• Zalo

“Bu à, mẹ sắp làm loạn lên đây này…”

Thời sựChủ Nhật, 27/11/2011 05:38:00 +07:00Google News

Có những ông bố bà mẹ mắc bệnh “tự hào” một cách thái quá, thể hiện lồ lộ ra trong những hành vi, cử chỉ, hoạt động hàng ngày.

Có một đứa con xinh xắn, khỏe mạnh luôn là niềm tự hào của bất kì ông bố bà mẹ nào. Chí ít thì cũng có thể ngẩng cao đầu mà tự hào “ta đây không bị "tịt", "máy móc" vẫn chạy tốt”.
 
Thế nhưng, cũng có những ông bố bà mẹ mắc bệnh “tự hào” một cách thái quá, thể hiện lồ lộ ra trong những hành vi, cử chỉ, hoạt động hàng ngày. Những ai thông cảm thì không sao, còn với những người khó tình hay xét nét thì gọi đó là chứng “phát rồ vì con”.

Gi gỉ gì gi, cái gì cũng khoe trên mạng

 Có những ông bố bà mẹ mắc bệnh “tự hào” một cách thái quá, thể hiện lồ lộ ra trong những hành vi, cử chỉ, hoạt động hàng ngày

Có những ông bố bà mẹ mắc bệnh “tự hào” một cách thái quá, thể hiện lồ lộ ra trong những hành vi, cử chỉ, hoạt động hàng ngày
 
Các mạng xã hội giờ không còn xa lạ với các ông bố bà mẹ trẻ, hiện đại. Từ người giỏi vi tính đến người chỉ biết sơ sơ hay gõ mổ cò thì cũng có thể lập cho mình 1 tài khoản cá nhân của các mạng xã hội phổ biến hiện nay như facebook, twitter,... Và ở đó là một loạt các hỉ nộ ái ố các cung bậc tình cảm đủ cả. Nhưng có những người chỉ lập tài khoản để… khoe con mà thôi.

Như anh Thảo, một nhân viên kế toán của một công ty may mặc chẳng hạn. Anh Thảo có thói quen gi gỉ gì gi, cái gì liên quan đến con cũng cho tuốt luốt lên facebook và blog. Bất kể sáng hay trưa hay tối, cứ vào facebook là bạn bè anh Thảo sẽ thấy những dòng update (cập nhật) của anh Thảo đầu tiên.

Có khi chỉ là: “Cu Tễu được 1 tháng 05 ngày rồi, đã có vẻ sắp biết lật rồi”, hay chỉ là “Hình như hôm nay Tễu hơi nong nóng người, chẳng nhẽ sắp mọc răng???”, có lúc còn đơn giản hơn nữa là: “Tễu đang bị ho”, “Tễu cười rất to”, hay “Nhớ Tễu của bố quá…”.

Lúc đầu mọi người còn chia sẻ và thông cảm vì nghĩ rằng ông bố trẻ, mới có con nên còn rất phấn khích. Nhưng càng về sau mọi người càng cảm thấy chán nản khi những dòng chia sẻ của anh cứ ngộn lên trong facebook mà nội dung thì càng ngày càng nhạt nhẽo.

Có chị cùng phòng chép miệng: “Chả hiểu thằng cha này nghĩ gì mà cái gì cũng tương lên facebook, vào facebook của nó chả thấy gì hay ho, chỉ thấy con thế này thế kia. Mà trẻ con thì đứa nào chả thế, có phải mỗi nó có con đâu. Ai lại con không ị được mà cũng oang oang khoe thì không hiểu còn cái gì mà nó không đưa lên cơ chứ”.

Không khoe con đến nỗi lộ liễu như anh Thảo nhưng chị Liên cũng khiến mọi người choáng ngợp về cái khoản mua sắm cho con trên mạng. Ngay từ khi còn mang bầu, mọi người đã thấy chị Liên mua sắm cho con không ngừng. Những người có kinh nghiệm thì khuyên chị nên mua vừa phải thôi vì trẻ con lớn nhanh, mặc sẽ rất nhanh ngắn nên sẽ rất phí.

