Nhà báo Trần Quang Minh là gương mặt quen thuộc của VTV. Anh từng dẫn các chương trình như: Chúng tôi là chiến sĩ, Bữa trưa vui vẻ... và từng giữ chức vụ quản lý ở VTV. Anh vừa nhận vị trí Giám đốc Nội dung của Truyền hình FPT.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên VTC News, anh chia sẻ về công việc của một biên tập viên (BTV) truyền hình và cuộc sống đời thường xung quanh 4 cậu con trai.
Không cho mình quyền thành người nổi tiếng
- Anh là một trong những BTV nổi tiếng của VTV, được hàng triệu khán giả truyền hình biết tới và yêu mến. Sự nổi tiếng ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống của anh?
Là BTV truyền hình, tôi được một số khán giả biết mặt và yêu mến. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tôi cho mình cái quyền trở thành người nổi tiếng, chưa bao giờ tôi có suy nghĩ đó.
Vì thế, mọi người có thể thấy tôi ở bất cứ đâu. Khán giả có thể thấy tôi vừa quần là áo lượt trên TV nhưng ngay sau đó sẽ thấy tôi ăn mặc bình thường, lang thang ngoài đường, ngồi vỉa hè uống trà đà, hay trong các quán cóc nhâm nhi ly cà phê. Tôi sống đúng với sở thích, mong muốn và điều kiện của bản thân.
Nhưng dù không cho mình là người nổi tiếng, tôi vẫn có ý thức giữ gìn hình ảnh, cuộc sống của mình. Tôi giữ gìn điều đó vì trân trọng công việc mình đang làm, trân trọng nơi tôi làm việc và trân trọng các đồng nghiệp của mình.
- Tôi thấy BTV truyền hình ở một khía cạnh nào đó cũng được nhiều người biết đến và yêu mến như các nghệ sĩ. Tuy nhiên, họ còn chịu sự khắt khe lớn hơn. Nghệ sĩ đôi khi có quyền mắc sai lầm, hay tạo scandal gây chú ý, còn BTV thì có lẽ là không.
Biên tập viên truyền hình là người làm báo, không phải ca sĩ, không phải nghệ sĩ, không phải là người của showbiz. Hai công việc đó hoàn toàn khác nhau. Nghề nghiệp tạo cho người ta tính cách, cách hành xử trong công việc, cuộc sống và quyết định hành vi của họ.
Là người làm báo, tôi phải tạo được sự chỉn chu trong mỗi lần lên hình. Tôi phải có trách nhiệm đưa những thông tin chính xác và chân thực đến với công chúng. Tôi phải tạo cho khán giả sự tin tưởng. Nếu họ không tin tưởng người làm báo, ai sẽ tin vào những thông tin mà những người này đưa ra?
Còn nếu là nghệ sĩ, có thể tôi sẽ có suy nghĩ khác, bay bổng hơn, tự do hơn nhưng tôi không ủng hộ việc nổi tiếng bằng scandal. Người nào tạo scandal chỉ thiệt thòi thôi. Có thể họ sẽ nổi được một thời gian ngắn nhưng chìm rất nhanh. Bạn thử kể tên cho tôi một vài nghệ sĩ nổi tiếng bằng scandal đi, tôi sẽ chỉ cho bạn thấy họ đã đánh mất những gì?
- Trong buổi họp báo chương trình "Music Home" của Truyền hình FPT, anh xuất hiện với vai trò Giám đốc Nội dung. Anh nói gì về sự thay đổi công việc này? Giám đốc Sáng tạo Đinh Tiến Dũng tiết lộ, FPT đã phải "đu bám" rất lâu mới có được anh trong đội hình?
Truyền hình FPT cần tìm người ở vị trí sản xuất, người có thể đưa các anh em đi làm nhiều chương trình hơn. Tôi có khả năng đó nên tại sao lại không nhận lời? Tôi luôn trân trọng chữ nghề. Ở VTV hay ở Truyền hình FPT, tôi đều được làm công việc sản xuất, sáng tạo.
Nếu nói tôi rời VTV cũng không đúng, bởi tôi vẫn làm nhiều chương trình ở đó. Giống như anh Đinh Tiến Dũng, dù là người của Truyền hình FPT nhưng có khi anh ấy còn xuất hiện trên VTV nhiều hơn cả tôi trước kia. Mỗi tuần, ít nhất chúng ta sẽ thấy anh một lần trên truyền hình với vai trò người dẫn chương trình của Ai là triệu phú. Tôi có thể làm được nhiều vị trí, công việc khác nhau, ở những nơi khác nhau.
- Anh sẽ mang điều gì đến với nơi làm mới? Truyền hình FPT thời Quang Minh và thời chưa có Quang Mính sẽ có thay đổi gì?
Truyền hình là công việc đòi hỏi tính tập thể. Một sản phẩm truyền hình là kết quả lao động của rất nhiều người, dù ở bất cứ đơn vị, cơ quan nào. Một mình tôi không làm được cái gì hết. Tôi khẳng định trong thời gian tới, tôi sẽ đóng góp vào sự phát triển của Truyền hình FPT chứ tôi không làm nên sự phát triển đó.
"Tôi là ông bố lắm trò"
- Công việc của người làm truyền hình rất bận rộn. Anh làm thế nào để dành thời gian cho gia đình, nhất là khi anh có tới 4 cậu con trai?
