(VTC News) Ngay trong thời gian dư luận về vụ nữ sinh “tra tấn” bạn trở nên căng thẳng nhất, bức thư kêu cứu do một nữ sinh Hà Nội gửi về đã làm bùng nổ những vấn đề vốn âm ỉ lâu nay với sức nóng bất ngờ. Không chỉ là một vụ đánh nhau, đó là vấn đề của cả một thế hệ! Thậm chí, một vài độc giả đã đặt dấu hỏi không biết lá thư này có phải do các nhà báo… tự viết ra để đánh động dư luận hay không?! Nhưng đa phần độc giả đều thừa nhận: bài viết đã thực sự đặt ra những dấu hỏi cần lời đáp cho tất cả chúng ta.
Lưu Tâm, [email protected]: Dù biết là vô ích...
Dù biết những chia sẻ của mình rồi cũng chỉ như hạt muối bỏ bể, nhưng dù sao vẫn hy vọng sẽ đến được tay những người thầy người cô.
Bản thân tôi đã rời trường cấp 3 gần 10 năm, tôi học trong ngôi trường chuyên lớn nhất Hà Nội. Và ngay từ khi còn đi học tôi đã tự hỏi, ĐIỀU GÌ LÀ QUAN TRỌNG NHẤT Ở 1 GIÁO VIÊN. Không biết có phải tại môi trường mình học không, nhưng tôi luôn cảm giác, thế hệ giáo viên bây giờ rất thiếu nhiều 1 chữ TÂM. Cá nhân tôi, đến tận bây giờ vẫn quan niệm rằng, có lẽ quan trọng nhất ở 1 giáo viên là TÌNH THƯƠNG ĐỐI VỚI HỌC TRÒ.
Lật trở lại vấn đề bạn trẻ 9x kia đề cập, nếu nhà trường không làm tốt trách nhiệm giáo dục của mình, thì có lẽ trước hết bởi đội ngũ Giáo dục hiện tại, mấy ai còn tâm huyết với nghề, mấy ai còn thương yêu học trò, mấy ai còn có thể nhìn học trò với con mắt nhân ái... Hay đa số những gì học sinh nhận được là "anh/ chị về mời phụ huynh lên gặp tôi".
Có lẽ những câu chuyện người thầy dùng tình cảm, dùng trái tim để cảm hóa học sinh chỉ còn trong truyện cổ tích...
Hồng Hải, [email protected]: Quá đúng
Đó là sự vô trách nhiệm của người lớn... Quá đúng!
Phạm Mạnh Hà, [email protected]: Con hư tại ai?
Tôi chia sẻ với em gái học sinh HN với những điều em đã tâm sự. Em nói đúng, chúng ta thường đổ lỗi cho người khác mà đôi khi không nhìn thấy cái lỗi lớn của chính mình.
Trẻ em hư, do ai? Đúng là hành vi hư hỏng là của các em, nhưng ai đã làm cho hành vi đó được bộc phát? phải chăng cha mẹ sinh con, trời sinh tính? Cũng không phải.
Bây giờ, thời đại của kim tiền, người lớn chúng ta đã quen dùng tiền để giải quyết các mối quan hệ xã hội. Chúng ta quen dùng tiền để thay sự thương yêu với con cái, chúng ta dùng tiền để có những cơ hội tốt với mình. Chúng ta dùng tiền để quên rằng chúng ta vô trách nhiệm. Người lớn làm sai, tại sao cứ bắt học sinh phải ngoan ngoãn và đúng chuẩn. Chuẩn ở đâu? Ở trong gia đình, các em nhìn thấy bố mẹ cãi nhau, các em nhìn thấy cách ứng xử của bố mẹ với ông bà, người thân, với đồng nghiệp, với lãnh đạo. Ra ngoài đường, các em nhìn thấy con người ứng xử với con người bằng những lời tục tữu, bằng nắm đấu, bằng sự sỉ nhục. Ở nhà trường, các em thấy thầy cô yêu quý những bạn mà bố mẹ quà cáp nhiều... Vậy các em phải làm gì? Phải ngoan như bố mẹ, thầy cô mong muốn. Không bao giờ.
