Thời gian thu trong vòng 17 năm 3 tháng và hiện nay mới thu được hơn 3 năm, nhưng nhà đầu tư cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vừa bị Tổng Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) yêu cầu dừng thu phí từ 10/6. Vậy đâu là nguyên nhân của việc này?
Là vàng thật sẽ không sợ lửa
Đại biểu Quốc hội Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc Tổng cục ĐBVN yêu cầu chủ đầu tư Pháp Vân – Cầu Giẽ như vậy là để minh bạch hoạt động thu phí tại sao nhà đầu tư lại không làm? Nhà đầu tư không thực hiện được thì Tổng cục có quyền cho dừng thu phí là rất đúng đắn và cần thiết.
Theo Đại biểu Đỗ Văn Sinh, vấn đề minh bạch đòi hỏi ở tất cả các hệ thống đường giao thông của chúng ta là rất cần thiết. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua việc tăng giảm phí của các dự án BOT có thể chưa minh bạch mới dẫn tới việc người dân phản đối không đồng tình.
“Bộ GTVT và Tổng cục (ĐBVN) làm rất quyết liệt về việc này. Đồng thời, đưa ra rất nhiều giải pháp để giải quyết những bất cập tại các dự án BOT. Tuy nhiên, chủ đầu tư các dự án cũng phải thực hiện theo quy định của pháp luật, thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước”, ĐBQH Đỗ Văn Sinh nhìn nhận vấn đề.
Trước việc yêu cầu nhà đầu tư sao lưu dữ liệu thu phí, ĐBQH Đỗ Văn Sinh cho rằng: “Việc Tổng cục ĐBVN yêu cầu chủ đầu tư Pháp Vân – Cầu Giẽ như vậy là để minh bạch hoạt động thu phí tại sao nhà đầu tư lại không làm? Nhà đầu tư không thực hiện được thì Tổng cục có quyền cho dừng thu phí là rất đúng đắn và cần thiết”.
Theo một chuyên gia giao thông phân tích, nhà đầu tư có quyền thu phí nhưng Tổng cục lại có quyền quản lý đối với nhà đầu tư. Việc quản lý này nhằm mục đích minh bạch các hoạt động thu phí, để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và cộng đồng.
“Việc không chấp nhận thực hiện theo yêu cầu của cơ quản lý nhà nước chính là lý do để nhà đầu tư che giấu thu nhập. Tôi hoàn toàn ủng hộ yêu cầu của Tổng cục ĐBVN vì đây chính là câu chuyện sòng phẳng, minh bạch thu phí trong quan hệ pháp luật.
Tôi hy vọng không chỉ thực hiện với riêng trạm BOT Pháp Vân mà còn triển khai rộng rãi với tất cả các trạm BOT khác trên cả nước. Nếu là vàng thật thì sẽ không sợ thử qua lửa”, vị chuyên gia giao thông nhìn nhận.
Tránh tình trạng thu nhiều, nộp ít
Còn chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội đánh giá cao thái độ xử lý kiên quyết, nghiêm khắc của Tổng cục ĐBVN.
"Đó là biện pháp xử lý cứng rắn, cần phải làm nghiêm như vậy, doanh nghiệp BOT mới sợ, mới làm tốt được", vị PGS nêu quan điểm.
Cũng theo PGS Nguyễn Đình Thám, công tác giám sát, quản lý các trạm BOT thời gian qua còn rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề sao lưu dữ liệu tại các trạm BOT làm chưa tốt hoặc làm chưa chuẩn dẫn tới những bức xúc, gây mất lòng tin trong dư luận.
Từ việc nghiêm khắc với trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, vị PGS cho rằng sẽ tạo sự lan tỏa, buộc các trạm BOT khác phải làm tốt hơn, không nhờn luật được nữa.
