giang.

 “Nâng chén trà ngang tầm mắt, chậm rãi đưa chén trà từ bên phải sang bên trái rồi từ bên trái sang bên phải, mắt nhìn theo. Mục đích để làm gì? Để ngắm nhìn vẻ đẹp của chén trà, nhất là khi ở nhà ông bà có những chén trà quý. Sau đó, chậm rãi đưa chén trà lên mũi, hít những hơi thật sâu để cảm nhận hương thơm của trà, cuối cùng mới đưa lên môi nhấp ngụm trà đầu tiên.

Ngụm trà đầu tiên, chúng ta ngậm trong miệng khoảng 5-6 giây, sau đó mím môi và nuốt khẽ khàng ngụm trà này. Nếu chúng ta ngậm ngụm trà khoảng 5-6 giây thì hương thơm của trà sẽ xông lên não bộ và chúng ta sẽ cảm nhận rất rõ hương thơm của nó. Còn than ôi, nếu ực 100% thì chúng ta sẽ không kịp cảm nhận bất cứ điều gì. Kiểu uống trà ực 100% ấy, người Việt Nam gọi là 'ngưu ẩm', tức là kiểu uống của trâu. Thưởng trà là một thú tao nhã nên phải nhấp từng ngụm nhỏ nhẹ: 'Thập nhị lan can nhất trản trà' - đi hết 12 bậc cầu thang mới uống hết một chén trà”.

Tôi nói đến đây, Bill Gates nhìn bạn gái cười nói: “Hóa ra, từ trước đến nay, chúng ta toàn uống trà theo kiểu ngưu ẩm à?”. Cả hai cùng cười. Tôi cũng cười theo.

Phần cuối buổi thiền trà, tôi dành nhiều tâm huyết để nói về tính thiền và đạo trong trà, về việc vì sao trong tất cả các thức uống của cõi nhân sinh, chỉ có thiền trà mà không có thiền bia, thiền rượu, thiền cà phê? Tại sao chỉ có mỗi trà được nâng lên thành đạo mà không có bia đạo, rượu đạo, cà phê đạo?

Uống trà chính là một cách để kết nối. Uống trà một mình (độc ẩm) là cách để trở về với chính mình, để hiểu mình là ai. Khi hiểu mình là ai, ta sẽ nhận ra một điều: Trong mình có rất nhiều hạt giống tốt nhưng cũng có những hạt giống xấu, có nhiều phẩm chất hay nhưng cũng có những điều dở. Nhìn sâu vào bên trong nữa, ta còn thấy những điều hay, dở, tốt, xấu ấy không phải tự nhiên có mà nhiều khi được (hoặc bị) kế thừa từ ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Đó là một sự thật chúng ta phải chấp nhận. Và khi chấp nhận sự thật ấy có nghĩa là chúng ta cũng chấp nhận những điều hay, điều dở ở người thân của mình. 

Trà, với người Việt Nam, không đơn thuần là thức uống mà còn là phương thức để tu tâm dưỡng tính. Không có thức uống nào dạy dỗ con người nhiều như trà. Trà dạy cho chúng ta sự sạch sẽ, ngăn nắp. Trà dạy cho chúng ta lòng kiên nhẫn. Trà dạy cho chúng ta sự khiêm nhường. Trà giúp ta tĩnh tâm để hiểu mình, nhờ đó mà sửa mình, để hoàn thiện mình. Người Việt xưa nói “Uống trà để tẩy bụi trần, rửa lòng tục”, “Uống trà là phương thức để tu tâm dưỡng tính” là vì thế.

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng chụp ảnh cùng tỷ phú Bill Gates, bà Paula Hurd và sư cô.

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng chụp ảnh cùng tỷ phú Bill Gates, bà Paula Hurd và sư cô.

Tôi say sưa nói. Ông Bill Gates và bà Paula Hurd chăm chú nghe. Tôi liếc nhìn đồng hồ: 18h20. Đã quá giờ buổi thiền trà mà ông bà đặt trước 20 phút, tôi xin phép kết thúc, cười nói với hai vị khách: “Để chia sẻ thấu đáo về vẻ đẹp của trà Việt Nam thì ít nhất cũng phải mất 3-4 tiếng. Nhưng vì hiểu thời gian với ông bà rất quý giá nên trong hơn một tiếng đồng hồ, tôi cũng đã kịp lẩy những gì tinh túy nhất của trà đạo Việt để dâng tặng ông bà”. Họ cười đáp lại và bày tỏ lòng cảm ơn.

Hoàng hôn đã tắt tự bao giờ. Nhìn xuống biển, biển tím ngắt. Thành phố đã lên đèn. Hàng vạn ánh đèn lấp lánh như một dải ngân hà. Bà Paula Hurd thốt lên: “Đẹp quá!”.

Chúng tôi chụp với nhau mấy tấm ảnh kỷ niệm. Khuôn mặt ai trông cũng đầy bình an và hạnh phúc. Trước khi chia tay, tôi nói lời cảm ơn và mong hội ngộ ông bà lần nữa tại Việt Nam.

19h30, tôi xuống núi, lên xe, trở về khách sạn. Trên đường đi, tôi cứ thao thiết nghĩ, Bill Gates là một tỷ phú, bận trăm công nghìn việc như thế, lại chỉ ở Việt Nam có ít ngày nhưng thay vì tiệc tùng lại tha thiết muốn nghe, muốn tìm hiểu về văn hóa trà Việt. Thật đáng trân trọng biết bao.

Tỷ phú Bill Gates và bạn gái đến Đà Nẵng trên máy bay cá nhân từ ngày 4/3, lưu trú tại khu resort 5 sao ở quận Sơn Trà. Trong những ngày lưu lại Đà Nẵng, họ dành thời gian ngắm cảnh, thưởng trà trên đỉnh Bàn Cờ, bán đảo Sơn Trà với nghệ nhân Hoàng Anh Sướng. Tối 7/3, vị tỷ phú kết thúc chuyến du lịch tại Đà Nẵng.

Đây là lần thứ hai Bill Gates đến Việt Nam. Năm 2006, ông từng tới Việt Nam một ngày, gặp gỡ các đại diện giới công nghệ. Khi đó, ông dành một buổi ghé thăm huyện Từ Sơn, Bắc Ninh và thử ăn trầu, nghe quan họ.

Hoàng Anh Sướng
Bình luận
vtcnews.vn