• Zalo

Bức thư 1/6 xé lòng gửi bố mẹ mà con chưa biết mặt

Tâm sựThứ Hai, 31/05/2010 06:34:00 +07:00Google News

Bức thư khiến trong tôi nhói lên day dứt: có phải mặc định về điều các em không thể nói đã khiến chúng ta quên đi điều các em muốn nói và có quyền được nói?

(LTS) Ngày mai là Quốc tế thiếu nhi 1/6, ngày mà chúng ta, những người cha, người mẹ, anh chị, cô dì… dành cho bé những món quà và thật nhiều yêu thương. Nhưng ở quanh ta, vẫn có nhiều, rất nhiều những bé thơ đang sống không có tuổi thơ, với các em, 1/6 là cái gì đó vừa xa xỉ, vừa lạ lẫm… Những chia sẻ của độc giả MaiAnh dưới đây khiến những người có tâm không thể không trăn trở và day dứt.

 


Tôi đọc được bức thư này trên blog, bức thư của một đứa trẻ lang thang viết cho cha mẹ - người mà em chưa một lần biết mặt.

 

Vẫn biết rằng, chỉ là thác lời thôi. Những đứa trẻ lang thang, đến một cái chữ chắc gì đã biết, làm sao viết ra được những câu sâu sắc và tinh tế để những người lớn đầy chữ nghĩa chữ nghĩa chúng ta đọc và cảm động!

 

Nhưng bức thư khiến tôi nhói lên một niềm day dứt: có phải từ những mặc định về điều các em không thể nói đã khiến chúng ta nhiều khi cho phép mình quên đi điều các em muốn nói, và quên đi cả những điều các em có quyền nói, những điều chúng ta có trách nhiệm thay các em để nói lên?

 

Kính gửi bố mẹ con chưa hề gặp!

 

Chiều nay con cùng lũ bạn cơ nhỡ đi trên phố, bắt gặp những đứa trẻ ngang lứa con được bố mẹ chúng mua cho những món quà nhân ngày 1/6 mà cả nhóm thèm thuồng! Đứa trẻ đó lớn rồi mà được bố nó bế trên vai, mẹ nó đi bên cạnh làm trò cho nó cười. Hôm đó cả nhóm thủ thỉ chắc gia đình này hạnh phúc nhất thế gian…

 

Bố mẹ có biết không?

 

Con là đứa trẻ đánh giầy nơi xó chợ, trên hè phố hoặc bất cứ ở đâu có những đôi giày bẩn người ta cần đánh thì có con. Nhóm con có 5 người, đều không cha mẹ, có đứa có cha mẹ mà chẳng ai thừa nhận. Đứa nào cũng có mái tóc vàng hoe, khuôn mặt đen đúa và thân hình gầy như que tăm.

 

Để có miếng cơm, chúng con phải dậy sớm, đứa thì tới sạp báo gần nhất nhận báo, đứa thì nhận vé số, đứa thì cùng những người lớn đóng giả những gã ăn mày tội nghiệp, bệnh tật để xin chút lòng thương của người đi đường. Con thường đến quán cà phê nằm ngã tư đường nơi có dòng người xuôi ngược, ở đó là nơi tụ tập của những gã ăn mày, bán vé số, bán báo và đánh giầy.

 

Có thể bố mẹ sẽ hỏi con lớn lên bằng cách nào? Làm sao một đứa trẻ chưa hề biết sông dài, biển rộng và lòng người đa đoan sống với những lam lũ, nhọc nhằn đặt lên vai?

 

Thưa, con lớn lên bằng bầu vú của nhiều bà mẹ, mà theo các vú nuôi ở cô nhi viện, để có sữa cho những đứa trẻ bị bỏ rơi như con phải đi xin từng nhà mới có. Người ta bảo lũ chúng con đều là những đứa trẻ nhặt được ở ghế đá công viên hay ở ngoài cổng của cô nhi viện, tất cả đều có một điểm chung là những đứa trẻ được sinh ra ngoài ý muốn, trút bỏ để khỏi gánh nặng một ai đó.

 

Bố mẹ ạ, thế mà con vẫn lớn lên. Rồi đến một ngày chúng con bỏ trốn nơi đã nuôi nấng mình để lao vào cuộc đời bằng những thứ nghề chưa ai nghĩ tới.

 

Bố mẹ biết không, để đánh được một đôi giầy của người khách ngồi chễm chệ trên chiếc ghế mây, tay cầm tờ báo nhâm nhi cốc cà phê, đôi mắt đăm đăm sau chiếc kính dày, con phải nài kèo, dỗ dành không thôi người ta đuổi đi.

 

Trước khi người ta chịu để cho con đánh đôi giầy cũ kỹ ấy, họ không quên cất lên: “Này nhóc, ngồi yên đó mà đánh nhé, không được chạy đâu đó, muốn lượm đôi giầy ông không dễ đâu nha!”.

 

Người ta luôn coi tụi con là những tên trộm, họ cảnh giác, họ khinh rẻ! Thế mà chúng con vẫn lớn lên đấy thôi, để rồi một ngày xuân khi tết đến thấy người ra vui vầy bên nhau mà lòng tự ti, tủi hờn.

 

Tuổi thơ của chúng con là những ngày ở đầu đường xó chợ, nhiều hôm nhìn con phố muôn người xuôi ngược, con đã từng tưởng tượng ra khuôn mặt của đấng sinh thành ra con và tự nhủ, biết đâu giữa hàng ngàn người đi trên phố, có bố mẹ cất bước đi qua.

 

Bố mẹ có biết không, tuổi thơ con buồn nhất là những ngày người ta gọi là quốc tế thiếu nhi đó. Ngày đó tụi con thu mình và để cho đêm khép lại, ngủ một giấc rồi tiễn ngày đi qua. May mắn lắm chúng con được những tổ chức bảo trợ trẻ em phát cho những món quà, mừng ơi là mừng!

 

Bố mẹ biết đấy, con đã lớn lên với những tháng ngày như thế.

 

Lại sắp 1/6!

 

MaiAnh (sưu tầm)

 

Bình luận
vtcnews.vn