Hai tuần qua, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp nhận 5 bệnh nhân có biểu hiện đau họng, ho khan, sốt nhẹ, họng có giả mạc...
Kết quả xét nghiệm của Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xác định, có 2 bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu, gồm 1 bệnh nhân nữ (26 tuổi, ở huyện Tu Mơ Rông) và 1 bệnh nhân nam (14 tuổi, ở huyện Đăk Tô).
Sau vài ngày điều trị, bệnh nhân nam đột ngột qua đời do biến chứng. Như vậy cùng với bệnh nhân ở huyện Đăk Hà qua đời trước đó, thời gian ngắn vừa qua ngành y tế tỉnh Kon Tum ghi nhận có 2 trường hợp chết vì bệnh bạch hầu.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Kon Tum, đa số những trường hợp mắc bệnh bạch hầu thuộc lứa sinh năm 1992 về trước. Thời điểm này, điều kiện còn khó khăn, còn nhiều xã trắng về công tác tiêm chủng. Những đối tượng này không được tiêm chủng nên họ mắc bệnh bạch hầu.
Hiện tại, cùng với bệnh nhân được xác định dương tính với vi khuẩn bạch hầu, còn 3 bệnh nhân khác đang chờ kết quả xét nghiệm từ Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Tất cả các trường hợp đều được cách ly điều trị.
Bác sĩ Ngô Đây, Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết, bệnh bạch hầu có nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là biến chứng viêm cơ tim do độc tố và biến chứng viêm đa dây thần kinh. Khi bệnh nhân bị biến chứng nguy cơ tử vong rất cao. Trong khi đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum hiện đang thiếu thuốc kháng độc tố bạch hầu để điều trị cho bệnh nhân.
"Bệnh viện Kon Tum hiện không có thuốc điều trị bạch hầu nên rất khó khăn trong điều trị, bởi thuốc SAD- thuốc kháng độc tố không có thuốc nào có thể thay thế được. Chúng tôi chỉ điều trị bằng kháng sinh, dịch truyền, nâng cao thể trạng cho người bệnh điều trị các biến chứng nếu có”- bác sĩ Ngô Đây cho biết.
Trước tình trạng bệnh bạch hầu bùng phát trở lại và có diễn biến phức tạp, ngành y tế tỉnh Kon Tum khẩn cấp triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh lây lan, đồng thời cũng đã liên hệ với Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh Dược và Trang thiết bị y tế Việt Mỹ để có thuốc kháng độc tố bạch hầu điều trị cho bệnh nhân.
Tuy nhiên nhanh nhất cũng phải 2 tuần thì Bệnh viện Đa khoa địa phương mới có thể tiếp nhận được nguồn thuốc kháng độc tố bạch hầu./.
Bình luận