Nhưng chị Liên chỉ vâng dạ cho phải phép, chứ không có ngày nào là chị không chọn được món đồ nào đó trên mạng và chỉ cần cầm cái alô lên để gọi là họ mang tới. Vốn lại là người sành điệu nên các món đồ của con chị Liên cũng phải là hàng ngoại, đắt tiền, đẹp… “Có thể nó mới tôn con trai mình lên chứ”, chị Liên nói.

Nghe nói, trong mấy tháng nghỉ sinh ở nhà, dù không phải làm việc nhưng chị Liên vẫn “ôm” lấy cái máy tính chỉ để chọn và mua đồ online cho con. Đến lúc đi làm trở lại, chị em trong phòng lại bị cuốn vào cơn lốc mua sắm mới của chị Liên với lý do: “Đồ mua lần trước ngắn hết cả rồi, con em chẳng có gì để mặc cả”.

Vậy nên, cái điệp khúc: “Alô, em tới rồi hả, mang hàng vào đây cho chị” đã trở nên quá quen thuộc và cứ sau mỗi lần alô như vậy là chị Liên lại rút ví không dưới tiền triệu để trả tiền quần áo cho con.

Chị Liên luôn biện minh cho mình là: “Phải mặc những đồ này mới ra dáng chứ, trẻ con cũng cần phải đẹp, nhất là con mình lại siêu đẹp trai. Nhìn nó mặc những bộ này yêu lắm, khác hẳn bọn trẻ con khác”. Chị em trong phòng vẫn trầm trồ khen đấy nhưng trong bụng thầm nghĩ: “nhà có điều kiện có khác”.

Ở đâu cũng có thể gọi điện cho con

 Nhiều bà mẹ mắc bệnh mua sắm vô độ cho con

Không khoe con đến độ loạn xị trên mạng hay mua sắm đến độ khiến người khác ghen tị, chị Lê Anh, nhân viên của một công ty truyền thông lại có kiểu “cuồng con” đến nỗi cứ 10 phút chị lại gọi điện cho con một lần.

Con trai chị Lê Anh năm nay mới hơn 1 tuổi, mới bập bẹ được mấy câu, mẹ mẹ bà bà, thế mà ngày nào đi làm chị cũng phải gọi về cho con đến 5 lần 10 lượt. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu chị ra ngoài hoặc ra chỗ nào vắng người để gọi điện.
 
Chị Lê Anh có thói quen là cứ ngồi tại chỗ và gọi, đã vậy còn nói rất to khiến cả phòng dù không muốn cũng phải nghe cho dù phòng rộng có tới 50 nhân viên ngồi chung.

Mà câu chuyện ngày nào cũng như ngày nào, giờ nào cũng như giờ nào: “Alô Bu à, Bu ăn cơm chưa con, Bu đang làm gì thế? Bu có nhớ mẹ không con? Ở nhà chơi với bà phải ngoan con nhé, chiều mẹ về sớm mua quà cho con nhé. Con gọi mẹ đi, gọi mẹ đi nào… mẹ… mẹ…”.

Hôm nào thằng bé nhanh nhảu gọi mẹ thì cuộc điện thoại kết thúc sớm, còn hôm nào nó không gọi là chị Lê Anh còn “ngân nga” cái từ …mẹ… đến cả nửa tiếng đồng hồ.

Một hai ngày đầu mọi người còn chịu được, chứ tình trạng này kéo dài khiến không ít người khó chịu. Thậm chí, có khi chị Lê Anh vừa cất tiếng alô là có mấy người nhại giọng theo: “Bu à, mẹ sắp làm loạn lên đây này…”.

Khoe con, quan tâm đến con không phải là xấu nhưng khoe đúng lúc, quan tâm đúng chỗ mới là quan trọng. Ai cũng có con cái, ai cũng muốn khoe con, nhưng nếu cứ khoe con một cách lộ liễu thì cho dù là vô tình cũng làm cho những người xung quanh cảm thấy khó chịu.

 
Theo aFamily.vn

Bình luận
vtcnews.vn