• Zalo

Bóng ma bạo lực đe dọa V-League: Ai kiềm tỏa những 'cái đầu nóng'?

Thể thaoThứ Sáu, 20/07/2018 14:03:00 +07:00Google News

Khi bạo lực sân cỏ vẫn còn tồn tại, "chuyên nghiệp" vẫn chỉ là tấm áo khiên cưỡng của nhiều đội bóng, cầu thủ lẫn cổ động viên.

Từng có thời điểm, bạo lực sân cỏ được hiểu đơn thuần là những pha vào bóng, va chạm mang ý đồ triệt hạ trên sân. Lối đá "chặt chém" trở thành đặc sản khiến V-League bị đọc "mỉa" đi thành... Võ League, phổ biến tới mức một bộ phận khán giả quay lưng với bóng đá nước nhà, còn báo chí, giới chuyên môn hay các nhà tổ chức phải nản chí vì nói rồi vẫn vậy. 

Sau "cơn sốt" U23 Việt Nam với thành tích vang dội ở giải U23 châu Á, V-League được đà thuận lợi để thực hiện từng bước chuyển mình. Bạo lực sân cỏ, vì thế, mà dần bị đẩy lui khi các đội bóng đang nghiêng dần sang lối đá cống hiến, hấp dẫn để phục vụ người hâm mộ.

Ha Noi FC

Hiệu ứng U23 Việt Nam giúp V-League từng bước chuyển mình.

Tuy nhiên, tưởng như Võ League đã quay trở về "nguyên bản" V-League, một số đội bóng, cầu thủ và cả... khán giả lại đang nâng bạo lực sân cỏ lên một tầm cao mới. Rằng không phải cứ bóng lăn, bạo lực mới có thể xảy ra. Mà tất cả những ai có mặt trên sân đều có một quyền, đó là "quyền được đánh". 

Liên tiếp ba sự việc đau lòng xảy ra ở các sân bóng trên khắp cả nước. Khởi đầu là sự cố cổ động viên Nam Định tràn xuống sân để đuổi đánh trọng tài, tạo nên cuộc "hỗn chiến" trên sân Thiên Trường.

Không lâu sau đó, đến lượt một cuộc chiến khác trên sân Thống Nhất. Thủ môn Lê Văn Hưng (SHB Đà Nẵng) đá vào cầu thủ đối phương trong trận thua ngược của đội nhà trước CLB TPHCM.

Khi bị truất quyền thi đấu, "người gác đền" của đội bóng sông Hàn quyết không rời sân để ở lại tranh cãi với trọng tài. Ban huấn luyện SHB Đà Nẵng tràn vào sân phản ứng khiến trận đấu gián đoạn, với cái kết buồn là sáu án phạt được đưa ra, ngay trong thời điểm đội bóng của HLV Nguyễn Minh Phương đang gặp khủng hoảng trầm trọng.

cu-cai

 Tranh cãi nổ ra trong trận TPHCM - SHB Đà Nẵng

Mới đây nhất, bạo lực cũng bùng phát ở giải hạng Nhì khi cầu thủ Bà Rịa - Vũng Tàu lao vào đuổi đánh trọng tài ngay tiếng còi mãn cuộc vì cho rằng đội bóng bị xử ép trong trận đấu play-off với Phố Hiến. Hậu quả là, Bà Rịa - Vũng Tàu phải sa thải cầu thủ này, đồng thời gửi lời xin lỗi đến khán giả cả nước.

Điểm chung của cả ba sự việc nêu trên là gì? Thứ nhất, chúng đều diễn ra ở thời điểm World Cup đang bước vào giai đoạn cao trào. Sức nóng của World Cup phần nào khiến những vết đen bị che mờ, song nó lại tạo ra một hệ lụy khác khi dễ khiến khán giả chán nản vì vừa kết thúc "mùa hè thiên đường" ở Nga thì đã phải trở về với khung cảnh hỗn mang của bóng đá nội.

Thứ hai, bạo lực sân cỏ trở lại khiến nỗ lực làm mới hình ảnh của bóng đá nước nhà, đặc biệt sau thành công của U23 Việt Nam, bị ảnh hưởng rất lớn. Nỗ lực của những Xuân Trường, Quang Hải, Công Phượng, Duy Mạnh,... với đổ mồ hôi và máu trên đất Thường Châu để kéo khán giả trở lại sân bóng, nay có nguy cơ "đổ sông đổ biển" chỉ vì những sự cố không đáng có. Nói vậy để thấy, thành công hay sự trưởng thành của một nền bóng đá không thể dựa vào thành công của một cấp độ đội tuyển.

Video: Cầu thủ Bà Rịa - Vũng Tàu đuổi đánh trọng tài

Đó chỉ nên được hiểu là cú hích để bóng đá đi lên, chứ không phải một con dấu đảm bảo. Mà nếu có là con dấu, thì con dấu ấy có thể bị xóa nhòa rất nhiều bởi những sự việc đáng buồn, không sớm thì muộn.

Thứ ba, những lùm xùm trong thời gian gần đây đều liên quan đến trọng tài. Đồng ý rằng niềm tin của khán giả, cầu thủ hay ban huấn luyện vào đội ngũ cầm còi đã xuống rất thấp, song thấp đến đâu, cũng không được quyền sử dụng bạo lực. V-League 2017 từng chứng kiến các cổ động viên Hải Phòng... chửi đồng thanh trọng tài ngay trên sóng truyền hình.

Từ bao giờ, nhân phẩm con người lại bị hạ thấp và dễ dàng bị chà đạp như vậy? Từ bao giờ, sân bóng lại biến thành... võ đài với những cái đầu không thể hạ nhiệt như vậy?

Câu chuyện về bạo lực ở V-League được cô đọng trong câu nói nổi tiếng của cụ cố Hồng trong tác phẩm Số đỏ: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Nhưng cứ phải nói, ngày nào bóng ma bạo lực thôi ám ảnh sân cỏ cả nước và thôi vùi dập những nỗ lực làm bóng đá đẹp của các cầu thủ, đội bóng cũng như ban tổ chức giải.

8

 Cổ động viên xuống sân tìm đánh trọng tài.

Câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ kiềm tỏa những cái đầu nóng khi trận đấu đi vào trạng thái mất kiểm soát? Thông thường, ban huấn luyện phải giáo dục, nhắc nhở và kiềm chế các cầu thủ của mình trên sân, song chính các HLV, trợ lý hay cả lãnh đạo đội cũng lao vào sân phản ứng, đùng đùng đòi bỏ dở trận đấu thì bảo ban cầu thủ bằng cách nào?

Những dẫn chứng từ vụ bê bối trên sân Thống Nhất trong trận đấu giữa CLB TPHCM và Long An cho thấy: "thượng bất chính, hạ tất loạn". Ban huấn luyện còn hành xử với cảm xúc lấn át lý trí thì rất khó bảo ban cầu thủ. Hay đến cầu thủ còn muốn "ăn tươi nuốt sống" trọng tài như sự cố Bà Rịa - Vũng Tàu thì đừng trách người hâm mộ không nổi "máu nóng" mà lao thẳng xuống sân như ở Nam Định.

Bạo lực sinh ra từ bạo lực, chứ không thể lấy lý do "mất niềm tin" để ngụy biện bao giờ. Khi bạo lực sân cỏ vẫn còn tồn tại, "chuyên nghiệp" vẫn chỉ là tấm áo khiên cưỡng của nhiều đội bóng, cầu thủ lẫn cổ động viên.

>>> Đọc thêm: U19 Việt Nam đấu Uruguay trước khi tranh vé dự World Cup

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn