• Zalo

Bữa cơm tử tù và tiếng vỗ tay trong phiên tòa Đức Nghĩa

Bạn đọc viếtThứ Hai, 15/11/2010 12:30:00 +07:00Google News

(VTC News) – Chia sẻ những cảm nhận người thật việc thật của một độc giả có mặt tại phiên tòa phúc thẩm xử Nguyễn Đức Nghĩa, khi nghe những tiếng vỗ tay...

(VTC News) – Chia sẻ của một độc giả về những cảm nhận chân thực của người có mặt tại phiên tòa phúc thẩm xử Nguyễn Đức Nghĩa, khi nghe những tiếng vỗ tay hưởng ứng bản án tử hình.

 

Trước hết, tôi xin cảm ơn tác giả bài viết Bàn về tiếng vỗ tay trong phiên xử Nguyễn Đức Nghĩa đã nhận thấy và nói giúp tôi những điều trăn trở - có thể nói là ám ảnh - từ một phiên tòa. Tôi là một trong những người có mặt ở phiên tòa hôm đó, và đã lạnh người khi nghe tiếng vỗ tay rộ lên lúc tòa tuyên đến 2 chữ “tử hình”. Cảm giác đó, có lẽ khó mà diễn tả lại được, khi bạn ngồi trong một căn phòng chật chội, trí não căng thẳng, trước mặt là cái chết hiện hình, và đột nhiên tràng vỗ tay đẩy bạn vào hố sâu của sự hoang mang, hoảng hốt.

 

Còn toàn bộ bức thư này, tôi muốn tâm sự cùng các bạn độc giả, những người cũng như tôi, đã theo dõi vụ án này từ đầu đến cuối, một cách đơn giản và ít lý thuyết nhất có thể.

Có lẽ cần nói trước rằng, tôi không thuộc nhóm ủng hộ việc cho Nghĩa được thoát án tử hình. Nếu pháp luật Việt Nam sau này xóa bỏ án tử hình như một số nước khác, lúc đó sẽ có hình phạt khác; còn trong khung pháp lý hiện tại, một bản án tử hình là xứng đáng với tội ác mà Nghĩa đã gây ra.

 

Chính vì luôn nghĩ vậy, nên tôi thực sự bất ngờ trước phản hồi dưới bài viết của nhiều bạn khi lạc hướng sang chuyện Nghĩa chết là đúng hay sai. Bởi vì, bài báo không nói về Nguyễn Đức Nghĩa, mà nói về chính chúng ta!

 

Đánh tráo và lẫn lộn các khái niệm là cái tật của số đông chúng ta; sợ bị coi là bầy đàn, nên phản ứng lại một cách bầy đàn, cũng lại là cái tật của số đông chúng ta.

 

Đánh tráo các khái niệm, ở chỗ, chúng ta không phân tách được sự khác biệt hết sức rõ ràng giữa việc kết án tử một người và ứng xử của chúng ta với chính việc kết án ấy. Đánh tráo khái niệm, ở chỗ chúng ta cố tình chối bỏ những phân tích không thể bác bỏ về một phản ứng mang tính bản năng của chính mình; bằng cách chụp mũ cho những người chỉ ra điều ấy là “bênh vực hung thủ”, “mềm yếu trước cái ác” và bẻ lại một cách ấu trĩ rằng “nếu là người nhà của ông, ông có nói được những lời đạo đức đó không?”

 

Về mặt logic, cách nghĩ này phạm 2 lỗi cơ bản: Một là, về tư duy, suy luận thiếu chặt chẽ theo kiểu “A phản đối B, C phản đối A = C ủng hộ B”; tương tự kiểu “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Hai là, về lập luận, thay vì đưa ra lý lẽ chứng minh lập luận của người nói là sai, thì lại tìm cách chỉ ra rằng bản thân người nói cũng không làm được điều họ nói.