Vị PGS lưu ý, những lùm xùm kiểu thu phí nhiều, nộp ít hay băn khoăn sau vụ cướp tại trạm thu phí trên cao tốc TP.HCM-Long Thành- Dầu Giây mới lộ ra những nghi vấn trạm thu phí cao nhưng báo cáo về thấp, ngân sách thất thu, người dân phải đóng phí oan... có nguyên nhân từ công tác sao lưu dữ liệu làm chưa tốt.
Nếu kiên quyết buộc các trạm BOT phải thực hiện việc sao lưu dữ liệu đúng quy định chắc chắn công tác giám sát sẽ chặt chẽ, tốt hơn.
Chỉ cần dựa trên những dữ liệu được sao lưu, bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào từ Tổng cục, kiểm toán, cho tới thanh tra, công an... đều có thể vào cuộc nếu phát hiện có bất thường xảy ra.
"Việc này ít nhiều sẽ hạn chế được tình trạng gian dối trong thu phí, giúp các cơ quan chức kiểm soát được hiệu quả hoạt động của trạm, qua đó, cũng có cơ sở để xác định đúng tổng mức đầu tư dự án, số năm, số tiền thu phí tương ứng cho phù hợp.
Sao lưu dữ liệu chính là công cụ hỗ trợ tích cực cho các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác giảm sát, kiểm tra các dự án BOT. Đây là cách làm rất khoa học, cần phải phát huy", PGS Nguyễn Đình Thám nhấn mạnh.
Yêu cầu từ lâu nhưng chủ đầu tư cứ “lần khần”
Trả lời báo chí về việc này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng Cục ĐBVN - Bộ GTVT cho rằng, nhà đầu tư là Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa thực hiện một số nội dung nâng cao công tác hoạt động, quản lý trong đó có sao lưu dữ liệu, hình ảnh phương tiện lưu thông qua trạm theo quy định của Bộ GTVT, cụ thể là Thông tư 49/2016/TT-BGTVT được lãnh đạo Bộ GTVT ký ban hành và đã có hiệu lực từ 1/3/2017.
Cụ thể, quy định yêu cầu: trạm thu phí (thời điểm này còn gọi là trạm thu giá) phải áp dụng công nghệ thu một dừng, điện tử tự động không dừng sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và quy định của Bộ GTVT.
“Việc xây dựng hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe, hệ thống giám sát và đảm bảo trật tự an tàn giao thông phải tuân thủ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Toàn bộ hệ thống công nghệ thu, hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe, hệ thống giám sát và đảm bảo trật tự, ATGT phải được kết nối trực tuyến, ổn định và liên tục với hệ thống quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước”, đại diện Tổng Cục Đường bộ dẫn quy định.
Trong suốt quá trình thu, đơn vị phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử được gắn tại khu vực nhà điều hành trạm thu phí, thông tin bao gồm: tên dự án, tổng mức đầy tư, tổng thời gian thu, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, doanh thu của tháng trước, doanh thu lũy kế của trạm tính đến thời điểm cuối tháng trước liền kề (số liệu doanh thu cập nhật chậm nhất vào ngày 10 của tháng tiếp theo), số điện thoại đường dây nóng để phản ánh tiêu cực tại trạm thu phí.
Video: Trạm BOT Pháp Vân bất ngờ bị yêu cầu dừng thu phí
Định kỳ sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ và sử dụng đường bộ để phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm. Dữ liệu của hệ thống quản lý bao gồm: các tập tin cơ sở, các tập tin hình ảnh chụp phương tiện lưu thông qua trạm, các tập tin video liên tục giám sát làn phải được sao lưu dưới dạng tập tin dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 5 năm. Các tập tin video giám sát cabin và giám sát toàn cảnh phải được sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 1 năm.
Theo đại diện Tổng Cục ĐBVN, quy định trên đã có hiệu lục từ đầu 2017, tuy nhiên đến thời điểm hết tháng 5/2019, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn chưa thực hiện các yêu cầu này.
