Hôm 19/10, CLB TP.HCM thảm bại 0-6 trên sân nhà trước Hà Nội FC. Đội bóng của HLV Vũ Tiến Thành thua chóng vánh 3 bàn trong 4 phút hiệp 1, rồi thủng lưới tiếp 3 bàn trong 6 phút hiệp 2. Trận thua phản ánh đúng thực lực của đội TP.HCM.
Sau 4 năm đầu tư ròng rã, đội chủ sân Thống Nhất đứng cuối bảng, là ứng viên hàng đầu cho suất xuống hạng. Tương tự, CLB Sài Gòn cũng bị cuốn vào vòng xoáy trụ hạng. Gần nửa chiều dài mùa giải, Sài Gòn và TP.HCM thay nhau đứng 2 vị trí cuối cùng.
Đó là tình cảnh ê chề với bóng đá TP.HCM - địa phương từng dẫn đầu cả nước trên cả phương diện thành tích lẫn đào tạo con người.
Đẽo cày giữa đường
Bóng đá TP.HCM từng chiếm vị trí quan trọng trong làng bóng đá cả nước từ sau năm 1975 đến đầu thập niên 2000. Các đại diện bóng đá TP.HCM từng 6 lần đoạt chức vô địch quốc gia, với Cảng Sài Gòn vô địch 4 lần các năm 1986, 1993/1994, 1997 và 2001/2002. Công an TP.HCM vô địch năm 1995 và Hải quan vô địch năm 1991.
Các trận đấu giữa các đội TP.HCM ngày ấy kéo khán giả nêm chật sân, đến nỗi phe vé không đủ vé để bán.
"Những trận đấu giữa Cảng Sài Gòn và Công an TP.HCM, khán giả luôn kéo đến kín sân. Các cầu thủ đi đến đâu, khán giả theo đến đó. Có những khán giả ở các tỉnh xa xôi cũng kéo về xem bóng đá, bình luận bóng đá. Không khí bóng đá ngày ấy sôi động với các trận derby nảy lửa bởi các đội đích thực được người hâm mộ yêu thương", cựu cầu thủ Lưu Ngọc Hùng chia sẻ.
Không chỉ vang danh sân cỏ, TP.HCM còn là cái nôi đào tạo nên nhiều nhân tài như Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Hồng Phẩm, Lư Đình Tuấn, Hà Vương Ngầu Nại… hay sau này là Lê Huỳnh Đức, Huỳnh Hồng Sơn, Võ Hoàng Bửu, Nguyễn Văn Phụng… tạo nên hơn nửa số tuyển thủ ở các đội tuyển giai đoạn cuối thập niên 1990.
Tuyển thủ khoác áo đội bóng TP.HCM gần nhất đặt dấu giày vào chiến công của đội tuyển Việt Nam là Nguyễn Minh Phương, với cú đá phạt để Lê Công Vinh đánh đầu ghi bàn tung lưới Thái Lan tại chung kết AFF Cup 2008.
Minh Phương có sự nghiệp cầu thủ lẫy lừng với 4 lần vô địch V-League cùng vinh dự đeo băng thủ quân tuyển Việt Nam, nhưng ở điểm đầu sự nghiệp, tiền vệ tài hoa này từng phải đá hậu vệ cánh, thay vì được chơi tiền vệ trung tâm bởi khi ấy Cảng Sài Gòn có quá nhiều cầu thủ giỏi ở vị trí này.
"Năm 18 tuổi, vị trí tiền vệ giữa ở Cảng Sài Gòn toàn các cầu thủ nổi tiếng như Hồ Văn Lợi, Võ Hoàng Bửu, Trần Quan Huy. Tôi còn trẻ nên khó cáng đáng, cạnh tranh. Các thầy Phạm Huỳnh Tam Lang và Đặng Trần Chỉnh thấy tôi có kỹ thuật, lại trẻ khỏe nên để đá hậu vệ biên", Minh Phương kể lại.
Những người hâm mộ bóng đá TP.HCM thuở hoàng kim, có lẽ không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến tình cảnh hai đại diện bóng đá thành phố ở V-League 2022.
CLB TP.HCM (áo đỏ) chạm đáy.
Trở lại V-League năm 2017, CLB TP.HCM không tiếc tiền của đầu tư vào bóng đá, với 2 đời chủ tịch cùng 8 HLV trưởng được sử dụng trong 6 mùa giải, nhưng ngoại trừ mùa 2019, "Chiến hạm đỏ" chủ yếu vật lộn đua trụ hạng.
Mùa này, CLB TP.HCM liên tục xáo trộn. HLV Trần Minh Chiến bị điều chuyển làm giám đốc kỹ thuật sau giai đoạn lượt đi không thành công, chủ tịch Hữu Thắng xuống nắm quyền, rồi nhường ghế cho HLV Trương Việt Hoàng. Sau đó không lâu, cả ông Thắng và HLV Việt Hoàng đều nghỉ việc. CLB TP.HCM chìm ở đáy bảng đến thời điểm này.
CLB Sài Gòn có tiền thân là CLB bóng đá Hà Nội, chuyển vào TP.HCM năm 2016 và đổi tên. Sài Gòn có thành tích tương đối tốt trong giai đoạn 2016 - 2020 khi có tới 3 mùa nằm trong top 5, đến mùa 2020 đứng hạng 3 dưới sự chèo lái của HLV Vũ Tiến Thành.
Tuy nhiên, cuộc cải tổ đầu năm 2021 đã hủy hoại sức mạnh của Sài Gòn. Đội bóng áo hồng theo đuổi chiến lược Nhật hóa, chia tay 19 cầu thủ để thay mới hoàn toàn đội hình và đưa về chuyên gia Masahiro Shimoda. Sài Gòn sau đó sa sút, rơi xuống vị trí áp chót và HLV Shimoda bị sa thải.
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, vấn đề của hai đội bóng TP.HCM là thiếu chiến lược làm bóng đá. Cả hai "đẽo cày giữa đường", không kiên định với kế hoạch mà thay đổi nhằm tìm kiếm thành công ngắn hạn.
"CLB này thay đổi quá nhiều, thiếu cả chiến lược phát triển lẫn mức độ ổn định nhân sự. Mỗi năm đội này lại thay 1 HLV. Riêng mùa này, CLB TP.HCM đã dùng tới 4 HLV. Điều này khiến đội TP.HCM không ổn định về con người và lối chơi. Họ không đầu tư đồng bộ từ cơ sở vật chất đến đào tạo trẻ, dẫn đến không có bản sắc.
CLB Sài Gòn có tiền thân là CLB bóng đá Hà Nội, sau đó chuyển vào đây và đổi tên thành CLB Sài Gòn. Đội này chỉ đầu tư ở đội hình 1, còn không có nền tảng từ chỗ ăn, chỗ ở đến đào tạo con người. Chủ đầu tư mới tiếp quản đội Sài Gòn vào năm 2020 và giúp đội có thành tích, nhưng khi đang chơi tốt, họ lại đổi chiến lược và sa sút", ông Xương nói.
Cao Văn Triền (áo tím) là cầu thủ hiếm hoi trụ lại Sài Gòn từ năm 2018 đến nay.
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, làm bóng đá khác với kinh doanh. "Bình thường bỏ ra 5 đồng mua được 1 cái ly, 10 đồng mua được 2 cái ly. Nhưng làm bóng đá thì khác. Bỏ ra 5 đồng thì thành công, có khi bỏ ra 10 đồng lại thất bại", cựu HLV Ninh Bình chia sẻ.
Nhạt nhòa bản sắc bóng đá TP.HCM
Không chỉ thất bại trên sân cỏ, Sài Gòn và TP.HCM đều không được lòng khán giả, bởi không có bản sắc chơi bóng. Sân Thống Nhất luôn ở tình trạng vắng khán giả khi hai đội này thi đấu, dù trước đây, các trận đấu ở TP.HCM đông đến mức chen nhau để xem bóng đá.
"Nói đến bóng đá TP.HCM là phải nói đến cống hiến. Các cầu thủ thi đấu tận hiến, vô tư nên được người hâm mộ yêu thương. Họ nhìn thấy tính cách hào sảng của mình, khát vọng về cái đẹp của mình trong cách chơi của cầu thủ. Người hâm mộ thương cầu thủ, bởi họ hiểu đây chính là đội bóng của mình", ông Lưu Ngọc Hùng khẳng định.
