(VTC News) – Sắc sảo, thận trọng trong công việc, gần gũi với dân chúng là những gì người ta mô tả về bóng hồng duy nhất trong Bộ Chính trị Trung Quốc – bà Lưu Diên Đông.
Bà Lưu Diên Đông sinh tháng 11/1945, tại thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.Cha bà là ông Lưu Nhuệ Long, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, người giữ vai trò chủ chốt trong những năm đầu của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc.
Bà Lưu Diên Đông |
Những kinh nghiệm khi hoạt động trong tổ chức đoàn thanh niên đã có ý nghĩa rất lớn cho con đường chính trị của bà sau này.
Từ năm 1982, bà đã là một thành viên của Ủy ban Hữu nghị Trung - Nhật và là Tổng thư ký Trung tâm nghiên cứu Tư tưởng giáo dục thanh niên hướng tới thế kỷ XXI.
Bà Lưu Diên Đông đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch và Chủ tịch Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc từ năm 1982-1991.
Năm 2007, bà trở thành một cái tên nổi bật trên chính trường khi có mặt trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 17. Tại kỳ họp Quốc hội nước này năm 2008, bà được bầu vào Ủy ban Nhà nước.
Năm 2008, bà giữ chức Phó Bí thư Ủy ban Olympic Trung Quốc kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Thế vận hội Olympic Bắc Kinh.
Bà cũng từng là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, làm việc tại Cơ quan công tác mặt trận thống nhất chuyên trách vấn đề liên quan đến quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với Hoa kiều cũng như các vấn đề liên quan đến Tây Tạng, Hong Kong, Đài Loan và Ma Cao. Bà được biết đến là người phụ nữ sắc sảo, và được truyền thông Hong Kong gọi với cái tên "Bộ trưởng xinh đẹp".
Bà Lưu Diên Đông (bên trái) |
Nữ chính khách đầy sức hút
Về khả năng chính trị, chuyên gia nghiên cứu về các lãnh đạo Trung Quốc tại Đại học Singapore Bo Zhiyue, nhận định, hiếm có những chính khách giống như bà Lưu, người có kỹ năng thực sự và tầm hiểu biết xuất chúng. Năm 2009, bà được Trường Đại học Stony Brook tặng danh hiệu Tiến sĩ Luật danh dự.
“Bà Lưu có khả năng tốt về các vấn đề kinh tế. Bà cũng được xem là người có công lớn trong việc thu hút các nhân tài, các nhà khoa học Hoa Kiều ở nước ngoài về Trung Quốc”, Giáo sư Đại học Nottingham (Anh), David Greenaway nhận định.
Bà Lưu cũng có những mối quan hệ gia đình ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Chồng bà là Yang Yuanxing, là con nhà dòng dõi và đang điều hành một công ty công nghệ tư nhân.
Bố chồng bà từng có thời gian làm việc với CIA của Mỹ trong chiến tranh Nhật Bản. Hai ông bà có một cô con gái khoảng gần 40 tuổi đã lập gia đình, hiện đang sống tại Hong Kong.
Bà ăn nói lưu loát, gây ảnh hướng lớn tới nhiều người, kể cả các lãnh đạo. Người ta từng kì vọng bà có khả năng giành chiếc ghế bỏ trống mà Bạc Hy Lai để lại trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc.
Giáo sư Bạc Tín Ngôn chuyên nghiên cứu về giới lãnh đạo Trung Quốc của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đánh giá: “Bà ấy có một lợi thế cực lớn, đó là mạng lưới quan hệ rất tốt”.
“Tôi có gặp bà ấy vào thập niên 1980 khi tôi đang là phó chủ tịch hội sinh viên đại học Bắc Kinh. Tôi nhớ là bà ấy rất có năng lực. Báo giới Hong Kong đặt cho bà biệt danh “Bộ trưởng xinh đẹp” – Giáo sư Bạc nhớ lại.
Còn giáo sư Max Lu làm việc tại Viện Công nghệ nano và Công nghệ sinh học Úc cho biết: “Bà Lưu cực kỳ thông minh với kiến thức uyên bác. Phong cách bà ấy lại gần gũi, không mang dáng vẻ của quan chức cấp cao”.
Bà Lưu Diên Đông (bên phải) |
Là nữ ủy viên duy nhất của Bộ Chính trị Trung Quốc, bà Lưu Diên Đông luôn xây dựng cho mình hình ảnh của một lãnh đạo thận trọng, khiêm tốn, thâm trầm mà hiệu quả.
Trong buổi lễ khai mạc một cuộc thi chạy hồi đầu năm 2012 tại Bắc Kinh, bà Lưu đã không ngần ngại mặc bộ đồ thể thao, chạy bộ quanh sân vận động Tổ chim và khuyến khích người dân: “Hãy bỏ ra 1 giờ mỗi ngày để tập thể dục và bạn sẽ khỏe mạnh suốt đời”, lời nói của bà Lưu trước công chúng được tường thuật trên truyền hình quốc gia.
Bà cũng để lại ấn tượng vô cùng xúc động khi dùng ngôn ngữ ký hiệu để nói 2 từ “cảm ơn” và “rất tốt” trong chuyến thăm ngôi trường dành cho trẻ câm điếc ở tỉnh Tứ Xuyên.
Giới phân tích cho rằng sức mạnh lớn nhất của bà nằm ở các mối kết nối chính trị và khả năng hoàn thành xuất sắc các chủ trương của đảng Cộng sản.
Theo Pu Xingzu, giáo sư chuyên ngành Chính trị tại đại học FudanThượng Hải, bà Lưu Diên Đông hiếm khi thể hiện quan điểm chính trị, bà dường như không bao giờ giữ vị trí chủ tọa trong các cuộc tranh luận.
Giữ kín tung tích và thực hiện những hoạt động ẩn chứa ít rủi ro là những kỹ năng mà bà Lưu đã thành thục. Bởi vậy, xác định rõ trường phái chính sách mà bà Lưu tuân theo được coi là điều gần như không thể.
Bên cạnh những ưu thế kể trên là một số khiếm khuyết có thể coi là vật cản trên đường giành ghế Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc của bà Lưu Diên Đông.
Bà Lưu chưa từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cấp tỉnh – yếu tố quan trọng nhất trong lý lịch của hầu nhưcác lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Tuổi tác cũng là một yếu tố trở ngại bởi người trẻ tuổi luôn nhận được nhiều ưu ái hơn, và số lượng thành viên của ủy ban cũng bị giảm xuống 7 người làm cánh cửa giành cho bà cũng hẹp hơn. Thực tế đã cho thấy, bà không có tên trong danh sách 7 yếu nhân mà ĐCS Trung Quốc đã chọn ra hôm qua, 15/11.
Đỗ Hường (tổng hợp)
Bình luận