Sau khi báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo Bộ cũng thống nhất phương án xử lý, cụ thể Tổng cục yêu cầu Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ dừng thu phí kể từ ngày 10/6/2019 cho đến khi Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí và truyền về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, thành phố Hà Nội theo hình thức BOT do Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ quản lý trước đó đã có nhiều “lùm xùm”, “nhập nhèm” về công tác thu phí.
Nội bộ các cổ đông trong công ty nghi ngờ số liệu báo cáo đếm xe qua trạm không chính xác nên đã lập một nhóm lắp camera trước trạm thu phí để đếm xe, giám sát xe qua trạm.
Sau đó, Tổng cục ĐBVN lập đoàn kiểm tra, giám sát việc thu phí tại trạm này trong 10 ngày (từ 18h ngày 10/7/2016 đến 18h ngày 20/7/2016). Kết quả số thu thực tế vé lượt trong 10 ngày lên tới 17,5 tỷ đồng (trung bình mỗi ngày 1,7 tỷ đồng), trong đó ngày cao nhất là 15/7 với số thu đạt hơn 1,9 tỷ đồng, khác xa số thu phí bình quân tại dự án này được báo cáo trước đó là 1,2 tỷ đồng/ngày và giảm vào dịp Tết.
Hơn nữa, tuyến BOT này cũng là điển hình của BOT “nhập nhèm”, đường cũ có sẵn, doanh nghiệp vào chỉ “tráng men” một lớp nhựa và thu phí như cao tốc làm mới.
Đối với các tuyến BOT khác, công tác thu phí chỉ được phép khi đã hoàn công, quyết toán, chốt con số đầu tư mới được phép triển khai thu phí. Nhưng tuyến BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ này đã có “ngoại lệ” khi vừa làm vừa thu phí.
Điều này khiến địa biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phải thốt lên “tuyến BOT Pháp Vân này như cái hộp đen, càng nhìn vào càng thấy tù mù, cần phải công khai số liệu đầu tư thu phí cho người dân biết, thực hiện và giám sát”.
Còn với TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó chủ nhiện Văn phòng Quốc hội thì chua chát hơn, khi ông đã từng nói, hợp đồng BOT nói chung và BOT Pháp Vân thì có gì phải bí mật. Chỉ có làm ăn gian dối thì mới sợ minh bạch, “chỉ có ma mới sợ bóng tối”.
Biết đâu đây có thể là dịp để người ta “khui” ra những “bóng ma” ở BOT Pháp Vân này, nếu đúng có sai phạm. Nhưng cũng là cơ hội để BOT Pháp Vân phơi bày, thể hiện sự trong sạch của mình. Hãy cùng chờ xem.
Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ vốn là đường nhà nước xây dựng, đến đầu năm 2015 Bộ GTVT đồng ý cho liên danh nhà đầu tư BOT là Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện dự án nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ từ 2 lên 4 làn xe với tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng.
Đến tháng 10/2015, mặc dù dự án thi chưa xong giai đoạn 1, nhưng Bộ GTVT đã chấp nhận cho nhà đầu tư thu phí phương tiện qua lại với mức 45.000 đồng/lượt xe dưới 9 chỗ ngồi. Với tổng mức đầu tư trên, nhà đầu tư được thu phí vòng 17 năm 3 tháng.
Với lý do nhà đầu tư không minh bạch con số doanh thu với các liên danh đầu tư dự án, đầu năm 2016, Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 – Công ty CP (Cienco1), đã có đơn gửi các cơ quan chức năng tố cáo nhà đầu tư Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ không minh bạch đoạn thu, công khai thông tin thu phí.
Sau sự việc trên, Tổng cục ĐBVN thành lập các tổ giám sát công tác tại trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ. Kết quả, sau 10 ngày giám sát ngẫu nhiên, tổ công tác ghi nhận, mỗi ngày trạm thu được hơn 1,9 tỉỷđồng. So với con số 1,2 đến 1,4 tỷ đồng/ngày Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo với Bộ GTVT trước đó, con số này chênh khoảng 500 triệu đồng/ngày.
Bình luận