(VTC News) – “Mỗi một thể loại nghệ thuật đều có những giá trị cơ bản riêng, chúng ta có thể mang nó phổ biến rộng rãi tới công chúng để công chúng hiểu rõ hơn và cảm nhận được vẻ đẹp đích thực của nó, nhưng không được làm biến chất để hy vọng nó dễ gần người nghe” – Nghệ sỹ Violon Bùi Công Duy.
Vào 20h00 ngày 14/7/2012, tại Nhà hát lớn Hà Nội sẽ diễn ra một sự kiện văn hóa đặc sắc, đó là lần đầu tiên, Dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng của Đức - Berliner Symphonike sẽ biểu diễn một chương trình hòa nhạc có tên Những giai điệu cổ điển vượt thời gian (Enternal Concert).
Đặc biệt, nghệ sỹ violone Bùi Công Duy - đại diện duy nhất của Việt Nam sẽ tham gia biểu diễn cùng dàn nhạc Berliner Symphonike. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Bùi Công Duy về sự kiện này.
Cây đàn violon giá 1 triệu USD tới VN
- Xin chào anh! Được biết anh và ê kip đã mời được dàn nhạc Berlin đến Việt Nam để trình diễn buổi hòa nhạc có tên Eternal Melodies Concert, xin anh cho biết chương trình hòa nhạc này có điểm gì đặc biệt?
- Đây là một chương trình có nhiều điểm đặc biệt. Lần đầu tiên một công ty tổ chức sự kiện tư nhân của Việt Nam kết hợp cũng các nghệ sỹ, đạo diễn, nhà sản xuất với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ tâm huyết đã đứng ra mời một dàn nhạc 66 người từ Berlin đến Việt Nam biểu diễn cho công chúng yêu nghệ thuật.
Đây là lần đầu tiên dàn nhạc Berliner Symphoniker cũng như nghệ sỹ piano Kun Woo Paik biểu diễn tại Việt Nam. Cuối cùng, có lẽ đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi có thể thuyết phục được một dàn nhạc lớn như vậy chơi theo nhạc mục mà chúng tôi biên tập cho phù hợp với những người yêu nhạc giao hưởng tại Việt Nam thay vì trên chương trình sẵn có của họ.
Đây là một ngoại lệ vì ít khi những yêu cầu được chấp nhận nhưng chúng tôi đã làm được và còn nhiều điểm đặc biệt nữa nhưng tôi muốn để dành cho khán giả đến thưởng thức và tự khám phá trong hai ngày 14 và 15 tháng 7 sắp tới.
Tài năng Piano Bùi Công Duy |
- Nghe nói trong chương trình còn có nghệ sĩ piano đẳng cấp thế giới là Kun Woo Paik sẽ biểu diễn, hẳn giữa anh và nghệ sĩ Kun Woo Paik cũng như các nghệ sĩ đẳng cấp khác trong dàn nhạc có điểm chung hoặc một mối quan hệ nào đó để có thể sẵn sàng nhận lời sang Việt Nam trong bối cảnh lịch biểu diễn của họ tại Châu Âu và thế giới dày đặc đồng thời còn được sắp lịch trước hàng năm?
- Ông Kun Woo Paik là nghệ sĩ Piano đẳng cấp thế giới người Hàn Quốc. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng lớn trong đó có giải Piano Quốc tế Busoni. Trong những năm qua, Kun Woo Paik đã thực hiện nhiều buổi diễn tại các trung tâm âm nhạc lớn như Trung tâm Lincoln, CarnegieHall, Wigmore Hall và Berlin Philharmonie.
Tôi nghĩ điểm chung lớn nhất để chúng tôi có thể đến được chương trình này đó là tình cảm dành cho đất nước VN trong đó còn có cả sự hứng thú lẫn tò mò, tìm hiểu về đất nước và con người VN.
- Anh là nghệ sỹ Việt Nam duy nhất tham gia chương trình, vậy việc dàn dựng các tiết mục như thế nào để dàn nhạc vẫn chơi mang đúng phong cách vốn có của họ, lại “nâng” được “chủ nhà” như anh lên?
- Tôi không phải là nghệ sỹ VN duy nhất tham gia chương trình này, dàn nhạc Berliner Symphoniker là dàn nhạc đa quốc gia và trong đó có một thành viên người VN anh Lê Ngọc Anh Kiệt.
Trong chương trình này tôi sẽ chơi bản Concerto cho violon và dàn nhạc của nhạc sỹ người Đức F. Mendelssohn. Âm nhạc cổ điển có một ngôn ngữ chung không phân biệt quốc tịch của người nghệ sỹ, tôi hy vọng đây sẽ là sự hòa nhập ăn ý để có thể mang lại buổi biểu diễn thành công.
- Cũng có thông tin trong nghệ sĩ violon Mailer Hans Concert Master của dàn nhạc người dự kiến sẽ chơi trong buổi hòa nhạc tới đây bằng cây đàn violon trị giá 1 triệu USD, làm thế nào anh có thể thuyết phục được ông ấy mang sang Việt Nam một cây đàn có giá trị như vậy? Các thủ tục bảo hiểm của cây đàn này có phức tạp lắm không?
