• Zalo

Bổng lộc giúp công chức 'sống khoẻ'

Thời sựThứ Ba, 09/04/2013 03:44:00 +07:00Google News

Từ một công chức bình thường không tài cán gì, rồi cũng lên sếp, cũng được này được khác, bổng lộc đến đều đều và “sống khỏe”.

Từ một công chức bình thường không tài cán gì, rồi cũng lên sếp, cũng được này được khác, bổng lộc đến đều đều và “sống khỏe”.

TS Ngô Thành Can, Phó trưởng Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự (Học viện Hành chính), trao đổi xung quanh kết quả khảo sát thu nhập của cán bộ công chức (CBCC) do Thanh Tra Chính phủ mới công bố.

TS Ngô Thành Can 
- Ông nhận định thế nào khi kết quả khảo sát cho biết 79% CBCC có thu nhập ngoài lương. Con số này liệu đã phản ánh đúng với thực tế thu nhập công chức hiện nay?

Khi nói đến thu nhập của cán bộ, công chức là chúng ta đã đụng chạm đến vấn đề tế nhị và nhạy cảm. Tế nhị ở chỗ lương nhiều người sàn sàn nhau nhưng thu nhập không như nhau.

Nhạy cảm ở chỗ khoản thu nhập khác nhau từ các nguồn khác và khó nói rõ ra được.

Là vấn đề khó làm tường minh nên CBCC thực sự không thể nói chính xác thu nhập của họ. Hơn nữa, những khoản thu nhập từ nguồn mà công khai ra có nghĩa là vi phạm Luật CBCC.

Chính vì thế, kết quả khảo sát mà Thanh tra Chính phủ đưa ra chỉ phần nào phản ánh thực tế thu nhập của CBCC, thông tin chưa được đầy đủ, vì nhiều khi bản thân CBCC cũng khó thống kê hết các nguồn thu nhập của họ.

Ví dụ, họ giúp anh em, bạn bè một việc nào đó liên quan đến lĩnh vực họ biết mà đạt kết quả, thông thường người anh em, bạn bè có chút "quà" gọi là “cám ơn” thì khó nói lắm!

Mới đây, Thanh tra Chính Phủ công bố kết quả khảo sát cho thấy có tới 79% cán bộ công chức trả lời có thu nhập ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương, 20% không có và 1% không trả lời.
Nếu chỉ nhìn hình thức, lương CBCC khá thấp so với nhu cầu tồn tại của họ, nhưng đa phần đối tượng có thâm niên lại đều có nhà cao cửa rộng, xe pháo đàng hoàng cả.

- Với thu nhập thực hiện nay, thử hỏi nếu cán bộ công chức nếu không kiếm thêm bên ngoài liệu có sống và nuôi được gia đình?

CBCC không thích dùng từ “kiếm thêm” mà là cố gắng tìm cách tăng thu nhập.

Theo công bố của cơ quan có thẩm quyền thì lương CBCC chỉ đáp ứng khoảng gần 60% mức sống tối thiểu. Ta thử tính toán sơ sơ, CBCC trẻ thì thu nhập từ lương là chính thường chỉ khoảng 4 – 5 triệu đồng/tháng.

Nếu ở thành phố thì cuộc sống khá gay go với tiền nhà, điện, nước, gas, điiện thoại, xăng xe, ăn uống, học hành… Một người sống còn khó nữa là có gia đình.

Như vậy rõ ràng, không có thu nhập khác ngoài lương thì khó tồn tại được, nhất là ở các thành phố lớn. Vì lẽ sinh tồn mà CBCC phải nghĩ đủ thứ “việc”, đủ “cách thức” để tạo ra thu nhập, nên mới sinh ra từ  “tham nhũng vặt” trong CBCC.
Cán bộ công chức không có thu nhập khác ngoài lương thì khó tồn tại được, nhất là ở các thành phố lớn (Ảnh minh họa) 

Nghĩa là, họ nghĩ ra nhiều chiêu trò để những người đến làm việc, hay nhờ cậy phải đưa phong bì cho họ rất lắt nhắt, dù chỉ 5 chục, một trăm thôi…

- Nghịch lý giữa lương và bổng cũng đã phát sinh và tồn tại lâu nay, thậm chí người dân vẫn cho rằng cán bộ sống vì "bổng" chứ mấy ai sống được bằng lương? Ông nhận định thế nào về phản ánh này?

