Tôi đã từng được chào cờ Tổ quốc ở Cánh đồng Chum từ những năm xửa năm xưa; được chào cờ ở trên cột cờ Lũng Cú - khi cột cờ còn là cây gỗ đường kính tới gần một mét, vào những năm đầu thập kỷ 80; được chào cờ ở trên mốc số 0 ở vùng ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào; được chào cờ ở ngoài Trường Sa...
Và gần đây nhất, tôi lại được chào cờ ở Dự án Biển Đông 01, hay còn được gọi là Cụm mỏ khai thác khí Hải Thạch - Mộc Tinh.
Cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh nằm cách xa đất liền nhất so với tất cả các giàn khoan khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Khó có thể nói chính xác được là từ đất liền ra mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh là bao nhiêu cây số, chỉ biết rằng máy bay trực thăng bay với tốc độ 220km/h phải hết 1h45 phút từ Vũng Tàu mới ra đến nơi.
Lịch sử xây dựng và phát triển mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh đáng được đưa vào sử sách, và được coi là một “ kỳ tích” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Bởi lẽ, cấu tạo địa chất của mỏ là vào loại phức tạp nhất trên thế giới.
Phức tạp và nguy hiểm đến mức hãng dầu khí BP của Anh sau khi bỏ ra gần 9 năm thăm dò, nghiên cứu và tốn hơn 500 triệu USD đã phải “chào tạm biệt” và tặng lại cho PVN toàn bộ hồ sơ nghiên cứu.
Và PVN đã lao vào làm và đã thành công. Lần đầu tiên, người Việt Nam đã tự thiết kế mỏ, thiết kế giàn khai thác, giàn xử lý khí, chế tạo toàn bộ thiết bị ở trong nước và người Việt điều hành toàn bộ. Mặc dù hiện nay đã liên doanh với Tập đoàn Gazprom của Nga, nhưng phía Nga cũng chẳng cần cử một người nào tới… Họ tin tưởng vào phía PVN tuyệt đối.
Bây giờ, mỗi ngày, Hải Thạch - Mộc Tinh cung cấp vào bờ khoảng gần 7 triệu mét khối khí đốt và khoảng gần 10 ngàn thùng Condensate… Có người bảo rằng, mỗi ngày, mỏ này nộp vào ngân sách Nhà nước 1 triệu USD.
Buổi chào cờ được tổ chức vào sáng thứ 2, đầu tháng. Mà chào cờ ở đây có 2 lá cờ: Cờ của Việt Nam và cờ của Liên bang Nga, nhưng khi hát quốc ca thì chỉ có quốc ca Việt Nam. Khi chào cờ, có một điều thú vị nữa là các tàu dịch vụ đang phục vụ ở khu vực mỏ cũng đều về và quay mũi tàu về phía lá cờ ở độ cao gần 40m so với mặt biển.
6h30 sáng, trừ những người đang trực ở những bộ phận không thể rời vị trí, còn tất cả đều có mặt ở trên sân đỗ máy bay trực thăng. Buổi chào cờ lần này do TS Ngô Hữu Hải - Tổng giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BienDong POC) chỉ huy.
Gió biển thổi ù ù, lá cờ bay thẳng căng như thể có ai kéo ra và ngót 60 cán bộ công nhân viên, người lao động trên giàn Hải Thạch và giàn Xử lý khí trung tâm cùng với khoảng 10 thủy thủ của con tàu dịch vụ Hải An đứng nghiêm trang trong lễ chào cờ.
Các thủy thủ trên tàu dịch vụ đều mặc đồ trắng - bộ lễ phục của thủy thủ, còn anh em trên giàn mặc quần áo bảo hộ lao động màu đỏ. Sau tiếng hô khẩu lệnh dứt khoát, là tiếng hát quốc ca vang lên từ những lồng ngực khỏe khoắn át cả tiếng gió biển.
Có lẽ buổi chào cờ này cũng là độc nhất vô nhị ở trên các giàn khoan và đây cũng là một nét văn hóa đã có từ rất lâu của Biển Đông 01.
Sau này tôi mới biết, sở dĩ có những buổi chào cờ như thế này là vì Biển Đông 01 nằm ở xa đất liền nhất, là nơi khó khăn nhất và đây cũng là một địa điểm cực kỳ nhạy cảm mà mỗi một người công nhân ở trên giàn này được coi là một người lính giữ biển.
Mà đã là người lính, thì chào cờ là điều thiêng liêng!
Video: Chứng kiến cảnh đưa phóng xạ vào mũi khoan dầu trên biển
Bình luận