Chúng ta nên nhớ, người lớn là tấm gương của con trẻ. Vậy tấm gương mờ sao bắt trẻ phải sáng. Vậy, làm thế nào cho lớp trẻ hiện nay. Tôi thiết nghĩ hãy bắt đầu từ người lớn. Chúng ta hãy sống thật tử tế, và trời sẽ cho ta đứa con ngoan.
Hà_2206, [email protected]:
Theo tôi, sự nhìn nhận của bạn gái đó quả là rất đúng đắn. Mọi người thường đổ lỗi cho con trẻ mà không tìm hiểu rõ nguyên nhân. Các bậc phụ huynh chỉ luôn lo làm sao để đáp ứng đủ vật chất mà không quan tâm đến tâm tư, tình cảm, mong muốn của các em ra sao; Các thầy cô giáo luôn đòi hỏi học sinh mình phải thế này, thế kia, trong khi mình lại không trau dồi lại mình, không lấy mình làm tấm gương cho học sinh. Các nhà giáo dục thường áp đặt những cách không phù hợp, thậm chí là phản khoa học. Theo tôi, chúng ta cần nhìn nhận đúng đắn và đưa ra những biện pháp khoa học.
Mr Quang, [email protected]: Người chung một quan điểm
Tuổi trẻ là sự lặp lại những gì mà người lớn để lại. Không thể bảo một đứa trẻ làm được những việc tốt khi mà chính bố mẹ chúng lại hàng ngày luôn làm những chuyện luôn sai?
Jack Mai, [email protected]: Hay lắm
Em à, bây giờ người lớn thường đối xử với con trẻ bằng cái "quyền" của người lớn, mọi nơi, mọi lúc và luôn cho rằng như thế là tốt. Anh đã tự rút ra được nhiều kinh nghiệm, không phải để "cứu" xã hội, mà chỉ là để cứu gia đình riêng của anh sau này. Em cũng phải thế em ạ, với một xã hội như bây giờ.
Phạm Lê Trang, [email protected]: Cùng chung quan điểm
Mình đã đọc bài viết của bạn gái trên, cũng đã từng xem những clip kinh hoàng kia, nhưng mình nghĩ các bạn ấy cùng không hoàn toàn xấu... Có lẽ do các bạn sống trong môi trường sống không tốt, không được sự chia sẻ, lo lắng về mặt tinh thần từ phía gia đình, thầy cô, bạn bè...
Từ đó càng nói lên vấn đề bất cập hiện nay về sự giáo dục con cái từ phía gia đình, phương pháp giảng dạy đạo đức ở các trường... Thật sự các bạn cần được sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần của gia đình và toàn xã hội.
Hồ Anh Dũng, [email protected]: Nói lên sự thật
Bài viết quá hay và rất đúng. Xã hội hiện tại không ít hiện tượng như vậy nhà trường hiện tại là như vậy, rất nhiều người vô trách nhiệm và coi trọng đồng tiền.
Hà Văn Dũng, [email protected]: Điều không thể nhận ra!
Tôi thấy bài viết này tuy có đúng đắn, nhưng bạn cũng nên nghĩ lại vì chúng ta là một thế hệ 9x. Một thế hệ năng động, chúng ta có rất nhiều ước mơ. Bạn gái hành hung trong clip đó chỉ là trường hợp rất ít.
Tôi không biết lý do vì sao bạn ấy lại làm như vậy nhưng tôi tin chính bản thân bạn ấy cũng không muốn làm việc đó. Tôi tin thế hệ 9x chúng ta sẽ không còn xảy ra những việc như vậy. Và hình thức đuổi học của nhà trường là một hình thức quá khắt khe đối với học sinh bây giờ.
