Sáng 22/4, tại Bảo tàng Hà Nội, dưới sự dẫn dắt của Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Bóng Làng của văn sỹ hải ngoại Trần Quốc Quân đã chính thức ra mắt bạn đọc trong nước và kiều bào người Việt khắp năm châu.
Bóng làng của Trần Quốc Quân là chuỗi câu chuyện xoay quanh đời sống, sinh hoạt của một “cộng đồng làng xã” Việt tại Ba Lan. Các nhân vật, tất nhiên, đều là “người làng”, được cố kết bởi mối liên hệ họ hàng, thân thích ở những mức độ khác nhau.
Từ làng mà ra đi, vì làng mà sinh nghiệp, họ mang theo cả những nét tính cách “làng xã” thâm căn cố đế đến cát cứ ở một vùng trời “văn minh”.
Tập truyện liên hoàn là chuỗi tiếng cười giễu nhại, bắt đầu từ những cái tên đầy ngụ ý và quái lạ, kèm những biệt danh chỉ có thể sinh ra ở một xã hội, một giai đoạn nhiều thứ đảo nghịch nhưng được che bằng cái vỏ nền nếp truyền thống: Thích Nhất Danh – vật lộn theo đuổi đến mê muội chức danh chủ tịch ba hội đoàn người Việt ở xứ người.
Vây quanh Thích Nhất Danh là Đắc Lắc Chảo, Hưởng Hoang Tưởng, Kiệt Đại Nhân, Lộc Nô Bộc… những nhân vật ra đi từ một cái làng tên Lành mà rồi lại tụ thành một cộng đồng phiên bản của nó nơi đất mới.
Mỗi kẻ một cuộc mưu sinh với thời thế châu Âu, khôn lanh, táo bạo lẫn khờ khạo, chẳng lẫn vào đâu những nét toan tính của người Việt. Chừng ấy nhân vật như những đại diện cho xã hội Việt Nam, đi xa mà về gần.
Truyện mang tiếng cười đầy tính trào lộng, đâu đó còn nghe thấy cả tiếng “mắng chó, chửi gà” vang lên trong một chiều thu Warzsawa, để rồi gây một cảm xúc bất toàn, chộn rộn lẩn khuất trong những “bóng người” hoang mang, trở đi trở lại như một điệp thức bi hài và cay đắng.
Đọng lại sau những trang viết nhanh hoạt, giọng văn có lúc chua cay đáo để, là sự tự thức. Tự thức không phải là xóa sổ một “bóng làng” cội rễ, mà là vượt thoát khỏi những tự huyễn ấu trĩ nhân danh những bóng làng hồn nước mà bó buộc lấy những phận đời.
Theo Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Bóng Làng là truyện về một cái như là làng Việt ở Ba Lan. Đúng hơn, đây là truyện về cái bóng dáng làng hiện hình qua một nhóm người làng có dây mơ rễ má với nhau về huyết thống thân tộc láng giềng sang Ba Lan định cư và sinh sống.
Bóng Làng đọc từng truyện thì là tập truyện ngắn, nhưng đọc trong tổng thể của nó thì lại như là tiểu thuyết.
Mỗi truyện có thể là một chương mà ở truyện (chương) đầu giới thiệu về Thích tác giả đã móc xích giới thiệu cả tám nhân vật còn lại, và những đoạn giới thiệu đó sẽ là “lý lịch trích ngang” cho mỗi truyện (chương) về các nhân vật về sau.
Cái sự nhập nhằng thể loại này chắc cũng là sự phân vân của tác giả trong quá trình tìm kiếm một hình thức thể hiện nghệ thuật cho sáng tác của mình.
Đây là tác phẩm thứ hai của Trần Quốc Quân. Anh chạm ngõ văn chương nước Việt từ ngoài về bằng tiểu thuyết Tuyết Hoang (Nxb Trẻ, 2014).
Câu chuyện trong đó là cảnh ngộ và đời sống của người Việt ở Ba Lan, đến Bóng Làng vẫn là những cảnh ngộ và đời sống của người Việt ở Ba Lan.
Người Việt nhiều tầng lớp nói chung, nhưng đặc biệt là người Việt trong thân phận người trí thức vật lộn chống lại sự bần cùng và tha hoá về đạo đức và nhân cách.
Người Việt với sự ôm giữ và níu kéo những đất lề quê thói của làng, những phong tục hủ tục của quê, đến như thành một bản tính thứ hai khó dứt bỏ được.
Người Việt đã đi ra khỏi làng về mặt địa lý đến muôn nơi ngoài lãnh thổ đất nước mình, nhưng liệu có thể ra khỏi cái bóng của làng ở những tập tục, tập quán, tập tính nhiều trái ngang, tréo ngoe trong suy nghĩ và hành xử bên ngoài không gian vật chất của làng rất xa.
Cũng theo Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Bóng Làng ra đời với bạn đọc để “người đọc người thương nhau”, thương người Việt.
Video: Cuốn sách đắt nhất thế giới giá hơn 1.000 tỷ đồng, phải soi gương mới đọc được
Bình luận