- Việc một nghệ sỹ violon giỏi chơi trên một cây đàn trị giá 1 triệu đôla trên thế giới không phải là điều đặc biệt. Chính phủ và những nhà tài trợ luôn tạo điều kiện và hỗ trợ để các nghệ sỹ có cơ hội thể hiện được hết khả năng của mình.
Tôi rất hy vọng đến lúc nào đấy các nghệ sỹ của VN cũng có được những cơ hội như vậy. Chúng tôi sẽ làm những thủ tục bảo hiểm cần thiết như đúng thông lệ quốc tế trong trường hợp nghệ sĩ Mailer Hans mang cây đàn này đến Việt Nam.
- Từng biểu diễn với nhiều dàn nhạc trên thế giới, cảm giác của anh như thế nào khi chuẩn bị được đứng trên sân khấu với dàn nhạc Berlin ?
- Trước mỗi buổi biểu diễn, tôi đều rất hồi hộp và hứng thú chuẩn bị, và chờ đón giây phút đứng trên sân khấu. Riêng đối với chương trình này mọi cảm giác của tôi đều được nhân đôi vì lần này tôi vừa là nghệ sỹ biểu diễn, vừa tham gia tổ chức chương trình.
- Có rất nhiều sự kết hợp giữa âm nhạc đồng quê, dân ca các nước phương Tây với dàn nhạc giao hưởng. Trong đêm hòa nhạc sắp tới, anh có thể hiện một tiết mục phát triển từ dân ca Việt Nam không?
- Tôi đã diễn nhiều các tác phẩm VN ở trong nước cũng như ở nước ngoài nhưng với lần ra mắt đầu tiên này, dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker muốn mang đến công chúng VN những tác phẩm kinh điển của thế giới đã được chọn lọc qua thời gian với hy vọng sẽ làm giảm khoảng cách giữa âm nhạc cổ điển và công chúng VN.
Đừng làm biến chất giao hưởng để kéo nó xuống gần người nghe
- Nhạc thính phòng không dành cho số đông, tức là nó phải được trình diễn trong các Nhà hát và đối tượng người nghe thường được mặc định là trí thức, hoặc những người có trình độ văn hóa cao… nhưng gần đây, có những chương trình giao hưởng đường phố gây được chú ý của công chúng và báo giới đánh giá cao, anh nghĩ gì về hiện tượng này?
- Theo tôi quan niệm nhạc thính phòng không dành cho số đông là chưa thật sự chính xác. Ở một số nước Phương Tây và một số nước châu Á từ lâu đã tổ chức những chương trình biểu diễn cho hàng chục ngàn người xem như ở công viên, sân vận động.
Ở VN gần đây đã có những buổi hòa nhạc mang tính xã hội hóa diễn ra ở đường phố, đây là tín hiệu tích cực, tuy nhiên âm nhạc cổ điển luôn có vị trí đặc biệt của mình trong xã hội nên cho dù biểu diễn ở đâu thì vẫn cần phải giữ được nguyên vẹn những giá trị riêng của nó.
Nghệ sĩ piano đẳng cấp thế giới Kun Woo Paik |
- Theo anh, liệu có “bình dân hóa” nhạc giao hưởng được không? Tức là kéo nhạc giao hưởng xuống gần người nghe bình dân, thay vì hướng cho người nghe bình dân nâng cao trình độ thưởng thức nhạc giao hưởng?
- Như tôi đã nói ở trên, mỗi một thể loại nghệ thuật đều có những giá trị cơ bản riêng, chúng ta có thể mang nó phổ biến rộng rãi tới công chúng để công chúng hiểu rõ hơn và cảm nhận được vẻ đẹp đích thực của nó, nhưng không được làm biến chất để hy vọng nó dễ gần người nghe.
- Rất nhiều loại hình nghệ thuật hiện nay muốn đến với người nghe phải “xã hội hóa”, nhạc giao hưởng vẫn luôn “khiêm tốn” trong danh mục biểu diễn của showbiz, thậm chí quá ít. Là một nghệ sỹ violon, anh có bao giờ trăn trở về việc mở rộng thị trường biểu diễn cho dàn nhạc giao hưởng không? Việc “xã hội hóa” nhạc giao hưởng theo anh có nên làm không và làm như thế nào?
- Tôi luôn trăn trở về việc mở rộng biểu diễn cho âm nhạc cổ điển, nhưng đáng tiếc là việc này không thể một cá nhân làm được, nó đòi hỏi sự đầu tư và quan tâm đồng bộ của Chính phủ Nhà nước. Nước VN chúng ta đang trên con đường phát triển kinh tế, tôi rất hy vọng với nền kinh tế vững mạnh hơn thì bộ môn nghệ thuật cổ điển này cũng sẽ được nhà nước đầu tư và quan tâm nhiều hơn.
- Xin cảm ơn anh.
Ngô Kan
Bình luận