Cả với 4 đứa, tôi đều đón con khi mới lọt lòng; khi con lớn thì xúc cơm, thay tã, thay bỉm, cắt tóc, cắt móng tay và chơi với chúng. Tôi không tự nhận mình là ông bố tốt hay ông bố quốc dân nhưng nói chung mình có được thời gian nào lo cho gia đình thì đều tranh thủ.
Hơn nữa, khi chơi với con tôi thấy vui chứ. Chúng ta đi làm, để lấy được nụ cười của sếp cực kỳ khó, nhưng con thì cười với chúng ta suốt. Khi con cười, mọi mệt mỏi của những bậc cha mẹ sẽ tan biến hết.
Tôi đi suốt, về nhà mà không chăm con, không chơi với con thì còn ra gì nữa; tôi thấy việc chăm sóc 4 cậu con trai cũng bình thường thôi, không đến mức phải than thở.
Nhà báo Trần Quang Minh
- Nghe anh nói rất nhẹ nhàng nhưng chắc hẳn chăm 4 cậu con trai không phải là việc đơn giản?
Đúng rồi. Thế nên vợ chồng tôi tranh cãi về việc chăm con suốt. Có khoảng thời gian, chúng tôi không chia sẻ được với nhau nhiều chỉ vì những bất đồng trong việc chăm con, nhưng sau đó, cả hai bình tĩnh lại. Vì có chung mục tiêu là lo cho con nên chúng tôi có thể điều chỉnh và cân đối lại cuộc sống để mang lại cho con những điều tốt đẹp nhất.
Các con khi còn nhỏ thường đau ốm. Chỉ cần con không ăn vài ngày, nhìn chúng sụt cân là tôi thấy xót xa rồi. Nhưng tôi luôn tự nhủ, đó là chuyện bình thường, đứa trẻ nào cũng phải trải qua giai đoạn đó. Nếu con nôn trớ thì dọn, để cho con chơi một lúc rồi cho ăn sau. Tôi không vội vã nhồi cho con ăn như cách nhiều người phụ nữ làm. Cứ thử đặt mình vào hoàn cảnh của con, vừa nôn xong liệu có ngồi ăn luôn được không?
Tôi cũng là ông bố lắm trò lắm. Tôi cài camera vào nôi con, sau đó đi ngủ. Con khóc thì tôi biết và dậy ngay. Khi con ăn thì tôi tìm cái dây treo bình sữa để con có thể với cho vào miệng. Bốn đứa con tôi là 4 tính cách khác nhau. Mỗi ngày giữa chúng lại xảy ra bao nhiêu cuộc chiến và tôi phải đứng ra làm người phán xử.
- Tôi thấy vợ anh rất may mắn khi chồng sẵn sàng chia sẻ việc chăm con. Nhiều người đàn ông có thể mang về cho vợ rất nhiều tiền nhưng lại rất lười chơi với con, chứ chưa nói tới việc chăm con.
Bạn phải nhấn mạnh điều đó trong bài viết nhé, hoặc inbox ngay cho vợ tôi, nói rằng cô ấy rất may mắn khi có tôi (cười). Tôi nói đùa thế thôi chứ vợ tôi cũng "ba đầu sáu tay" lắm. Công việc của người làm truyền hình rất vất vả. Có khi tôi phải đi công tác nhiều ngày. Con cái chủ yếu vợ tôi chăm sóc. Tuy nhiên, tôi về nhà được lúc nào là sẵn sàng lao vào giúp vợ, không nề hà bất cứ việc gì. Tôi đi suốt, về nhà mà không chăm con, không chơi với con thì còn ra gì nữa. Tôi thấy việc chăm sóc 4 cậu con trai cũng bình thường thôi, không đến mức phải than thở (cười)
Thật ra, trước khi có con, tôi không nghĩ rằng mình có thể thay tã thay bỉm cho con, lo cho con khi nó trớ, đưa nó đi vệ sinh hay cắt tóc, lo cho con học.... Có con rồi tôi mới nhận ra: Ồ, hóa ra mình làm được nhiều thứ đấy chứ (cười).
Chẳng hạn 4 đứa con khi nhỏ đều bị tôi đè ra cắt tóc. Cho tới một ngày, đứa lớn đề nghị: "Con nghĩ mình thích ra ngoài tiệm cắt tóc hơn". Ngay lúc nghe con nói, tôi cũng có chút buồn đấy nhưng cảm giác đó nhanh chóng qua đi. Tôi cắt không xấu nhưng bao năm qua chỉ biết cắt có một kiểu thôi. Giờ con lớn rồi, nó nhận ra "à hình như bố làm không ổn bằng ở ngoài hàng" thì phải chấp nhận thôi. Con không muốn mình cắt tóc nữa không phải vì không tin tưởng mình mà vì chúng đã lớn rồi, đã bắt đầu biết trân quý cái đẹp (cười).
- Anh có phải là ông bố nghiêm khắc không?
Tôi chỉ biết nói tôi là kiểu ông bố muốn con làm gì cũng phải có kế hoạch, đặt thời khóa biểu cho từng ngày, tuân thủ như mội trường quân đội. Khi con đạt được điều gì đó thì sẽ có phần thưởng xứng đáng, nếu vi phạm thì sẽ bị phạt.
Bình luận