Phan Minh Sơn, [email protected]: Nghiêm khắc và bao dung
Sự sai trái phải được xử lý đúng mức, nhưng đuổi học là biện pháp tồi tệ nhất. Nhà trường, gia đình và cơ quan luật pháp phải có 1 giải pháp tốt nhất, chứ đừng đẩy những đứa trẻ có hành động sai trái về phía xã hội. Về lâu dài sẽ tồi tệ hơn!
Juni, [email protected]: Vơ đũa cả nắm
Nếu chỉ vì 1 vài clip như thế này mà chê trách cả 1 thế hệ thì có gọi là "vơ đũa cả nắm" không? Mình là 8x, nên mình biết 8x cũng chẳng phải hiền hơn, biết bao nhiêu sự việc tương tự đã xảy ra, nhưng chắc vì không được quay lại nên 8x được xem là tốt hơn 9x.
Minh Đức, [email protected]: Suy nghĩ về bài viết "Lời kêu cứu của một nữ sinh trung học"
Về nội dung bức thư thì tôi nghĩ cũng phản ánh rất đúng thực trạng xã hội hiện nay. Đúng là giới trẻ hiện nay không được gia đình và xã hội quan tâm đúng cách. Mà cụ thể ở đây chính là sự quan tâm của cha mẹ. Người ta vẫn thường nói: "Gia đình là tế bào của xã hội". Một gia đình đầm ấm trong đó con cái được quan tâm dạy dỗ đúng mực chính là nền tảng của một xã hội tốt đẹp. Nghĩa là những bậc làm cha mẹ phải biết quan tâm dạy dỗ con cái. Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Ở đây tôi cũng đặt một câu hỏi ngược lại là: cha mẹ đã biết cách dạy dỗ con cái mình chưa. Tất cả những điều gì muốn làm tốt đều phải học cả, vậy phải chăng CHA MẸ NÊN PHẢI HỌC CÁCH NUÔI DẠY CON TRƯỚC KHI DẠY CON CÁI CHỨ...?
Đoàn Bộ, [email protected]: Rất cần phải suy nghĩ lại
Bài viết này quá hay. Tôi không tin đây là suy nghĩ của một nữ sinh cấp 3. Nhưng dù của ai đi nữa thì người lớn và những người làm giáo dục, quản lý giáo dục phải nhìn nhận thật nghiêm túc vấn đề này. Đuổi học - một hình thức vô tránh nhiệm nhất.
Lê Quân, [email protected]: Những lời nói của em hết sức chân thành và đáng được nghe
Rất cảm ơn em gái 9x và báo VTC đã có một tiếng nói đúng đắn trong thời điểm hiện tại. Rõ ràng việc phát hiện và xử lý một trường hợp riêng lẻ như clip trên chỉ là bề nổi của sự việc. Các báo gần đây đã quá sa đà vào việc truy tìm, đổ lỗi và tạo dư luận căng thẳng theo kiểu giật gân. Điều đó không hề sai nhưng hỏi rằng liệu có tốt cho các em?!
Xã hội và những người làm giáo dục cần có cái nhìn xác đáng hơn về thế hệ 9x. Mọi sự việc đều tuân theo quy luật nhân quả. Trước khi chúng ta muốn "nhận" được từ các em điều gì xin hãy xem lại chúng ta đã "cho" những gì.
Qua những sự việc này chúng ta rút ra bài học chua chát, nhưng ngay từ lúc này đây xin hãy nghĩ chúng ta phải làm gì để trong tương lai những vụ việc như thế này sẽ không trở thành phổ biến trong thế hệ các em. Không bao giờ là quá muộn cho một nỗ lực đúng hướng.
Còn bạn? Bạn nghĩ ai, gia đình, nhà trường, xã hội hay bản thân 9x phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho những điều đang xảy ra? Hãy đóng góp ý kiến của bạn, vì một thế hệ trẻ Việt Nam!
Bình luận