• Zalo

Bphone lên báo Mỹ: Ai sẽ mua điện thoại của Quảng 'nổ'?

Kinh tếThứ Hai, 03/08/2015 11:47:00 +07:00Google News

(VTC News) - Cây viết kỳ cựu Shara Tibken (Cnet) đã đặt câu hỏi về tương lai chiếc Bphone 'thần thánh' của BKAV sẽ ra sao khi tâm lý người Việt sính hàng ngoại và có lẽ BKAV đã "nhầm" khi đặt chiếc smartphone của mình vào phân khúc cao cấp thay vì giá mềm phổ dụng.

(VTC News) - Cây viết kỳ cựu Shara Tibken (Cnet) đã đặt câu hỏi về tương lai chiếc Bphone 'thần thánh' của BKAV   sẽ ra sao khi tâm lý người Việt sính hàng ngoại và có lẽ BKAV đã "nhầm" khi đặt chiếc smartphone của mình vào phân khúc cao cấp thay vì giá mềm phổ dụng.

Rất nhiều người Việt không biết tới Bphone


Mới đây, trong chuyến viếng thăm các công ty công nghệ tại Việt Nam, Shara Tibken, biên tập viên của trang công nghệ Cnet đã có dịp được trải nghiệm Bphone cũng như tham quan nơi được Bkav cho là nhà máy sản xuất smartphone của hãng. Tuy nhiên trong bài viết của mình về Bphone, Shara không hề đánh giá cao bất kỳ tính năng hay thiết kế nào như Bkav đã từng quảng cáo, thay vào đó là câu hỏi về tương lai của chiếc điện thoại này.
Apple, Samsung hiện diện ở mọi góc phố tại Việt Nam 
"Ánh đèn trong phòng hội thảo nháy lên đôi lần rồi tắt hẳn. Ngoài tiếng của điều hòa nhiệt độ, căn phòng hoàn toàn yên lặng. Đây là điều bất thường đối với một công ty công nghệ đang cố gắng gia nhập thị trường smartphone đang vô cùng sôi động. Một nhân viên của Bkav nói rằng đôi khi điều này vẫn xảy ra", đây là cảm nhận đầu tiên của Shara khi nói về Bkav và sản phẩm Bphone của hãng.


Theo Shara, Bkav đang muốn thực hiện một cuộc cách mạng về công nghệ tại Việt Nam khi đặt mục tiêu sản xuất một chiếc smartphone cho người bản địa, lộ trình này tương tự với Xiaomi, một công ty Trung Quốc nổi tiếng toàn cầu với các dòng điện thoại giá rẻ ưu tiên cho người dùng trong nước.

Tuy nhiên thay vì mức giá rẻ, Bkav lại đưa Bphone vào phân khúc cao cấp, Shara viết.

Trong bài báo của mình, Shara nhận định người Việt không quá ưa chuộng các sản phẩm sản xuất trong nước. Mặt khác một chiếc Bphone dao động trong khoảng 450 - 925 USD, đây là mức giá quá đắt đối với nhiều người có thu nhập chưa tới 150 USD mỗi tháng.

Không chỉ thế, danh tiếng của Bkav cùng Bphone ở Việt Nam là khá thấp, ngay cả các thương hiệu từng vang bóng một thời như Nokia hay Sony cũng thu hút được nhiều sự chú ý hơn. Thậm chí, rất nhiều người còn không biết tới sự tồn tại của Bphone, Shara phát hiện ra điều này khi hỏi một đôi nam nữ đang tìm mua cho mình một chiếc smartphone tại cửa hàng điện thoại.

Theo quan sát của Shara, người Việt đang rất chuộng các sản phẩm của Apple và Samsung. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi gần như mọi góc phố của Hà Nội đều có cửa hàng trưng bày những chiếc iPhone hoặc Galaxy S. Thậm chí logo của Apple còn xuất hiện trên nhiều thứ không liên quan tới điện thoại, từ mũ bảo hiểm cho tới mũ trùm đầu của một cô thợ may.

Phía Bkav nói với Shara rằng người mua Bphone có được một chiếc điện thoại cao cấp với số tiền chỉ bằng một nửa của iPhone hoặc Galaxy S. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là "nếu bạn có thể bỏ vài trăm USD để mua một chiếc điện thoại, tại sao bạn lại không mua từ một thương hiệu nổi tiếng ?".

Thách thức của Bkav là làm sao để thuyết phụ được người Việt từ bỏ những thương hiệu như Apple, Samsung để quay sang sử dụng điện thoại được sản xuất tại Việt Nam, Shara nhận định.


Quảng "nổ" và sự khiêm nhường của người Việt


Trong bài viết của mình, Shara cho biết, mình biết tới Nguyễn Tử Quảng - CEO của Bkav thông qua các biệt danh như "Explosive Quang" (Quảng nổ) hay "Quang the bomb thrower" (Quảng quăng bom).

Ông Quảng từng có những phát biểu lớn tiếng khi cho rằng Bphone là chiếc điện thoại tuyệt nhất thế giới đã gây nhiều phản cảm, điều này đi ngược với sự khiêm nhường thường thấy của người Việt Nam và điều này dẫn tới việc Bphone cũng như cá nhân không giành được nhiều cảm tình của người dùng trong nước.


Bên trong nhà máy sản xuất Bphone 
Với những cụm từ như "kiệt tác", "nhất thế giới", "không thể tin được", ông Quảng đã gạt bỏ những lời chỉ trích nhằm nâng cao sản phẩm của mình, đây là công việc của một vị CEO, mặc dù điều này không thường thấy tại Việt Nam. Có người đã tin vào điều này nhưng đối với nhiều người khác màn tâng bốc quá đà của Quảng đã phản tác dụng, Shara viết.


Cũng trong chuyến đi này, Shara đã tới thăm nơi sản xuất Bphone với dây chuyền sản xuất gồm 100 công nhân làm việc và 50 người hoạt động trong nhà máy cơ khí của Bkav. Điều này rất khác biệt nếu biết Samsung đã đầu tư tới gần 9 tỷ USD trong 7 năm để xây dựng các cơ sở lắp ráp smartphone của mình tại Việt Nam.

Shara cũng cho biết, Bkav đã có kế hoạch mở một nhà máy lớn tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc ở ngoại ô Hà Nội nhưng điều này chỉ xảy ra khi hãng nhận được sự phản hồi tốt về Bphone từ thị trường.

Lê Vy
Bình luận
vtcnews.vn