Năm 2017, khi còn giữ vai trò quyền chủ tịch CLB TP.HCM, Lê Công Vinh có quyết định gây tranh cãi khi xây phòng truyền thống để trưng bày danh hiệu, trong đó có những chiếc cúp từng được gặt hái dưới thời CLB Cảng Sài Gòn lẫy lừng.
Đó là tuyên bố ngầm, rằng CLB TP.HCM là "hậu duệ" của Cảng Sài Gòn và được thừa hưởng những danh hiệu thế hệ trước đã giành được. Tuy nhiên, ý tưởng này bị phản đối.
"Đã gọi là phòng truyền thống thì phải rạch ròi, không thể lấy cái này gắn vào cái kia. Cảng Sài Gòn có cả một quá khứ hào hùng trong khi CLB TP.HCM mới có 5 năm thì không thể đánh lận giống nhau được", cựu trung vệ Lưu Ngọc Hùng khẳng định với báo giới.
Công Vinh và phòng truyền thống của CLB TP.HCM
Đến năm 2021, đến lượt đội PVF (đóng quân tại Hưng Yên) xin đổi tên thành Cảng Sài Gòn để đá giải hạng Nhì 2021 trước khi "chuyển khẩu" vào TP.HCM. Đề xuất nói trên một lần nữa khiến nhiều CĐV Cảng Sài Gòn phẫn nộ. Từ danh hiệu đến cả phiên hiệu của đội bóng lẫy lừng một thời này lại bị các CLB khác tận dụng để đánh bóng bản thân.
Đó là thứ truyền thống ngộ nhận và vay mượn kiểu "hồn Trương Ba, da hàng thịt" của những đội bóng muốn nương nhờ hào quang quá khứ. Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, các CLB muốn lấy lòng khán giả TP.HCM thì không phải chỉ vung tiền là xong, mà còn phải đào tạo trẻ, bồi dưỡng những tài năng bóng đá nơi đây.
Cựu trung vệ Lưu Ngọc Hùng khẳng định: "Bóng đá hiện đại không nhất thiết CLB phải toàn cầu thủ địa phương trong đội hình, nhưng nếu CLB TP.HCM có những tài năng bản địa, tự thân họ sẽ có sức hút với khán giả".
Một HLV của Học viện bóng đá Lyon - TP.HCM cũng đánh giá: "Các trận đấu của đội trẻ TP.HCM có nhiều khán giả trung thành, bởi có phụ huynh, gia đình nào lại không hào hứng đến sân xem con em mình thi đấu".
Sử dụng cầu thủ bản địa không chỉ là tôn trọng bản sắc địa phương, mà còn cho thấy tham vọng xây dựng hình ảnh bóng đá TP.HCM. Tuy nhiên, cả hai đội đều không làm tốt ở khâu này.
CLB TP.HCM sở hữu Học viện đào tạo trẻ hợp tác cùng Juventus, nhưng lứa cầu thủ trẻ được đào tạo tại đây hầu như chưa có đóng góp cho đội 1. Sài Gòn cũng chưa có hệ thống đội trẻ bài bản. Mùa 2019, Hà Nội FC thậm chí cho Sài Gòn... mượn đội U15 đá giải quốc gia. Giải U21 Quốc gia năm nay, hai đội không có đại diện tham dự.
Ở các cấp độ U15, U17, U19 và U21, các đội TP.HCM chỉ 1 lần vào chung kết suốt 5 năm qua, còn lại bị loại sớm, thậm chí không được đá vòng chung kết. Đó là nốt trầm cho khâu trồng người của bóng đá TP.HCM.
Những học viện mang mác quốc tế, liên kết với các đội bóng nổi tiếng thế giới là Juventus, Lyon đã xuất hiện, nhưng các CLB chưa mặn mà dùng người, còn trung tâm đào tạo ra cũng không biết chuyển cầu thủ cho ai.
Để rồi, cầu thủ trẻ đào tạo thì "thừa mứa" mà không có đầu ra, còn các đội phải mua, mượn người từ địa phương khác. Không bất ngờ khi thực trạng này kéo dài, khiến các cầu thủ trẻ tại TP.HCM cứ biến mất dần trên bản đồ bóng đá đỉnh cao.
Bình luận