Bụi mịn - 'kẻ thù' giấu mặt tấn công sức khỏe mỗi ngày

Chuyện bốn phươngThứ Tư, 16/11/2022 11:50:12 +07:00
(VTC News) -

Việc tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm không khí mỗi ngày khiến cơ thể hấp thụ lượng lớn bụi mịn - tác nhân gây hại sức khỏe nghiêm trọng mà không nhiều người biết.

Nhằm giải đáp những câu hỏi và tiếp nhận những ý kiến đóng góp của người dân địa phương về các nội dung, hoạt động bảo vệ môi trường, mới đây, Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm (Đài Tiếng nói Việt Nam) mở Hộp thư “Giảm thiểu ô nhiễm - Bảo vệ môi trường và hành động của bạn”.

Tại hòm thư số 1 với chủ đề “Ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe từ bụi mịn”, nhiều thính giả đã bày tỏ sự quan tâm đến chủ đề này và liên tục đặt câu hỏi gửi về cho hòm thư để được giải đáp. 

Được biết, bụi mịn đang là vấn đề nhức nhối tại nước ta, đặc biệt là các thành phố lớn. Hà Nội và TP.HCM hiện là hai trong những thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất thế giới. Bụi mịn trong không khí gây ra những tác động nghiêm trọng đối với sức khỏe. Bụi mịn trong không khí ô nhiễm có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường mũi, miệng, da và niêm mạc, gây hại cho các cơ quan như mạch máu, tủy xương, lá lách... đặc biệt là hệ hô hấp và tim mạch bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bụi mịn - 'kẻ thù' giấu mặt tấn công sức khỏe mỗi ngày - 1

Bụi mịn dày đặc như sương mù tại thành phố lớn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, bụi mịn trong không khí gây ảnh hưởng đến hô hấp ở mức độ cấp tính và mãn tính, với các biểu hiện như ho, khò khè, sổ mũi, viêm xoang, nhức đầu, nặng hơn có thể dẫn đến tình trạng hen suyễn, viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Làm thế nào để giảm thiểu bụi mịn trong không khí và phòng tránh các tác hại của bụi mịn đến sức khỏe là vấn đề cấp thiết hiện nay. Vừa qua, Fanpage của kênh VOV FM89 đăng tải bức ảnh một góc của Thủ đô Hà Nội phủ trắng bụi mịn. Nhiều thính giả đã gửi câu hỏi tới hòm thư về tình trạng này và tỏ ra lo lắng về tác động tiêu cực của bụi mịn đến sức khỏe. 

Trước vấn đề này, ông Nghiêm Vũ Khải – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN có giải đáp như sau: 

"Bụi mịn hay bụi PM có kích thước 2.5 micron trở xuống (1 micron bằng 1/1000 của mm), tức là kích thước rất nhỏ. Thành phần cấu tạo của bụi mịn rất khác nhau và có thể chứa các nguyên tố kim loại nặng, nguyên tố độc hại đến sức khỏe con người.

Bụi mịn có thể xâm nhập vào cơ thể con người ở bất cứ vị trí nào hở ra, ví dụ như da, hệ hô hấp, hệ tuần tuần hoàn, mắt. Đây cũng là tác nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm như tim mạch, huyết áp, thậm chí là ung thư. Tình trạng này cũng được phát hiện khá lâu trên thế giới và tại Việt Nam, thời gian gần đây, người dân cũng tuyên truyền mạnh về tác hại của nó".

Liên quan đến băn khoăn của bạn thính giả rằng bụi mịn không chỉ ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hô hấp mà còn ảnh hưởng đến não bộ, TS. Hoàng Anh Lê, Trưởng bộ môn Quản lý môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết:

"Trên thế giới, từng có các nghiên cứu cho thấy những hạt bụi siêu mịn có thể bám dính trên màng não. Các nhà khoa học cũng có nghiên cứu chứng minh rằng, hạt bụi siêu mịn có thành phần magie bám dính vào màng não của con người và gây mất trí nhớ ở người".

Hiểu ra được tác hại của bụi mịn như vậy nên vấn đề giải pháp phòng chống tác hại của bụi mịn được các thính giả rất quan tâm. Thông qua qua số hotline 0243.773.8989, thính giả Nguyễn Văn Bách (Hưng Yên) đặt câu hỏi với chương trình:

"Tôi được biết là bụi mịn rất nguy hiểm cho sức khỏe cho con người, biện pháp bảo vệ bản thân vẫn là đeo khẩu trang. Liệu rằng khẩu trang vải và khẩu trang y tế thông thường có ngăn được loại bụi này hay không? Rất mong chương trình nhờ chuyên gia giải đáp giúp tôi".

Bụi mịn - 'kẻ thù' giấu mặt tấn công sức khỏe mỗi ngày - 2

Khẩu trang thông thường có phòng chống được bụi mịn?

Với câu hỏi này, TS Hoàng Anh Lê cho biết: "Những khẩu trang 1.000 hay 2.00 đồng mà chúng ta đeo một vài lần rồi vứt đi đó không có khả năng cản bụi. Khẩu trang đó chỉ có thể ngăn cản được các loại bụi như PM10 hoặc lớn hơn, còn với những hạt bụi nhỏ như PM2.5, PM0.1 hoặc nhỏ hơn thì không thể nào cản được.

Trên thị trường hiện nay đang có loại mặt nạ chống độc có khả năng ngăn cản được bụi rất nhỏ, siêu nhỏ. Tuy nhiên, những khẩu trang ấy rất đắt tiền và không tiện dụng".

Qua câu trả lời của TS Hoàng Anh Lê có thể thấy rằng, rất khó để tránh tiếp xúc với bụi mịn, đặc biệt là đối với những người dân sinh sống tại các thành phố lớn. Cần phải có thêm nhiều biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế tối đa lượng bụi mịn trong không khí mới giúp người dân giảm bớt phần nào nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn