• Zalo

Bức ảnh cha con chết đuối ở biên giới Mỹ: Một giọt nước rơi không đủ làm biển hồ dậy sóng

Thế giớiThứ Năm, 27/06/2019 14:51:00 +07:00Google News

Người ta có thể bức xúc, phẫn nộ sau cái chết thương tâm của 2 cha con người El Salvador, nhưng rồi sự thương cảm cũng sẽ sớm chìm vào quên lãng.

Tối 25/6, cả thế giới chấn động trước hình ảnh 2 cha con người El Salvador chết đuối trôi dạt vào bờ sông Rio Grande ở biên giới Mỹ - Mexico khi đang tìm cách vượt biên sang Mỹ. Làn sóng chỉ trích chính sách nhập cư cứng rắn của Tổng thống Trump vốn âm ỉ bấy lâu lại được thổi bùng lên mạnh mẽ sau hình ảnh đau lòng này. 

Các ứng viên đảng Dân chủ không tiếc lời chỉ trích ông chủ Nhà Trắng, các cuộc biểu tình nổ ra trước các trung tâm giam giữ người nhập cư, các nhà hoạt động xã hội kêu gọi Mỹ thay đổi chính sách nhập cư ngặt nghèo hiện tại. 

Bức ảnh 2 cha con anh Martínez Ramírez làm gợi nhớ tới hình ảnh tương tự vào năm 2015 khi cậu bé Alan Kurdi tới từ Syria chết đuối rồi trôi dạt vào một bãi biển ở Thĩ Kỳ khi đang cùng gia đình di cư tới châu Âu. 

anh

  Hình ảnh cha con Martinez trôi dạt vào bờ sông gây chấn động thế giới. (Ảnh: AP)

Giống như hình ảnh chấn động thế giới cách đây 4 năm, cái chết của cha con Ramírez trở thành câu chuyện nổi cộm trên trang nhất của hàng loạt tờ báo uy tín. 

"Thật thương tâm khi thấy bức ảnh đó. Nó là phiên bản nước Mỹ của bức ảnh cậu bé Syria trôi dạt vào bãi biển", Joaquin Castro, nghị sỹ tới từ bang Texas nói. 

Julia Le Duc, tác giả của bức ảnh cho rằng khoảnh khắc khiến cô đau lòng khi bấm máy nên và cần phải thay đổi điều gì đó. 

"Những gia đình này không có gì. Họ đang mạo hiểm mọi thứ để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu những hình ảnh này không khiến chúng ta suy nghĩ lại, nếu họ không làm suy chuyển những người ra quyết định, xã hội của chúng ta đang đi theo một chiều hướng xấu", phóng viên tờ La Jornada (Mexico) nói. 

Nhiều người tin rằng bức ảnh thực sự là một lời đánh động tới chính quyền Mỹ nếu nhìn vào cơn bão chỉ trích Tổng thống Trump hiện nay. Nhưng không ít ý kiến khác cùng tin rằng bão tố cũng chỉ nổi lên một thời gian rồi biến mất.  

Trong trường hợp của Alan Kurdi, bức ảnh thu hút sự chú ý chưa từng có của thế giới vào thời điểm đó về tình cảnh khốn khổ của những người Syria đánh liều với sinh mạng, cố gắng thoát khỏi cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm trong nước. 

Một tuần sau khi hình ảnh gây chấn động cả thế giới này xuất hiện, số tiền quyên góp trung bình hàng ngày cho Chiến dịch quyên góp cho người tị nạn Syria tăng tới 55 lần. Nhưng trong 6 tuần sau, các khoản đóng góp chững lại đáng kể. Một năm sau đó, nó trở lại mức bình thường. Nghiên cứu trên các nền tảng công nghệ cho thấy một sự gia tăng đột biến về tìm kiếm các vấn đề di cư ở Syria vào thời điểm bức ảnh được công bố, nhưng cũng nhanh chóng giảm vài tuần sau đó. 

Paul Slovic, giáo sư tâm lý học của Đại học Oregon, Mỹ, cho biết sự quan tâm và phẫn nộ của công chúng với hậu quả của một bức ảnh đau thương là rất có giá trị trong việc kích động hành động và thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Nhưng nó không đủ để tạo ra một điểm bùng phát cho sự thay đổi chính sách. 

cau be

Cậu bé Alan Kurdi trôi dạt vào một bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ khi cùng bố mẹ thực hiện "giấc mơ châu Âu". (Ảnh: Getty)

"Vì vậy, đây là thời gian để hành động, với tư cách của cá nhân và chính phủ", ông nói. 

Theo ông Slovic, có nhiều trở ngại tâm lý khiến chúng ta nhiều khi không quá quan tâm tới các báo cáo thống kê về hàng nghìn hay hàng triệu người chết. Nhưng 1 bức ảnh có thể khuấy động cảm xúc theo cách mà không con số nào làm được. 

Nhà làm phim tài liệu và nhiếp ảnh gia Valentina Pereda đồng tình với quan điểm này. Cô cho rằng những hình ảnh như vậy có thể khiến cả thế giới phải hướng mắt chú ý, nhưng nó chỉ mang hiệu ứng tức thời. 

"Đối với chúng tôi, những người sống trong khu vực, những hình ảnh này không mới. Các nhiếp ảnh gia ghi lại cái chết của những người di cư trong nhiều thập kỷ. Nhưng hiệu quả của nó rất ngắn ngủi. Nó gây ra phẫn nộ nhưng cũng chỉ trong chu trình ngắn ngày", Pereda chia sẻ khi chỉ vào bức ảnh một binh sỹ Mỹ ném hơi cay vào những đứa trẻ di cư. 

Từ sa mạc Sonoran thiêu đốt tới sông Rio Grande, biên giới dài 3.200 km giữa Mỹ và Mexico từ lâu được mệnh danh là "mồ chôn chết chóc". Năm 2018, 283 trường hợp người di cư thiệt mạng được ghi nhận ở khu vực này. 2 đứa trẻ và một phụ nữ bỏ mạng ở khu vực này hôm 22/6. 2 tháng trước đó, 3 đứa trẻ và 1 người trưởng thành từ Honduras thiệt mạng khi chiếc bè chở họ lật úp ở sông Rio Grande.

Để quản lý dòng người tị nạn, chính quyền Mỹ trong vài năm gần đây giảm đáng kể số người di cư được phép xin tị nạn, từ hàng chục người mỗi ngày như trước đây xuống còn vài trường hợp ở một số điểm nhập cảnh, dẫn tới danh sách nối dài những người chờ đợi ở các cửa khẩu. 

Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ an ninh nội địa Mỹ tháng 9/2018, việc ép người nhập cư chờ đợi ở cửa khẩu sẽ càng khuyến khích họ vượt biên trái phép. Trong khi đó, việc giải ngân các khoản ngân sách nhằm xử lý gốc rễ của nạn di cư từ El Salvador, Guatemala và Honduras vẫn đang diễn ra hết sức chậm chạp. Một số nguồn tin khẳng định hàng trăm triệu USD viện trợ hiện vẫn bị tắc ở văn phòng ngân sách Nhà Trắng trong khi Tổng thống Trump còn đang bận mải miết đưa ra cảnh báo cắt viện trợ. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn