Trong thư, ông cũng làm rõ rằng chỉ muốn đàm phán với tổng thống mà không phải với các đặc phái viên Mỹ, NBC News dẫn nguồn tin từ quan chức ngoại giao Mỹ cho biết.
Theo nguồn tin này, bức thư dường như nhằm mục đích "loại bỏ" đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ra khỏi các cuộc thảo luận về kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, trong khi ủng hộ “cái tôi” của tổng thống Mỹ.
Ông Kim đã muốn các cuộc thảo luận được diễn ra “một cách nghiêm ngặt ở mức độ ông Trump và ông Kim Jong-un” – một quan chức Mỹ khác nói. Theo các nguồn tin, bức thư nói chỉ có tổng thống Trump mới có thể đem lại hòa bình. Lá thư nhấn mạnh vào các cuộc đàm phán với vai trò cá nhân và kỹ năng thực hiện thỏa thuận của ông Trump.
Một cựu quan chức Mỹ khác nhận định Triều Tiên dường như tin rằng họ có cơ hội đạt được thỏa thuận lớn hơn trong các cuộc đối thoại trực tiếp riêng với tổng thống thay vì cách đàm phán truyền thống bao gồm các trợ lý, theo sau cuộc gặp một-một.
Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ từ chối bình luận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói không bình luận về chi tiết các cuộc đối thoại ngoại giao riêng khi được hỏi về bức thư và công tác chuẩn bị tiền hội nghị.
Bức thư đã giúp tạo động lực cho hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, vì nó xuất hiện khi ngoại giao hai bên có phần đình trệ trong các ngày lễ tháng 12, các nhà phân tích khu vực cho biết. Nhưng nó lặp lại những tín hiệu khác cho thấy Triều Tiên đã tìm cách đưa ông Pompeo, Biegun và các chuyên gia ra khỏi quy trình.
Theo các nguồn tin của NBC News, các nhà ngoại giao Mỹ đã gặp phải trở ngại khi cố gắng đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh 27-28/2 tại Hà Nội. Các cựu quan chức cho biết ở cấp độ làm việc, các cuộc thảo luận chi tiết thiết lập chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh và các phác thảo của một thỏa thuận tiềm năng chỉ bắt đầu một cách nghiêm túc một tuần trước hội nghị thượng đỉnh.
Dù vậy, chính quyền Mỹ đưa ra một tường thuật khác, nói rằng các cuộc thảo luận đã bắt đầu sớm hơn nhiều với các cuộc đàm phán giữa ông Biegun và các đối tác Triều Tiên.
Các quan chức Mỹ cho biết ông Kim đề nghị dỡ bỏ địa điểm hạt nhân Yongbyon để đổi lấy việc chấm dứt phần lớn các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với nước này. Trump cho biết ông từ chối lời đề nghị, nói với các phóng viên: "Đôi khi bạn phải rời đi, và đây chỉ là một trong những thời điểm đó".
Tuy nhiên ông Trump cũng trích dẫn một loạt thư từ nhà lãnh đạo Triều Tiên là bằng chứng cho mối quan hệ tốt đẹp của ông với ông Kim. Vào tháng 9/2018, ông Trump nói tại một cuộc vận động ở Tây Virginia rằng sau những căng thẳng ban đầu, hai lãnh đạo đã có mối quan hệ tốt và cảm tình với đối phương.
Video: Khác biệt nào khiến Mỹ và Triều Tiên chưa đạt thỏa thuận?
Bình luận