 

Và cách hỏi vặn kiểu này đã lập tức bộc lộ sự “đuối” về lý lẽ, bởi dù không tha thứ cho Nghĩa, nhưng gia đình ông Ba không phải là những người vỗ tay. Xin đừng kéo nỗi đau của gia đình nạn nhân vào cuộc để bao biện. Qua những ngày dài gắng gượng để theo vụ án, khi tất cả kết thúc, cũng là lúc những người trong cuộc gục xuống vì đau khổ và mỏi mệt. Hãy nhớ lại những bộ phim, cuốn truyện về nhân vật đi trả thù. Nhân vật chính trải trăm cay nghìn đắng, phẫn uất tột cùng; nhưng bạn đã bao giờ thấy họ vui mừng, hoan hỉ khi giết xong kẻ thù chưa? Còn tôi chỉ thấy họ gục xuống, nước mắt đầm đìa, hoặc ngửa mặt lên trời với tiếng thét bi ai. Thời khắc hung thủ bị tuyên án tử cũng là thời khắc gia đình nạn nhân rơi vào nỗi trống trải, hụt hẫng, khi nhận ra rõ nhất: không một bản án nào, một cái giá nào là xứng đáng để bù lấp nỗi mất mát của họ. Có thể họ căm thù, oán hận hung thủ, nhưng hơn ai hết, họ hiểu thế nào là cái chết; và thêm một ý niệm về cái chết nữa chỉ khiến họ nặng lòng hơn.

 

Là một người có mặt ở phiên tòa lúc ấy, tôi cam đoan với các bạn rằng, hầu hết (không dám nói tất cả, vì có thể tôi không quan sát hết) những người đã vỗ tay đều là người hiếu sự vào xem, không có quan hệ gì với gia đình nạn nhân cũng như hung thủ. Và nếu thực sự nghĩ cho gia đình nạn nhân, thì xin hãy dành cho họ một phút trang nghiêm trong cái thời khắc khó khăn ấy. Đó là văn hóa xử thế, thứ văn hóa mà người ta không cần học quá nhiều trong sách vở, nên xin đừng hễ ai nhắc đến là tự ái cho rằng họ muốn “lên lớp” bạn.

 

 Cái nhìn đau đớn của Nguyễn Đức Nghĩa khi nghe tiếng vỗ tay

Lẫn lộn các khái niệm, ở chỗ một số ai đó trong chúng ta, ghê sợ trước hành vi dã man của Nghĩa, đã gọi anh ta là “con quỷ”; và rồi trong nhận thức của mình dường như đã nhầm tưởng anh ta thực sự là một con quỷ, nên ứng xử với anh ta như với một con quỷ.

 

Nhưng, chúng ta có được quyền phán xét một con quỷ hay không?

 

Thực tế, Nghĩa là con người, phạm tội của con người, bị pháp luật con người trừng phạt. Điều đó có nghĩa là, dù có phạm tội nặng đến đâu, dù có là trọng tù, tử tù, anh ta vẫn cần và có quyền được bảo vệ những quyền cơ bản nhất của con người.

 

Pháp luật đã cho anh ta hưởng đầy đủ những quyền nhân thân ấy. Anh ta được kháng án, được xin ân xá, được viết thư cho người thân, gặp gỡ luật sư… Nhưng còn dư luận chúng ta thì sao? Chúng ta, những người không thù, không oán, không được ai ủy thác trao quyền tài phán, đã tự cho phép mình ra bản án tước đi một trong những quyền cơ bản nhất của con người, quyền được tôn trọng trước cái chết.

 

Tôi sẽ không nói về nỗi đau của bà Chuân khi nghe tiếng vỗ tay ấy, khi thấy cả thế giới quay lưng lại với sự cô độc, đau xót đến cùng cực của bà. Chưa chắc bà đã nghe thấy tiếng vỗ tay, bởi thời khắc ấy, tôi tin bà đã chết lặng rồi. Và quan trọng hơn nữa, đó là chuyện của bà Chuân. Còn tôi đang chỉ nói về chuyện của chúng ta.

 

Tôi từng được nghe một cán bộ giáo dưỡng kể chuyện, bữa cơm cuối cùng của tử tù trước khi ra pháp trường bao giờ cũng được người đầu bếp trại giam nấu một cách chu đáo nhất có thể. Đối với đầu bếp (và hẳn là trong ý nghĩ của những người làm luật), đó không hẳn chỉ là một thủ tục, hay là dành cho người sắp chết một ân huệ.

 

Làm việc trong môi trường trại giam, tiếp xúc với bao nhiêu kẻ thủ ác, từng chứng kiến cái chết của bao nhiêu tử tù, trong đó có những kẻ giết người chuyên nghiệp và máu lạnh gấp nhiều lần Nguyễn Đức Nghĩa, vậy tại sao người đầu bếp ấy vẫn không coi bữa ăn cuối cùng là “chuyện thường tình”, mà vẫn dành trong đó sự trân trọng, tôn nghiêm gần như mang tính tâm linh?

 

Đó là bởi, cái chết, dù của bất kỳ ai, cũng thiêng liêng như sự sống vậy.

 

Bản án khẳng định: sự sống là thiêng liêng. Nghĩa bị khép tội chết, bởi quyền sống của anh ta KHÔNG được phép cao hơn quyền sống của người khác; và những kẻ thủ ác phải nhìn vào đó để hiểu rằng họ sẽ phải trả giá đắt khi dám coi thường mạng sống con người. Đó là ý nghĩa giáo dục, răn đe của pháp luật. Nhưng điều đó không có nghĩa là mạng sống của anh ta RẺ hơn của người khác, và không có nghĩa rằng việc tước đi mạng sống của anh ta là đáng để vui mừng! Một kẻ đi ngược lại với lợi ích chung của cộng đồng cần phải bị loại ra khỏi cộng đồng, nhưng đó quyết nhiên không phải việc đáng để được cổ vũ, tự hào; án tử luôn luôn là chuyện bất đắc dĩ – ngay cả khi không xét đến những suy luận to tát hơn, như là cộng đồng cũng có phần lỗi khi không thể giáo dục những con người như thế.

 

Ai đó nói: họ làm vậy không phải vui mừng trước cái chết, mà là hưởng ứng sự công bằng của pháp luật. Xin thưa, thẩm phán không phải là diễn viên, ca sĩ hay diễn giả, sự tôn trọng cao nhất dành cho họ chính là không khí trang nghiêm của phiên tòa, chứ không phải những tràng vỗ tay không đúng lúc át cả tiếng người tuyên án, chưa kể đến sự chen chúc, lộn xộn trước đó. Xin đừng bao biện một cách trẻ con rằng thấy cái gì hay, đúng thì phải vỗ tay. Bạn cũng sẽ vỗ tay trong một đám ma chứ, khi bản điếu văn quá hay, quá xuất sắc, quá cảm động? Nếu biện hộ rằng “hay quá, đúng quá, hài lòng quá nên vỗ tay”, thì chỉ chứng tỏ ý thức, văn hóa ứng xử của bạn đang có vấn đề, nên không biết mình đang ở đâu và ở nơi đó cần xử sự thế nào - một lần nữa, tôi nhấn mạnh rằng điều ấy không liên quan nhiều đến trình độ học vấn, và cái sai thì vẫn là cái sai, dù xuất phát điểm của nó thế nào.

 

Ai đó lại nói rằng: họ làm vậy không phải vì cố ý vui mừng trước nỗi đau của mẹ con bà Chuân, mà chỉ đơn giản là phản ứng tự nhiên bột phát khi bản án giải tỏa những lo ngại, căng thẳng, phẫn uất đè nặng lên đầu óc họ. Vậy thì, xin nhớ rằng, những phản ứng bản năng nhất, vô thức nhất chính là lúc con người thể hiện bản ngã một cách rõ ràng và chân thực nhất. Chính vì vậy mà dù có giết Linh trong cơn giận, cơn ghen bột phát đi nữa, Nghĩa cũng vẫn bị lên án và kết án. Nếu phản ứng bột phát của bạn là tàn nhẫn, thì chẳng phải cũng nói lên phần nào đang chi phối trong bạn đấy ư?

 

Tôi rất xót xa và cũng rất tâm đắc trước nhận xét của một đồng nghiệp: Người ta vui mừng một cách man rợ vì đã loại được một kẻ man rợ ra khỏi cộng đồng.

 

Một vài lời dành cho các bạn và dành cho cả chính tôi. Có lẽ qua vụ việc này, mỗi chúng ta đều phải nhìn lại mình ở nhiều khía cạnh. Không có ai đủ khả năng để “dạy” ai, chúng ta chỉ đơn giản là đang chia sẻ và nhắc nhở lẫn nhau, vậy thôi!

 

 

Minh Trang

 

Bình luận
vtcnews.vn