Đúng, cái gì tồn tại được trong dân gian đều có cái lý của nó. Logic vấn đề như thế này, nếu anh đi làm lương thấp đến khó sống thì anh sẽ phải đi tìm nơi khác có thu nhập khá hơn.

Nhưng đằng này rất nhiều người lao vào các cơ quan nhà nước để làm, thi tuyển 1 người phải đấu với hàng chục người. Người ta thường nghĩ sâu xa rằng, chịu khổ ít năm, sau này quen việc có nhiều cơ hội tăng thu nhập hơn.

Từ một người CBCC bình thường không tài cán gì, rồi cũng lên sếp, cũng được này được khác, bổng lộc đến đều đều, sống khỏe, lại còn đề nghị kéo dài tuổi làm việc….

- Phát sinh lương - bổng cũng dẫn tới khó quản lý thu nhập, kê khai tài sản của cán bộ công chức. Tiêu cực, tham nhũng liệu cũng từ đây mà ra?

Rõ ràng là như vậy. Rất khó quản lý thu nhập của CBCC, nhất là những thu nhập lớn quá mà người ta hay gọi là “khủng”. Trong việc kê khai tài sản của CBCC vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng có đưa ra những trường hợp kê khai tài sản tăng thêm trong năm qua lên đến tương đương nhiều tỉ đồng.

Còn những trường hợp, thông thường thì khó xác định lắm. Thu nhập tăng thêm từ đi họp, hội thảo, làm cho dự án, làm thêm các việc với các đối tác có yêu cầu, … bản thân CBCC cũng khó tính hết các khoản này.

Có nhiều khoản thu nhập hoàn toàn trong sạch, hợp pháp, như tiền tham gia hội họp, làm thêm theo yêu cầu của công việc, do tiết kiệm chi tiêu công, …

Nhưng có nhiều khoản thu nhập thêm dựa trên việc trao đổi thông tin, dựa vào vị trí, thẩm quyền, dựa vào lợi ích nhóm mà có thì phải thận trọng, vì không phải ai cũng biết, không phải ai cũng có khoản này. Thường thường những tiêu cực, tham nhũng bắt nguồn từ đây.

Chúng ta biết rằng, tham nhũng nảy sinh từ độc quyền, từ thiếu minh bạch và thiếu giải trình mà ra.

- Với những nhập nhằng giữa lương - bổng, tới bao giờ Việt Nam mới thực hiện được việc công khai, minh bạch hóa thu nhập cán bộ công chức?

Xét về mặt lý thuyết, còn chấp nhận tình trạng nhập nhằng lương – bổng, còn dùng thanh toán chính là tiền mặt thì khó có thể công khai, minh bạch thu nhập của CBCC.

Thực tế nhiều nước trên thế giới, họ có thể kiểm soát được thu nhập, thanh toán chủ yếu bằng thẻ ngân hàng mà còn tham nhũng, tiêu cực, thì các nước chậm phát triển, đang phát triển còn gặp khó khăn hơn nhiều.

Thực tế cho thấy, chúng ta không thể chỉ hô hào CBCC phải sống trung thực, phải tân tụy, hay như có vị đại biểu dân cử “hồn nhiên” nói rằng: từ nay về sau không tham nhũng nữa, còn từ trước thì thôi không hồi tố nữa.

Trong lộ trình minh bạch hóa thu nhập của CBCC cần từng bước xác định rõ lương là nguồn thu nhập chính, lương hưởng theo vị trí việc làm, thống nhất các nguồn thu nhập khác.
Cần có cuộc cách mạng trong chính sách lương, phải tránh sự cào bằng, trung bình chủ nghĩa, cần có sự phân hóa lớn trong lương giữa người giỏi, chịu trách nhiệm với những người không có trọng trách, không giỏi, … Mạnh dạn thay đổi những chính sách không còn hợp lý, làm lợi cho những nhóm lợi ích không lành mạnh.

Tất cả điều này chỉ làm được khi người ta không còn phải nghĩ đến việc chạy trong cơ quan nhà nước như “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy lương”, “chạy tuổi”, “chạy án”, “chạy bằng cấp”, “chạy thành tích”

Xin cám ơn ông!






Theo Tuyết Mai/Khampha

Bình luận
vtcnews.vn