(VTC News) - Sau khi tăng gấp hai, gấp ba lần ngày bình thường, giá một bát bún, phở đã gần trở lại “mặt đất” trong ngày mùng 7 Tết.
Về "mặt đất"
Dường như đã quá quen với các kiểu “chặt chém” ngày Tết nên người dân Hà Nội không còn ngỡ ngàng gì khi phải rút ví gấp hai, ba, thậm chí là bốn lần cho một bát bún, miến, phở. Trong những ngày “chính” Tết, giá cả mặt hàng này bị đội lên rất nhiều.
Giá một bát bún ốc dao động từ 45.000 đồng tới 60.000 đồng. Giá cả tăng dần nếu thực khách đi từ ngoại thành vào nội thành. “Đỉnh điểm” của sự đắt đỏ nằm ở các con phố cổ và Phủ Tây Hồ.
Chị Nguyễn Lê Thanh (Yên Hòa - Hà Nội) cho biết năm nào chị và chồng cũng đi dạo quanh Hà Nội và đón giao thừa ở Phủ Tây Hồ. Sau khi đón giao thừa, thắp hương cầu nguyện cho một năm mới tốt lành, lúc nào anh chị cũng ghé vào những hàng ăn ven đường.
Chị cho biết dù các quán ăn phục vụ rất nhiều món nhưng trong dịp đầu năm bún ốc, bún riêu lại là những món đắt hàng nhất. Có lẽ chính vì vậy, giá một bát bún ở đây chẳng bao giờ dưới 50.000 đồng. Nếu thực khách có thêm chút đòi hỏi, giá sẽ được đội lên 100.000 đồng.
Đắt đỏ là vậy nhưng chị Thanh cho biết, hầu như quán ăn nào cũng đông nườm nượp vì ai cũng có tâm lý cả năm chắt bóp, cuối năm vung tay một chút cũng không sao.Sau mấy ngày "leo thang", giá bún, miến phở đã trở về "mặt đất" (Ảnh minh họa)
Tương tự như vậy, giá bún, miến, phở ở các con phố từ lớn tới nhỏ cũng thi nhau đội giá. Tuy nhiên, năm nay, khoảng thời gian đội giá của mặt hàng này không kéo dài lâu.
Chị Nguyệt, một người bán bún, miến trên đường Minh Khai cho biết: “Tôi chỉ bán được giá cao trong 3 ngày Tết. Tới mồng 4, mọi thứ lại trở về bình thường. Một bát bún ốc nhỏ giá 20.000 đồng, bát bún ốc to là 25.000 đồng”.
Chị Nguyệt giải thích đó là do càng những năm gần đây, đội ngũ tham gia bát bún, miến, phở ngày Tết ngày càng đông. Khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn.
“Thậm chí có người quanh năm chỉ bán cháo trai cũng tham gia bán bún vào Tết. Mà lại hăng hái bán ngay từ mồng 1. Bây giờ người bán không còn lèo tèo như trước đây nên không thể giữ giá cao lâu được” - Chị Nguyệt than thở.
Chính vì nhiều người bán nên mức độ cạnh tranh cũng cao hơn. Để hút khách của những hàng bên cạnh, chị Nguyệt đã treo tấm biển “Bún chỉ 20.000 đồng”.
Không chỉ chị Nguyệt, rất nhiều “tiểu thương” khác cũng dùng cách này như ngầm nói với những người vừa bị “chặt chém” trong dịp Tết rằng thời “bão giá” qua rồi. Dọc trên tuyến đường Bạch Mai, Thái Thịnh,… rất nhiều tấm biển như vậy mọc lên nhanh chóng.
Sớm hạ giá nhưng vẫn lãi khủng
Mặc dù ca thán về việc phải sớm hạ giá nhưng khi được hỏi liệu năm sau có tiếp tục bán bún ngày Tết hay không, chị Nguyệt mỉm cười: “Đã là nghề của mình thì phải theo chứ. Dù gì, dịp Tết vẫn dễ kiếm tiền hơn ngày bình thường”.
Chị Nguyệt cho biết dù bán hàng ở vị trí không đắc lợi như ở trên các phố lớn nhưng gánh hàng nhỏ cũng mang lại cho chị rất nhiều lộc ngày Tết. Trong 2 ngày mồng 1 và mồng 2, lượng khách ghé qua quán chị không tới mức quá đông nhưng mức giá cao gỡ gạc cho chị rất nhiều.
Chị tiết lộ, trung bình mỗi ngày Tết, chị kiếm được gần 2 triệu mỗi ngày, cả đợt Tết chắc chị đút túi được gần chục triệu.
“Đấy là quán của chị bé xíu. Chứ với những quán nổi tiếng trên phố cổ, trên phố Hòa Mã, chắc chắn, lợi nhuận của chị không thấm vào đâu” - Chị Nguyệt bình luận thêm.
Chị Nguyệt cho rằng đó cũng là phần thưởng xứng đáng vì trong khi cả nước đang nghỉ ngơi, chúc tụng họ hàng thì cả gia đình chị phải thức khuya, dậy sớm, hì hụi làm việc. Nói chung là chị không hề có Tết. Nhưng chị vẫn sẵn sàng đánh đổi vì theo chị “làm gì ra được cả chục triệu trong vòng có mấy ngày”.
Chị Nguyệt cũng chia sẻ thêm, lẽ ra lợi nhuận năm nay có thể cao hơn một chút nhưng tại thời điểm cuối năm, giá ốc tự dưng tăng mạnh, giá ốc con tăng tới gần 20.000 đồng/kg, giá ốc to tăng tới 65.000 đồng/kg. Chính vì giá tăng nên trước Tết chị đã dự tính sẽ “niêm yết” một bát giá 55.000 đồng. Tuy nhiên, do cạnh tranh nên chị chỉ dám bán với giá 45.000 đồng/bát giống các “đồng nghiệp”.
Thanh Hà
Bình luận